Sự kiện - chuyên đề:

Nguyễn Ngọc Ký – Nhà giáo viết huyền thoại bằng chân

Cuộc đời nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký luôn đồng hành cùng những nỗ lực không ngừng là minh chứng đầy sức thuyết phục rằng một người khuyết tật vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội.

PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng

Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội

“Chú lính chì” Việt Nam

Từ khi sinh ra đến trước 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký là đứa trẻ phát triển hoàn toàn bình thường. Năm 1951, sau trận ốm, cả hai tay cậu bé chả khác nào “hai cục thịt nằng nặng, lủng lẳng đeo vào hai bên mình”. Hai cánh tay bị liệt buông thõng. Anh mang cảm giác bất lực, buồn tủi, đau đớn như con chim non sải cánh tập bay bị gãy cánh. Là con trai út duy nhất trong gia đình có 3 chị em là gái, anh Ngọc Ký cảm nhận được tiếng thở dài nén giấu của cha mẹ. Bao hy vọng vào đứa con trai duy nhất có tư chất thông minh nay chung thân chịu cảnh “khó đôi bàn tay”. Anh sớm khôn để hiểu “tôi buồn một, bố mẹ tôi buồn gấp vạn lần”. Thương cha mẹ, Nguyễn Ngọc Ký âm thầm nuôi ước mơ đi học như bạn bè cùng trang lứa. Năm 7 tuổi, anh lân la đến trường, đứng ngoài xem các bạn học, nghe cô giáo giảng bài. Về nhà, anh bắt đầu hì hụi thử nghiệm… tập viết.

Tác giả đến thăm gia đình nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký tạp TP Hồ Chí Minh

Trong cái khó đã ló cái khôn. Khi nhìn những vân vẽ bằng mỏ của chú chim gáy trên lá, anh Ngọc Ký thông minh đã nghĩ ngay đến việc dùng miệng để viết. Nhưng “ngón chân tôi cứ cứng đờ. Đôi lúc chân còn bị chuột rút, tôi đau đến phát khóc lên. Bao hào hứng thực hiện, nhưng vừa ngậm bút chì vào miệng, run rẩy vạch lên trang giấy, thì tôi cảm thấy đầu óc choáng váng, quay cuồng, mắt lóa loáng…”. Không buông xuôi. Không chịu đầu hàng số phận. Thua keo này, lại bày keo khác. Nhìn thấy gà bới đất tìm mồi, anh Ngọc Ký chợt lóe lên ý nghĩ viết… bằng chân. Thế là anh thử sức tập viết bằng bút chì, bằng gạch non mọi lúc, mọi nơi, ở bất cứ nơi nào, trên bất cứ chất liệu nào (giấy, bảng, sân gạch…) để đủ thứ hình thù. Lớp học “đặc biệt” từ khi có anh đã thêm manh chiếu.

Thời gian đầu tập viết đối với anh Ký như một cực hình. Anh lặm lụi viết đi, viết lại nhiều lần và viết cho kỳ được mới thôi. Như một chiến binh can trường, một “chú lính chì” dũng cảm, anh “chiến đấu” không ngừng nghỉ để bắt các ngón chân phải chịu khuất phục, phải tuân theo ý mình…Không dừng ở việc biết viết, lên cấp 2, anh ước mơ học giỏi môn Toán. Viết chữ đã khó, sử dụng đồ dùng học toán còn khó hơn nhiều, nhất là dùng compa. Quay bằng một chân mỗi lần chỉ vẽ được nửa vòng tròn. Quay bằng cách mỗi chân cầm một càng compa thì khẩu độ lại luôn thay đổi… Thương anh quên thời gian luyện tập, không ít bạn bè ái ngại đã khuyên bỏ cuộc, nhưng dường như càng trong hoàn cảnh khó khăn càng giúp anh thêm bền chí. Anh Ký vẫn miệt mài tập viết, tập vẽ và rèn rũa không ngừng. Không phụ công người kiên trì “mài sắt”, kết quả mang đến cho anh thật kỳ diệu. Những chữ viết vô cùng khó khăn ấy đã bị khuất phục trước tinh thần, ý chí gang thép của anh. Anh đã viết được từ những chữ đơn giản đến chữ khó, đã ký được tên mình, đã tự viết được bài học của mình; vẽ được hình bằng thước và compa; đã nâng điểm bài tập chép từ điểm 5 đã lên điểm 9, điểm 10…

Năm 1966 tốt nghiệp phổ thông, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký thi đỗ vào khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Bạn bè cùng trang lứa của anh thời đó là chị Nguyễn Thị Kim Cúc (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), nhà văn Lê Quang Trang (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà văn Nguyễn Hiếu, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị… đã giúp đỡ anh rất nhiều, nhất là thời gian trường sơ tán lên Đại Từ (Thái Nguyên). Nghe lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Ngọc Ký trở về quê dạy học. Niềm đam mê nghề giáo đã mang đến cho anh nhiều thành công, như: Giải nhất Hội giảng giáo viên giỏi toàn tỉnh Hà Nam Ninh (1983), Nhà giáo ưu tú (1992)… Năm 1994, anh rời quê chuyển công tác vào TP. Hồ Chí Minh.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký giao lưu với bạn đọc tại Hạ Long, Quảng Ninh

Bàn chân anh Ngọc Ký đã thay đôi cánh tay buông thõng không chỉ cầm bút mà cầm kéo, cầm dao làm thủ công, làm lồng chim, cắt hoa giấy; tự cầm thìa xúc cơm; tự cầm kim khâu vá, thêu bông hoa xinh lên áo cho con, giặt tã cho con…Ngày 26/11/2013, tôi và cậu con chiến sĩ tàu HQ Trường Sa – ngành trưởng hằng hải Đỗ Quang Thùy đến thăm gia đình anh tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), anh Ký tự chân bấm bàn phím vi tính; tự chân mở đĩa giới thiệu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm gia đình nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…

Lan tỏa nghị lực sống Đẹp cho cộng đồng

Tôi có cơ duyên với nhiều cuộc gặp gỡ vợ chồng nhà văn Nguyễn Ngọc Ký: Tôi được mời làm MC chương trình giao lưu với nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, dịch giả Nguyễn Bích Lan, Giám đốc Tủ sách Hạt giống tâm hồn Nguyễn Văn Phước tại Hội nghị Sơ kết 3 năm hoạt động của Thư viện công cộng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, 8/2013); làm MC giao lưu giữa nhà văn Nguyễn Ngọc Ký với người dân Thủ đô và giới thiệu cuốn sách “Biết học hết mình” trong Ngày sách Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; MC Giao lưu và gặp gỡ NGƯT Nguyễn Ngọc Ký và giới thiệu cuốn tự truyện “Tôi đi học” với thanh thiếu niên Quảng Ninh (do giao lưu Công ty Văn hóa Sáng tạo Văn hóa Trí Việt – First News kết hợp cùng Nhà sách Tân Việt tổ chức ngày 18-5-2014). Nhân chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã đến thăm gia đình cùng cậu con Trường Sa. Một không khí gia đình ấm áp, yêu thương, thân thiện. Tôi hiểu anh Nguyễn Ngọc Ký đã dày công chăm sóc, giáo dục các con thế nào để có được một nếp nhà như vậy. Các con anh Ký coi tôi như người thân. Cô gái thứ hai Nguyễn Thị Hương gọi tôi là mẹ và đọc mẹ Hồng nghe bài thơ tặng cha.

Là người đồng hương Hải Hậu với nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, GS.TS Trần Văn Nhung – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói về người đồng hương với bao cảm phục “tôi rất tự hào được học cùng Trường THPT Hải Hậu (nay là trường THPH Hải Hậu A, đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới) với anh Nguyễn Ngọc Ký – nguyên học sinh của trường khóa 1963-1966. Năm 1970, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên dương và phổ biến kinh nghiệm học tốt của những sinh viên tiêu biểu. Trong số ít sinh viên của toàn trường thì có anh Ký (sinh viên năm thứ 4 khoa Văn) và tôi (sinh viên năm thứ 3 khoa Toán) được lựa chọn”.

Cuộc đời nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký luôn đồng hành cùng những nỗ lực không ngừng là minh chứng đầy sức thuyết phục rằng một người khuyết tật vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Bệnh tật không chừa một ai. Vì sức khỏe yếu, anh đã về hưu trước 2 năm. Từ năm 2005 đến nay, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký luôn phải phải chống chọi với bệnh tật chất chồng. Đã hơn 5 năm nay, cứ mỗi tuần 3 lần chạy thận nhân tạo. Song với nghị lực phi thường, “chàng Pa ven Việt Nam” vẫn miệt mài lao động sáng tạo.

