“Nhập nhèm” giữa SGK và tài liệu bổ trợ
Là năm học đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, nhất là khi các khâu trong biên soạn, phát hành SGK thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, nên giá SGK mới năm học 2020-2021 được ghi nhận tăng từ 3-4 lần so với SGK cũ.
Hiện, 5 bộ SGK mới lớp 1 được sử dụng trong trường học được các nhà xuất bản bán với giá từ 179.000 – 199.000 đồng/bộ, trong khi bộ SGK năm học 2019-2020 là 54.000 đồng/bộ.
SGK mới tăng giá, nhưng điều khiến phụ huynh bức xúc là việc bị rơi vào tình thế “tự nguyện kiểu ép buộc” khi phải mua kèm quá nhiều sách bổ trợ, sách tham khảo.
Con chuẩn bị vào lớp 1, ngoài tâm lý lo lắng, hồi hộp khi con sắp chuyển cấp, chị T T.H (con vào lớp 1 Trường Tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) phải đối mặt với nhiều khoản thu, trong đó có tiền mua SGK và đồ dùng học tập cho con.
“Riêng khoản sách vở và đồ dùng học tập đầu năm của con, tôi phải đóng hơn 700.000 đồng rồi. Trong đó, bộ SGK Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm và một số quyển trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam có giá khoảng 350.000 đồng. Còn lại là vở viết và đồ dùng học tập khác như bút, thước…“ – chị H nói.
Trong bảng kê khai sách phải mua mà chị H gửi cho phóng viên, có rất nhiều cuốn thuộc danh mục sách tham khảo, sách bổ trợ (như vở bài tập tiếng Việt, vở bài tập Toán, vở bài tập âm nhạc…), nhưng chị H cho biết mình không phân biệt được điều này. Chị cũng không được nhà trường giải thích rõ đâu là SGK (diện bắt buộc) và đâu chỉ là sách tham khảo, bổ trợ (không bắt buộc phải mua.
Tương tự, một số phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 của Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết cũng phải bỏ ra số tiền gần 1 triệu đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập. Quan trọng, phụ huynh cũng không được nhà trường, hay đơn vị phát hành thông báo, giải thích rõ ràng đâu là SGK, đâu là sách bổ trợ.
“Vài ngày trước, tôi được nhà trường thông báo về việc con sẽ học bộ sách lớp 1 “Cùng học để phát triển năng lực” của NXB Giáo dục Việt Nam và đề nghị phụ huynh đăng ký mua sách.
Sau đó, chúng tôi nhận được bảng giá bộ sách có ghi là Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội phát hành, với 19 cuốn, có giá là 305.000 đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn phải mua thêm bộ hình khối môn Toán của Cty cổ phần thương mại EPE, bộ đồ dùng Toán – tiếng Việt cũng của công ty này với giá vài trăm nghìn nữa, mà theo tôi đánh giá không có gì khác biệt, chất lượng hơn các bộ đồ dùng khác bán ngoài thị trường, nhưng giá thì cao hơn” – chị N.M.H (phụ huynh Trường Tiểu học Tây Sơn) cho biết.
Tại TPHCM, phụ huynh của Trường tiểu học An Phong, quận 8 cũng phải mua bộ sách lớp 1 lên đến 23 cuốn (trong khi đó, danh mục SGK lớp 1 được Bộ GDĐT công khai nhiều nhất cũng chỉ 10 cuốn/bộ – bộ “Cánh Diều”).
Nhìn bảng kê khai giá sách mà phụ huynh cung cấp, ngoài sách giáo khoa, còn kèm thêm nhiều sách tham khảo, sách tự chọn khác. Trong đó, sách tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá lên tới 146.000 đồng. Bộ thực hành Toán, tiếng Việt Cánh diều có giá lên đến 173.400 đồng.
Phụ huynh của trường cũng đã chia sẻ lên một số diễn đàn và gọi bộ sách lớp 1 mình vừa mua là “bộ sách đắt đỏ”. Nhưng không ngờ lại nhận được chia sẻ của phụ huynh tại nhiều địa phương khác, rằng họ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn, lên đến trên 1 triệu đồng để có sách cho con học tập. Với những gia đình khó khăn, đây là một gánh nặng đầu năm học mới.
Tại sao khó chấm dứt tình trạng “bán bia kèm mồi”?
Việc bán kèm SGK với sách tham khảo là câu chuyện đến hẹn lại lên mỗi dịp năm học mới. Những năm trước, trong khi mỗi bộ SGK chỉ có giá khoảng trên dưới 100.000 đồng tùy từng lớp, nhưng thực tế, phụ huynh đều phải bỏ ra số tiền nhiều gấp 4-5 lần để mua sách cho con.
Nguyên nhân được cho là do nhà trường, đơn vị phát hành không biết vô tình, hay hữu ý đã không giải thích rõ cho phụ huynh. Khi phát hành đến các trường học, đơn vị phát hành thường bán sách theo cả “combo”, gồm cả SGK, sách bổ trợ, đến đủ loại đồ dùng học tập. Việc bán sách theo “combo” kiểu này, khiến giá mỗi bộ sách bị đội lên cao, mà phụ huynh không có sự lựa chọn, phải “cắn răng mua”.
Thông tin từ các đơn vị phát hành, hiện các đơn vị thường chiết khấu phần trăm hoa hồng cho nhà trường khi phát hành sách. Đơn giá trên mỗi bộ sách càng cao, tương đương với số tiền hoa hồng nhận được càng lớn. Vì vậy, các trường cũng “nhiệt tình” trong việc giúp đơn vị phát hành bán sách đến phụ huynh.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động, đề cấp đến câu chuyện vì sao khó chấm dứt tình trạng “bán bia kèm mồi” (SGK kèm sách tham khảo), lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, NXB chỉ phát hành sách thông qua hệ thống các công ty sách và thiết bị trường học ở mỗi tỉnh thành và không thực hiện phát hành trực tiếp tới nhà trường. Còn các doanh nghiệp, Cty phát hành có vì lợi nhuận mà triển khai việc “bán kia kèm mồi” hay không, NXB không thể nắm được vì không quản lý họ.
Mặt khác, mảng sách tham khảo, đồ dùng học tập hiện nay có hàng chục NXB, đơn vị khác cũng làm và họ cũng tìm cách đưa vào trường học. Mỗi đơn vị chỉ cần đưa vào một số cuốn, một số đồ dùng, thì số tiền phụ huynh phải bỏ ra để mua sắm sách vở cho con cũng đội lên cao.
Về phía nhà trường, giải thích về bộ sách lớp 1 lên trên 700.000 đồng, bà Nguyễn Thị Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân La (Hà Nội) cho rằng, việc phát hành SGK mới năm nay rất phức tạp. Vì nhà trường chọn SGK của nhiều bộ, mỗi bộ một vài cuốn. Khi phát hành đến nhà trường, đơn vị phát hành cũng bán kèm thêm sách bổ trợ, đi kèm cùng SGK, mà bà Tuyết cho biết mình chưa thể nhớ hết ngay được.
Đại diện Trường Tiểu học Xuân La cũng chưa trả lời cụ thể vào câu hỏi: Khi thông báo cho phụ huynh có nói rõ đâu là SGK bắt buộc phải mua, đâu là sách bổ trợ hay không và hẹn sẽ thông tin sau thời điểm khai giảng năm học mới.
Còn về “bộ sách” 807.000 đồng tại TPHCM, đại diện Trường tiểu học An Phong cho biết, bộ sách này gồm cả SGK và sách bổ trợ dành cho học sinh lớp 1. Năm ngoái, lớp 1 chỉ có một sách thực hành Toán, tiếng Việt (dùng chung), năm nay trường dùng sách của nhiều đơn vị. Riêng bộ thực hành Toán, tiếng Việt của Cánh Diều cũng lên tới 173.400 đồng.
Chưa kể các khoản thu đầu năm học mới, riêng tiền SGK, đồ dùng học tập cho con, phụ huynh cũng đã phải bỏ ra một số tiền lớn. Trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện và sẵn sàng chi. Phần lớn họ bị rơi vào thế “không có nhiều lựa chọn do sự “mập mờ” trong việc phát hành và thông tin đến phụ huynh của các trường và đơn vị phát hành.
Cấm ép buộc mua thêm sách bổ trợ hoặc tham khảo dưới mọi hình thức
Tìm hiểu của phóng viên, Bộ GDĐT đã có nhiều công văn chỉ đạo về việc thực hiện sử dụng SGK, tài liệu giảng dạy trong trường học. Tại Công văn số 6631/BGDĐT-GDTrh ngày 25.7.2008 và nhiều văn bản khác đề nêu rõ, các cơ quan quản lý giáo dục, các trường không được bắt buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ dưới mọi hình thức. Các đơn vị có liên quan phải thông báo rõ điều này cho giáo viên, học sinh và gia đình học sinh biết.
Tại Điều 28 Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT cũng quy định rõ, SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định.
Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.
Nhưng thực tế, như phụ huynh phản ánh, họ bị thiếu thông tin và nhà trường không nói rõ đâu là sách bắt buộc, đâu là sách tự chọn, tham khảo để phụ huynh được biết.
SGK lớp 1 mới chỉ có 8 cuốn bắt buộc
Ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 cuốn bắt buộc và một môn tự chọn.
Các cuốn SGK bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên – xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật. Môn tự chọn là sách Tiếng Anh.
Ngoài các cuốn SGK chính thức như ở trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu, có quyền tự chọn, không bắt buộc.
Theo LĐO