Sự kiện - chuyên đề:

Nhớ về vị Phó Chủ tịch tỉnh khả kính

VHDN: Đầu giờ sáng nay, tôi nghe điện thoại từ Chánh Văn phòng Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Kon Tum thông tin: “Bác Hai Đạm mất rồi anh ạ”. Dù biết bác ốm đã lâu, nhưng nghe tin, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng, nhớ về một người thủ trưởng với những kỷ niệm, ân tình không thể nào quên…

Đồng chí Hồ Văn Đạm cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát biên giới tỉnh Kon Tum

 

 Từ học sinh miền Nam đến Phó Chủ tịch tỉnh

Tròn 13 tuổi, từ quê hương Diêu Trì, Tuy Phước (Bình Định), chàng thiếu niên Hồ Văn Đạm được đưa ra miền Bắc học tập ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đó là vào năm 1954. Nói nôm na như bác Hai Đạm là bát gạo, củ khoai của quê hương miền Bắc đã nuôi bác khôn lớn, tưởng thành. Tốt nghiệp đại học tài chính, bác Hai Đạm đi giảng dạy gần 2 năm trên vùng mỏ Quảng Ninh và đến 1973, bác được đưa vào miền Trung, từ Quảng Nam đến Khánh Hòa cùng chung sức vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Đất nước thống nhất, năm 1975, bác về Gia Lai – Kon Tum, làm chuyên viên Sở Tài chính và đến khi 38 tuổi, bác Hai Đạm làm Trưởng ty Tài chính và có lẽ khi ấy, bác là vị Trưởng ty trẻ nhất trong cả nước để rồi vài năm sau trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đến khi Gia Lai – Kon Tum chia tách cuối năm 1991, bác Hồ Văn Đạm làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum.

Chúng tôi là lớp hậu sinh, có may mắn vài năm được làm việc cùng người mà anh em cán bộ ở Kon Tum cho là khá nhiều “giai thoại” của vị chính khách được cho là khá “nổi tiếng” này! Không thể xâu chuỗi được hết những công việc mà bác đã xốc vác, lo liệu cùng với tỉnh từ những ngày đầu thành lập, nhưng có lẽ, dấu ấn về bác, một cán bộ thông tuệ, mẫn tiệp và đầy nhiệt huyết vẫn để lại trong tình cảm của chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ quên…

Cuối năm 1991, tỉnh Kon Tum ra riêng đầy gian khó. Bác Hai Đạm nhớ lại, khi ấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn cách làm sao để kiến thiết, dựng xây lại Kon Tum. Bác nảy ngay ra ý: “Ổn định và phát triển”. Thế là từ đó, mục tiêu “Xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển” trở thành nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ và nhân dân Kon Tum cho đến tận bây giờ. Là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm nhiệm Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy, bác cùng cộng sự bắt tay xây dựng đề án, phân tích tình hình Kon Tum và đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu, đường hướng đi lên của tỉnh; bác đặc biệt chú tâm và nhấn mạnh về 3 yếu tố, đặc thù riêng của Kon Tum, đó là: dân tộc, tôn giáo và biên giới. Phải giải quyết hài hòa những vấn đề trọng yếu này thì Kon Tum sẽ ổn định và phát triển bền vững.

Phong cách nhanh nhạy, dứt khoát, quyết đoán, mạch lạc thì anh em cán bộ Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành vẫn còn nhớ mãi. Thâu tóm vấn đề nhanh, khái quát cao, tường tận cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng cán bộ dưới quyền đã định hướng cho bác giải quyết công việc “đâu vào đấy” đối với một tỉnh còn ngổn ngang, bề bộn… Rất nhiều anh em kể rằng, bác giải quyết công việc bất cứ ở chỗ nào, tại trụ sở, hành lang và kể cả ở … ngoài đường, kê đùi mà ký, mà toàn là ký những việc quan trọng cả, liên quan đến cơm, áo, gạo, tiền… chứ chẳng phải chuyện chơi! Mà chờ họp xong mới ký thì cơ hội qua mất, thiệt cho đơn vị. Thế mới có chuyện rằng, khi bác Hai Đạm đương chức Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, một cán bộ cấp sở tìm gặp để xin ý kiến mà mãi mà không gặp được. Hôm ấy, gặp bác giữa đường, bác dừng xe máy lại xem văn bản rồi bác để văn bản lên yên xe máy, ký luôn. Thế là được việc.

Bám sát thực tiễn, nắm chắc cơ sở cùng với những ý tưởng, lập luận sắc sảo nên vừa quản lý chính quyền cấp tỉnh, bác vừa nghiên cứu khoa học. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng cho bác 4 Bằng Lao động sáng tạo. Đó đều là những vấn đề khoa học liên quan đến lợi ích của con người, đến sự nghiệp dựng xây, phát triển tỉnh Kon Tum, đó là những sáng kiến: Quyền lợi của người lao động trong Luật phá sản; Phương thức áp dụng một giá nông sản ở Tây Nguyên; Quy trình thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên; Mô hình một cửa, một dấu mà hiện nay chúng ta đang thực hiện.

Phong cách Hồ Văn Đạm thì mọi người đều biết. Bác chính là mẫu cán bộ mẫn cán, quyết đoán, dám làm và luôn nhận về mình phần trách nhiệm. Làm việc với bác kể ra cũng sướng thật. Trước hết, bác khá hiểu cán bộ, dám giao việc cho cán bộ thuộc cấp và tin tưởng vào cán bộ dưới quyền. Bác cho chủ trương, ý tưởng, còn cụ thể làm như thế nào đạt được thì tha hồ mà sáng tạo, kích thích và tạo động lực cho anh em làm việc. Thứ hai, khi bác chủ trì cuộc họp nào, dù to hay nhỏ, tầm cả tỉnh hay chỉ là một thôn, làng, xí nghiệp… bác đều hết sức ngắn gọn, hàm súc, thâu tóm toàn bộ nội dung công việc và kết luận việc phải làm: một, hai, ba, bốn…rõ ràng, cụ thể. Phân công rõ người, rõ việc. Ai làm việc gì cứ thế mà làm, xong thì báo cáo lại, vướng đâu giải quyết ngay, thấu đáo. Anh em thư ký ghi chép cũng dễ và thấy sướng lắm, viết văn bản kết luận vèo một cái là xong theo ý của thủ trưởng.

Năm 2000, khi ấy bác Hai Đạm 58 tuổi, chấp hành sự phân công của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bác về Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh làm Bí thư khi mô hình Đảng ủy khối còn rất mới trong cả nước; bước đi, cách làm, phương thức lãnh đạo Đảng trong doanh nghiệp vừa làm vừa tổng kết để tạo dựng mô hình. Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Kon Tum thành lập năm 1998 đang chập chững những bước đi ban đầu thì có bác. Trụ sở đóng ở số 6B, đường Ngô Quyền nhưng người ta ít khi thấy bác ở đấy. Hóa ra, khi chân ướt chân ráo về, bác đã dành hơn 3 tháng đến hầu hết các doanh nghiệp để nghe và hỏi, nắm bắt thực tiễn để rồi sau đó bác đã cho ra đời 9 sản phẩm là các chuyên đề, cẩm nang chỉ vẽ cho các doanh nghiệp ở Kon Tum phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xây dựng Đảng trong doanh nghiệp. Bác trực tiếp viết, thiết kế 9 chuyên đề này để các doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối vận dụng vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Bác bảo: “Đấy, cứ thế mà làm, vướng chỗ nào thì bàn tiếp”.

Có thể nói, bác hiểu tường tận, hiểu từng chân tơ kẽ tóc của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngân hàng – tài chính. Chỗ nào khó, vướng, doanh nghiệp nào “bí” trong quyết sách làm ăn lại tìm đến, bác lại bày cách tháo gỡ, tìm lối đi phù hợp, hiệu quả. Hơn 5 năm làm Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp thì cũng là chừng ấy thời gian, các doanh nghiệp coi bác như người anh, người soi đường, dẫn dắt bước đi cho các doanh nghiệp trong toàn Đảng bộ.

.      Nghỉ hưu cuối năm 2005, hằng ngày, bác dậy rất sớm tập luyện thể dục để giữ gìn sức khỏe. Buổi sáng, vẫn chiếc xe máy cũ từ hồi còn là Phó Chủ tịch tỉnh, bác đi hơn 5 cây số qua phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum chăm cây với vườn rau nhỏ. 9 giờ về đọc báo, theo dõi thông tin mọi mặt của cuộc sống. Bác đặt mua báo Tuổi trẻ và các bản tin nội bộ; bác coi đọc báo, viết lách thường xuyên cũng là cách rèn luyện cho đầu óc minh mẫn và không bị lạc hậu về những biến động đến từ mọi phía của thời cuộc.

Cuộc sống bình dị, sinh hoạt giản đơn, sống viên mãn lúc xế chiều bên một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Bác thường khuyên dặn con cháu về lẽ sống trọng tình, trọng nghĩa, ăn ở để phúc đức cho đời. Bác luôn nhắc nhở người thân, bạn bè về lối sống giản dị, khiêm nhường, khoan dung và quảng đại với anh em, đồng chí để nối dài tình yêu thương trong cuộc sống./.

Trưa 25-5-2021

Nguyễn Văn Chiến

14:17:07 25-05-GMT+0700

VHDN: Đầu giờ sáng nay, tôi nghe điện thoại từ Chánh Văn phòng Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Kon Tum thông tin: “Bác Hai Đạm mất rồi anh ạ”. Dù biết bác ốm đã lâu, nhưng nghe tin, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng, nhớ về một người thủ trưởng với […]

Đối tác của chúng tôi