Là một nhà văn, lại là nhà văn Việt Nam viết bằng chân, thật cảm phục anh là chủ sở hữu hơn 30 tác phẩm văn học, trong đó có những cuốn truyện ký gắn với từng chặng đường đời anh: “Những năm tháng không quên” (Tôi đi học), “Tôi học đại học”; có cuốn sách đã trở thành sách gối đầu giường của tuổi thơ “Tôi đi học”; sách trao truyền kỹ năng sống cho học sinh, tư vấn tâm lý – giáo dục “Biết học hết mình”, tuyển tập “Câu đố vui tâm đắc”, “101 câu đố vui’; tập thơ “Chú nhện chơi đu”, Quả bí kỳ lạ”, “Ngôi nhà hoa”, “Khoảnh khắc”, “Đôi tay em”…; thơ đố vui “Rau gì trồng ở đầm ao”, “101 câu đố vui’…Ba bài thơ: Nặn đồ chơi, Con đường làng, Em thương trong sách giáo khoa tiểu học được nhiều thế hệ học trò thuộc lòng. Tuổi trẻ học đường cả nước coi anh là thần tượng khi được học bài “Em Ký đi học” (tập đọc lớp 3 từ 1964-1983), “Anh ký đi học” (Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000), “Bàn chân kỳ diệu” (Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay).

Hướng tới đối tượng độc giả trẻ, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký có cách viết khúc chiết, rõ ràng, lối dẫn chuyện tự nhiên, sâu sắc, hóm hỉnh và rất có duyên. Để có được thành công đó, anh đã phát huy hiệu quả lợi thế “3 trong 1”: nhà văn, nhà giáo và nhà tư vấn tâm lý. Không phải người cầm bút nào cũng có được may mắn đó. Vốn sống, sự trải nghiệm qua các cuộc giao lưu, giáo dục lẽ sống, tình yêu nghề, trách nhiệm văn chương đã giúp anh có thêm chất liệuvà từ đó nhà văn đã hiện thực hóa bằng cuốn sách bồi dưỡng lòng ham học, kỹ năng sống cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. Sau các cuốn sách “Giáo dục những vấn đề tâm huyết”, “Biết học hết mình”…nhà văn tiếp tục cho ra mắt cuốn sách giáo dục kỹ năng sống có tựa đề “Lời vàng cho con”.

Cuốn sách kỹ năng sống được thể hiện bằng những vần thơ chân thành, mộc mạc, dễ thuộc, dễ nhớ… phảng phất câu tục ngữ, ca dao, đồng dao để lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Mẫu số chung cuốn sách “Lời vàng cho con” là bài học giáo dục sâu sắc thấm đẫm tính nhân văn về nhân cách…Hướng đến đối tượng trẻ em từ lớp mẫu giáo đến học sinh Tiểu học hôm nay, nhà văn đã chọn cách thể hiện khá đa dạng phù hợp lứa tuổi. Mượn lời khẳng định của Karl Marx “Cuộc sống là sự tổng hòa của các mối quan hệ”, tác giả nhấn mạnh đến giao tiếp ứng xử, chỉ rõ sự tồn tại và phát triển của mỗi người luôn là kết quả sự tác động qua lại hữu cơ giữa con người với con người”. Tác giả chú trọng những kỹ năng: đón khách, nói lời cảm ơn, xin lỗi, khi đến thăm nhà, khi giao tiếp, biết vui vẻ đúng khi, biết im lặng đúng lúc, lời chào cao hơn mâm cỗ, giữ lời hứa…

hầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trong chương trình giao lưu “Sách – chìa khóa thành công” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Bài học giáo dục tính nhân văn “Thương người như thể thương thân” bằng những việc làm cụ thể, dễ thực hiện:

Con nên chung sức góp tay

Giúp cho bạn vượt thiên tai họa trời

Góp quần áo, gửi đồ chơi

Sách bút học rồi gom góp tặng luôn

Giúp cụ già muốn sang đường

Cho dù vội mấy cũng đừng bỏ qua

Gặp người hành khất lết la

Bánh đang ăn cũng đưa ra biếu liền.

Con người biết quan tâm nhau khắc ghi bài học “Tránh thờ ơ, vô cảm”:

Thờ ơ vô cảm là người

Sống như cục đá giữa trời bão giông

Không cảm xúc không tấm lòng

Tâm hồn lạnh giá như đồng giữa băng

Lời khuyên, bài học về sự nhường nhịn thông qua hành động của “lá”:

Lá xếp hàng rất nghiêm

Chỗ cao nhường đàn em

Chỗ thấp phần anh chị

Rách lành không bì tỵ

Sau trước chẳng chen nhau

Những đức tính chăm chỉ, hiếu thảo, nền nếp, ngăn nắp…được thể hiện qua những câu thơ giản dị: “Đi học về dẫu vội vàng/ Nhớ treo quần áo khăn quàng đúng nơi”. Bài học đạo đức tránh tính xấu: nói tục, chửi bậy, đặt điều, nói xấu, đố kỵ, hẹp hòi, bạo lực…; tăng cường những phẩm chất: khiêm tốn, thật thà, tự tin, tự trọng… Bài học biết yêu thiên nhiên vạn vật xung quanh ta: “Cây xanh giúp cuộc sống ta/ Thêm xanh, thêm mát, thêm hoa, thêm cành/ Trăm loài vật trăm nét yêu/ Càng thêm hiểu nó càng nhiều mê say”. Yêu và biết bảo vệ thiên nhiên, tác giả hướng học sinh kỹ năng đối phó với thiên nhiên hung dữ. Khi có giông sét rất phải biết tránh “Con nên dừng lại tức thì/ Tìm nhà để trú không đi vội vàng“.

Tác giả chú ý bài thơ giáo dục lòng biết ơn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”:

Mỗi lần bưng chén cơm

Nhớ ơn người trồng lúa

Ngắm bông hoa rực rỡ

Nhớ lòng mẹ đất nâu

Mỗi lần ta qua cầu

Thương con đò lầm lũi

Khi nâng trang sách mới

Thương cây viết nhà văn

Cùng với tinh thần yêu lao động là tình yêu Tổ quốc. Tác giả đã rất khéo léo đưa vào bài thơ tính thời sự về biển Đông, về quần đảo Trường Sa:

Bố là lính đảo Trường Sa

Mấy năm rồi bố xa nhà xa con

Tết về vắng bố, hơi buồn

Ai ai cũng thấy nhớ thương bố nhiều

Ý thức công dân, lòng yêu nước được nhà thơ lồng vào bài thơ rất tự nhiên:

Song con biết chắc một điều

Nhớ nhà bố lại càng yêu đảo Trường

Chắc tay súng giữa đại dương

Giữ tròn đảo ngọc quê hương nước nhà

Bài học về nhân cách con người thông qua quan sát chiếc lá:

Khi đã già hay còn thơ

Lá không cúi mặt bao giờ con ơi

Thiết tha yêu trọn bầu trời

Nắng mưa lá vẫn suốt đời nhìn lên

Nhà thơ đã giáo dục tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách khéo léo. Tác giả đã mượn việc các em học sinh quan sát cá bơi ở ao cá Bác Hồ thân thiện với con người để dẫn đến một câu kết luận: “Em nghe mấy bạn thì thào/ Được gần bên Bác thảo nào cá ngoan”…

Cuốn sách kỹ năng “Ba trong một” hấp dẫn, dễ hiểu, dễ vận dụng và vô cùng bổ ích này vừa là một tác phẩm văn học, vừa là một công trình tâm lý – giáo dục học ứng dụng. Có ứng dụng vào cuộc đời, khoa học mới có ích cho con người, cho xã hội. Bạn đọc “Lời vàng cho con” sẽ cảm nhận được tâm tình của một người cha, bài giảng của một người thầy mẫu mực về nhân cách, lối sống;thấm đượm chất nhân văn của một nhà thơ qua những vần thơ ấm áp, ân tình, sinh động và cuốn hút;.

Cuốn sách là một đóng góp qúy báu của nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ hội nhập, đổi mới và phát triển với mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả…Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”. “Lời vàng cho con” thực sự là một cuốn cẩm nang rất cần thiết dành cho phụ huynh và học sinh; là một tài liệu tham khảo bổ ích bổ sung vào những bài giảng chính quy và ngoại khóa, những lớp chuyên đề và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên về kỹ năng sống.

Đúng là “Bạn không thể đổi hướng gió, nhưng có thể đổi cánh buồm” (Nic Peeling), tôi mới hiểu thêm một sự lựa chọn thông minh, một nghị lực phi thường đã kết tụ, tỏa sáng ở NGƯT – nhà văn Nguyễn Ngọc Ký – người cả đời viết sách, dạy học, làm việc… chỉ bằng chân. Hơn 70 tuổi đời, từ một cậu bé khuyết tật, Nguyễn Ngọc Ký đã nỗ lực vượt lên chính mình với ý chí, nghị lực phi thường làm thay đổi số phận để trở thành nhà giáo ưu tú, nhà văn Việt Nam, nhà tư vấn tâm lý hết lòng vì thế hệ trẻ và cộng đồng.

Theo Tổ Quốc

 

Chia sẻ
09:54:25 20-11-2019

Cuộc đời nhà văn, NGƯT Nguyễn Ngọc Ký luôn đồng hành cùng những nỗ lực không ngừng là minh chứng đầy sức thuyết phục rằng một người khuyết tật vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi