Sự kiện - chuyên đề:

Nguyễn Trần Trương: Cả cuộc đời gắn bó với non thiêng Yên Tử

VHDN: Ngày 24 tháng 01 năm 2022, ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã ký biên bản cam kết hoàn thành hồ sơ khoa học trong năm 2022 để trình UNESCO công nhận quần thể Di tích Yên Tử là Di sản Thế giới. Đồng hành cùng với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu viết bài, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO, có sự đóng góp của ông Nguyễn Trần Trương, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam- người viết và xuất bản nhiều tác phẩm nhất về Yên Tử tính đến nay.

Ông Nguyễn Trần Trương.

Yên Tử là nơi hình thành và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt do người Việt trực tiếp sáng lập, cũng là nơi hội tụ quần thể di tích lớn mang kiến trúc cổ kính được xây dựng, tu bổ và tôn tạo qua các triều đại phong kiến Việt Nam: Lý – Trần – Lê – Nguyễn, đã và đang được đặc biệt quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Tháng 3 năm 1974, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xếp hạng Di tích Quốc gia, và ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Qua tổng hợp và đánh giá của các cơ quan chức năng, từ trước đến nay có nhiều nhà khoa học, sử học, và cả những người yêu mến vùng đất Phật đã nghiên cứu, tìm hiểu và viết về danh thắng non thiêng Yên Tử, song người được cho là viết nhiều tác phẩm nhất về Yên Tử phải kể đến ông Nguyễn Trần Trương (bút danh Trần Trương), nguyên Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Tọa đàm khoa học “Nhận diện những giá trị tiêu biểu nổi bật của quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử để xây dựng hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận, vinh danh Di sản Thế giới”. Ông Nguyễn Trần Trương (đứng) hàng thứ 2 từ phải sang.

Ông họ Nguyễn, lấy đệm và tên làm bút danh, sinh năm Giáp Ngọ 1954, quê ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, hiện trú tại phường Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tốt nghiệp khóa 1 Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ông về làm giảng viên Trường Sư phạm 10+3 tỉnh Quảng Ninh (sau là Trường Cao đẳng Sư phạm, nay là Trường Đại học Hạ Long). Đối với các bạn cùng trang lứa thì công việc ấy là mơ ước bởi đúng chuyên ngành được đào tạo, lại được ở gần trung tâm thị xã, không như một số bạn phải đến nhận công tác tại miền núi, hải đảo xa xôi. Đứng trên bục giảng được ít năm, từ đầu năm 1982, ông chuyển sang công tác tại các phòng, ban thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí).

Năm 1986, được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Văn Thể thị xã, trực tiếp phụ trách lĩnh vực quản lý nhà nước về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Uông Bí. Năm 1992, ông được phân công, bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử. Sau 11 năm giữ cương vị này, năm 2003, ông được điều động, bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đến khi nghỉ chế độ năm 2014.

Xuất phát từ đặc thù công việc, lại say mê với công tác nghiên cứu, sưu tầm, các tư liệu lịch sử, văn hóa từ những tài liệu, thư tịch cổ để lại và các di chỉ, di tích nằm trong quần thể di tích Yên Tử đã được ông tập hợp ghi chép một cách khoa học, có hệ thống và cái gốc “cốt lõi” là chuyên ngành ngữ văn được đào tạo ở ông được phát huy có hiệu quả. Theo đó, trong 10 đầu sách ông đã viết và xuất bản thì có 6 đầu sách viết về Yên Tử gồm: Non thiêng Yên Tử (truyện tranh), Chùa Yên Tử, Danh nhân Yên Tử – NXB Văn hóa Thông tin năm 1994, 1995, 1996; Phật Hoàng Trần Nhân Tông (truyện lịch sử) – NXB Văn hóa Thông tin năm 2009, Yên Sơn ký ức (truyện ký) – NXB Hội Nhà văn 2012,

Một lần về Yên Tử (truyện ký) – NXB Hội Nhà văn 2019; chưa kể nhiều truyện ngắn, ký, các bài tham luận về Yên Tử in chung với nhiều tác giả và in trong các tạp chí của trung ương hoặc của địa phương. Những tác phẩm, bài viết của ông về non thiêng Yên Tử đã góp phần giới thiệu, quảng bá danh thắng Yên Tử đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho các nhà khoa học, sử học có hướng tiếp cận với quần thể Di tích Yên Tử đúng và nhanh hơn. Hỏi, nói chuyện và trao đổi cùng ông về các di tích trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử, ông có thể nói “ngọn, ngành” từng di tích không cần tài liệu, cái gì còn, cái gì mất, phần nào mới được Nhà nước đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo và phục dựng…

Vì hiểu Yên Tử nên mặc dù đã nghỉ hưu, ông vẫn được mời làm thành viên trong đoàn khảo sát các di tích lịch sử văn hóa trên dãy núi Yên Tử và phụ cận thuộc 3 tỉnh Bắc Giang – Hải Dương – Quảng Ninh cùng với nhóm chuyên gia quốc tế gồm: Giáo sư Paul Dingwall, Tiến sỹ Radhika và Giáo sư Ueno. Ông phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học về Yên Tử năm 2015, viết bài tham luận cho Hội thảo về Yên Tử tháng 8/2020 do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Các tác phẩm của ông Nguyễn Trần Trương viết về Khu di tích danh thắng đặc biệt Yên Tử.

Được biết, từ cuối năm 2021 đến nay, ông tham gia nghiên cứu, viết bài cho một dự án thành phần để làm cơ sở xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận quần thể Di tích – Danh thắng Yên Tử là Di sản Văn hóa Thế giới.

Cần nhấn mạnh thêm, trong thời gian làm Trưởng ban Quản lý Yên Tử, ông đã cùng lãnh đạo địa phương tháp tùng nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về thăm và cho ý kiến chỉ đạo về việc bảo tồn, tôn tạo tại Yên Tử.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể viết được nhiều về ông, về tất cả những gì ông đã làm được cho Yên Tử. Song tôi nhận ra rằng, ở vào giai đoạn gian khó nhất, tạo dựng nền móng và khởi đầu phát triển, Yên Tử gắn bó với cuộc đời của ông. Yên Tử luôn trong trái tim ông.

Vũ Mạnh Khôi

 

 

Chia sẻ
10:11:22 13-06-2022

VHDN: Ngày 24 tháng 01 năm 2022, ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã ký biên bản cam kết hoàn thành hồ sơ khoa học trong năm 2022 để trình UNESCO công nhận quần thể Di tích Yên Tử là Di sản Thế giới. Đồng hành cùng với các cơ quan chức năng, […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi