Sự kiện - chuyên đề:

Nhờ xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản lãi lớn

Nhiều doanh nghiệp thủy sản đều báo lãi lớn sau nửa năm kinh doanh. Kết quả này phần nhiều nhờ vào xuất khẩu. 

Lãi lớn nửa đầu năm

Qua chặng đường 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản đều khởi sắc.

Theo thông tin từ Công ty CP Vĩnh Hoàn, kết thúc quý II/2019, Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu thuần 2.024 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái; tương ứng lợi nhuận gộp thu về 428 tỷ đồng, giảm 7%. Tuy nhiên, doanh thu tài chính trong kỳ tăng mạnh lên 148 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ bán các khoản đầu tư. với doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế của Vĩnh Hoàn đạt 449 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần Vĩnh Hoàn giảm 5,7% xuống còn 3.813 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 56% lên 795 tỷ đồng.

Tương tự, kết thúc nửa đầu năm, Công ty Cổ phần Nam Việt ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, doanh thu thuần 1.975 tỷ đồng, tăng 17%. Biên lợi nhuận hiệu quả hơn giúp doanh nghiệp có lãi 353 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh từ thị trường châu Âu (tăng 90%) và các nước ASEAN (tăng 24%). Đây cũng là hai thị trường lớn nhất chiếm gần 40% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2019 của doanh nghiệp này.

Chỉ tính riêng trong quý II/2019 Công ty cổ phần Camimex Group (CMX) lãi ròng 47 tỷ đồng tăng 261% so với cùng kỳ 2018 – Mức lãi cao nhất kể từ khi niêm yết. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 326 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán lại giảm nhẹ nên lợi nhuận gộp đạt 84,4 tỷ đồng tăng cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận thêm hơn 3 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác giúp CMX lãi ròng gần 47 tỷ đồng tăng tới 261% so với quý 2/2018.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, CMX đạt 511 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng lên tới 71 tỷ đồng tăng cao gấp hơn 4 lần nửa đầu năm 2018. Được biết, kế hoạch kinh doanh năm 2019 của công ty là doanh thu 2.637 tỷ đồng (tăng trưởng 150% so với năm 2018) và 198,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 155% so với năm 2018. Theo đó kết thúc nửa đầu năm 2019 mặc dù cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu này, CMX mới hoàn thành được 19% mục tiêu về doanh thu và 36% mục tiêu về lợi nhuận sau thuế.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) đã được ký kết là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh những thuận lợi của ngành thủy sản, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo nhiều lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu hàng hóa, nhất là chính sách thuế.

Với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu, trong 6 tháng qua, Công CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long – An Giang ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 126,7 tỷ đồng tăng 120% so với cùng kỳ năm 2018. Lãi ròng sau thuế thu về 113 tỷ đồng, gấp 2,2 lần kết quả 6 tháng đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được sau nửa năm, Thủy sản Cửu Long An Giang đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và hơn 70% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta cũng ghi nhận lãi trước thuế 95 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kì năm trước. Với kết quả này, công ty đã thực hiện hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2019. Công ty CP Thủy sản MeKong ghi nhận doanh thu thuần đạt 95 tỷ đồng. Lãi trước thuế 8,5 tỷ đồng, tăng 10,4% và vượt kế hoạch năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 95 tỷ đồng, giảm 14%. Lợi nhuận trước thuế 8,5 tỷ đồng, tăng 10,4% và vượt 6% kế hoạch năm.

Xuất khẩu thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả đáng khích lệ, song 6 tháng còn lại năm 2019, ngành thủy sản đứng trước nhiều vấn đề lớn đòi hỏi cần có quyết tâm cao, cần có kế hoạch hành động cụ thể.

Trong đó, đáng chú ý, tháng 10/2019, EC sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, trong khi chúng ta mới làm tốt và hoàn thiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt có nguy cơ cao hơn cả “thẻ vàng”. Do đó, mới đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, bám sát, tổng hợp thực tiễn, từ đó có các giải pháp cụ thể khắc phục “thẻ vàng” của EC về IUU. Các đơn vị chức năng cần tham mưu, tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp khắc phục thẻ vàng của EC về IUU, trong đó: duy trì việc họp Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU hàng tháng; tăng cường tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại các địa phương trọng điểm; ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra tại thực địa về công tác chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC vào tháng 10/2019, với mục tiêu được xem xét gỡ “thẻ vàng”, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo Hải Quan

09:40:38 25-07-2019

Nhiều doanh nghiệp thủy sản đều báo lãi lớn sau nửa năm kinh doanh. Kết quả này phần nhiều nhờ vào xuất khẩu.  Lãi lớn nửa đầu năm Qua chặng đường 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản đều khởi sắc. Theo thông tin từ Công ty CP Vĩnh […]

Đối tác của chúng tôi