Sự kiện - chuyên đề:

Nhà báo cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả

Là nhận định của PGT.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo tại Hội thảo Báo chí quốc tế “Báo chí Việt – Lào trong kỷ nguyên truyền thông số”, sáng 26-7 ở Nghệ An. 

Dưới sự điều hành của đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Vilaythong Sixanon, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Lào, các đại biểu đã thảo luận về những nội dung xoay quanh chủ đề của hội thảo.

Báo chí buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại

Nhiều tham luận có chất lượng, công phu, cung cấp những thông tin bổ ích, thiết thực về tình hình báo chí Việt Nam và Lào trong kỷ nguyên truyền thông số. Như tham luận của các nhà báo Song Hà, Uỷ viên Bộ Biên tập, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân dân; nhà báo Phosy Keomanivong, Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia Lào; Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; nhà báo Sinhpangna Rattanavong, Phó Giám đốc Thông tấn xã Lào…

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ trình bày tham luận tại hội thảo

Với tham luận “Báo chí, phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số đa nền tảng”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã cung cấp cho hội thảo một bức tranh khái quát, sinh động về những khó khăn, thách thức của báo chí truyền thống, tính tất yếu của truyền thông số cũng như xu hướng của phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số…

Dẫn ra kinh nghiệm từ một số cơ quan báo chí truyền thông trên thế giới, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên số bùng nổ hiện nay, báo chí, phát thanh, truyền hình bắt buộc phải thay đổi mình nếu muốn tiếp tục tồn tại. Sự thay đổi bao gồm cả cách thức quản lý, áp dụng công nghệ vào quản lý toà soạn, đầu tư các nền tảng công nghệ mới ở các cơ quan báo đài.

Các phóng viên cũng phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất. “Bởi dù kỹ thuật có tốt đến đâu thì điểm cốt yếu nhất chúng ta cần quan tâm là vấn đề nội dung. Nếu nền tảng thiết yếu nhất nhưng nội dung không hấp dẫn thì khó cạnh tranh được. Do đó cần đầu tư về nội dung, có những nhà báo giỏi, thạo nghề và chuyên nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nói.

Sử dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí

“Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Xu hướng thế giới và chiến lược của Thông tấn xã Việt Nam” là nhan đề phần thuyết trình sinh động, hấp dẫn của nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại hội thảo. Ông đã đề cập đến một bước tiến vượt bậc về công nghệ hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời đặt vấn đề báo chí sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào.

“AP là hãng thông tấn đầu tiên của Mỹ dùng robot viết tin vào năm 2015. Khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, số lượng tin bài của hãng tăng lên gấp 10 lần. AP cũng sử dụng máy móc để tự động hoá quy trình biến nội dung văn bản thành phát thanh. Dự kiến đến cuối thập niên này, 80% tin bài của AP sẽ được tự động hoá…”, nhà báo Lê Quốc Minh thông tin.

Nhà báo Lê Quốc Minh thuyết trình tại hội thảo

Ông cũng nhắc tới các phần mềm viết tin tự động, các ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhà báo trong công việc hàng ngày, tìm kiếm các nguồn dữ liệu tin cậy, theo dõi các website…, qua đó khẳng định, trí tuệ nhân tạo không thay thế được các nhà báo nhưng có thể làm thay nhà báo những việc lặp đi lặp lại đơn giản.

“Thay vì mất quá nhiều thời gian vào việc giải băng ghi âm các bài phỏng vấn và miệt mài nghiền ngẫm các bộ dữ liệu, giờ đây nhà báo có thể tập trung theo đuổi những phần việc quan trọng và viết những bài phân tích sâu. Nó không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc trong kỷ nguyên số mà còn giúp theo đuổi quy mô bùng nổ của tin tức”, Phó Tổng Giám đốc TTXVN nhận định.

Nêu kinh nghiệm của TTXVN là cơ quan báo chí đầu tiên sử dụng ứng dụng  chatbot tự động tương tác với độc giả; ứng dụng dịch thuật tự động (từ các tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại); hệ thống nhận diện giọng nói và chuyển hành thông tin văn bản (voice-to-text)…, ông cũng cảnh báo việc trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những thông tin giả đáng tin cậy, những dòng tweet như thật, hoặc những comment đáng ngờ nhưng vô cùng thuyết phục.

“Nếu chúng ta không tìm cách kiểm soát, chinh phục, sử dụng một cách hiệu quả trí tuệ nhân tạo thì việc những cỗ máy bước ra khỏi màn hình tiêu diệt chúng ta như những bộ phim giả tưởng là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Báo chí với trách nhiệm của mình cũng cần phải cảnh báo điều đó”, ông Minh nêu quan điểm.

“Người thư ký của thời đại” phải đấu tranh với tin giả

Tham luận “Vấn nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí trong kỷ nguyên 4.0” của PGT.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo phân tích những tác động tiêu cực của tin giả đối với báo chí, đưa ra một số gợi ý để báo chí vừa giữ vững “trận địa thông tin”, vừa chiếm lĩnh “không gian ảo”, làm chủ thông tin trong môi trường truyền thông số.

Toàn cảnh hội thảo

Ông cho rằng, cuộc chiến chống tin giả sẽ vẫn còn cam go, khốc liệt bởi hàng ngày hàng giờ tin giả giống như một “dịch bệnh” tìm mọi con đường, mọi cách thức len lỏi, gieo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

“Do đó, trong “cuộc đua” về thông tin thì các nhà báo đưa tin đúng chưa đủ mà còn cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt những tin giả, cũng như thông tin bị bóp méo, vốn thường được nhiều người đọc và chia sẻ trên mạng hơn là sự thật. Tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho công chúng, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân… để kích động, trục lợi”, ông Lợi nhấn mạnh.

Theo ông, trong bất cứ hoàn cảnh nào, “người thư ký của thời đại” phải tỉnh táo trước những thông tin lệch lạc, chủ động đấu tranh trước hiện tượng tin giả, không “nối giáo cho giặc”, xây dựng và tạo niềm tin cho xã hội…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá, các tham luận tại hội thảo đề cập nhiều vấn đề của báo chí Việt Nam – Lào trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nêu những cơ hội, thách thức, giải pháp để báo chí hai nước có thể hoà nhập và bắt kịp xu thế phát triển của báo chí trong khu vực và thế giới.

Đồng thời nêu lên những vấn đề nóng bỏng, bức xúc cần đầu tư trí tuệ và công sức nghiên cứu, trong đó có kỹ năng nghiệp vụ báo chí, nhấn là trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ và chưa kiểm soát được của mạng xã hội. “Cùng với việc khẳng định sự cần thiết phải vươn lên làm chủ, sử dụng thành thạo nền tảng công nghệ mới thì cần nhấn mạnh điều cốt lõi nhất của báo chí là không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung của các ấn phẩm”, ông nhấn mạnh.

Ông Hồ Quang Lợi cũng nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức làm nghề của người làm báo cách mạng, để báo chí của hai nước Việt Nam – Lào trở thành lực lượng tiên phong và chủ lực trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hoá của Đảng, phục vụ lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân hai nước..

Theo CAND

15:36:13 26-07-2019

Là nhận định của PGT.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo tại Hội thảo Báo chí quốc tế “Báo chí Việt – Lào trong kỷ nguyên truyền thông số”, sáng 26-7 ở Nghệ An.  Dưới sự điều hành của đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội […]

Đối tác của chúng tôi