Sự kiện - chuyên đề:

Nhóm tội phậm với hành vi tăng giá máy xét nghiệm Covid-19

VHDN:Trong những tháng quyết liệt chống dịch covid-19, hàng chục triệu người dân chung tay đóng góp, ít nhất là một tin nhắn 20.000 đồng, nhiều là hàng tỉ đồng ủng hộ ngành Y tế và các lực lượng trên tuyến đầu cuộc chiến. Có cụ già ngót trăm tuổi rút hết tiền tiết kiệm mua 2 tấn gạo, có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ngày đêm may khẩu trang ủng hộ chống dịch,v.v… Nhưng cũng trong thời gian này, một bộ phận cán bộ y tế lại có hành vi trắng trợn mua máy xét nghiệm “thổi giá” lên rất cao.

Đó là hàng loạt cơ sở y tế đồng loạt dùng ngân sách mua hệ thống máy sinh học phân tử xét nghiệm tự động Realtine PCR do doanh nghiệp nhập khẩu, giá tối đa tại thời điểm chỉ 2,3 tỉ đồng song các chủ đầu tư móc ngoặc với nhà thầu nâng giá lên trên, dưới 7 tỉ đồng, thậm chí gần 10 tỉ đồng.

Việc này diễn ra nghiêm trọng ở nhiều sở y tế địa phương, một số bệnh viện theo nhiều mức giá khác nhau: Quảng Ninh (8,4 tỉ đồng), Hà Nội (hơn 7 tỉ đồng), Quảng Nam (7,2 tỉ đồng), Thái Bình (6,48 tỉ đồng), Ninh Bình (7,48 tỉ đồng), Bắc Ninh (5,98 tỉ đồng), Hà Tĩnh (5,2 tỉ đồng), Thanh Hóa (3,7 tỉ đồng), Kiên Giang (3 tỉ đồng), Bạc Liêu (3 tỉ đồng),v.v… Trong khi đó có những nơi mua chỉ với giá thấp như Quảng Trị (1,4 tỉ đồng), Bình Thuận (1,6 tỉ đồng), TP Đà Nẵng và Yên Bái (1,4 – 2 tỉ đồng). Còn tại Gia Lai, ngành Y tế được một doanh nghiệp tài trợ bộ thiết bị như thế chỉ với giá 2 tỉ đồng.

Hàng loạt vụ mua sắm Realtine PCR Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) ở nhiều địa phương, bệnh viện chỉ được bung ra sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CO3) Bộ Công an khởi tố hình sự, bắt tạm giam “nhà khoa học” Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội và 6 đồng phạm khác, mới lộ ra việc mua sắm máy xét nghiệm giá cao vọt ở nhiều địa phương. Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát, thanh tra, kiểm tra các nơi đã mua sắm thì nhiều nơi, khắp chốn mới “cuống cà kê” lên, một số địa phương, bệnh viện tìm mọi cách đối phó. Trong đó, có Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lào Cai giải trình là được “mượn” sử dụng (máy mới) trong khi có ngân sách cấp để mua sắm. Một số nơi đàm phán lại với công ty cung ứng (Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam) đề nghị giảm giá sau khi cơ bản đã hoàn tất hồ sơ, chuyển tiền.

Để hỗ trợ chống dịch, Chính phủ chủ trương trích ngân sách dự phòng 3.000 tỉ đồng cho ngành Y tế mua sắm thiết bị, vật tư, thuốc chống bệnh dịch Covid-19, bước đầu Bộ Tài chính đã phân bổ 1.400 tỉ đồng, riêng Hà Nội đã chi 1.286 tỉ đồng. Cùng một chủng loại thiết bị, cùng một nhà sản xuất, tại sao có nơi mua chỉ với giá 1,4 tỉ đến 2 tỉ đồng, trong khi rất nhiều nơi lại mua giá 6-7 tỉ đồng, thậm chí 8,4 tỉ đồng? Trên thực tế, giá sản xuất chỉ 1,4 đến 1,7 tỉ đồng/bộ. Những năm 2018-2019 nhập vào chỉ 60.000 USD (xấp xỉ 1,3 tỉ đồng), còn vào giai đoạn cao điểm của dịch như vừa qua giá tối đa cũng chỉ 2,3 tỉ đồng.

Đó là hiện tượng bất thường, không bình thường đã và đang diễn ra trong ngành Y tế. Vậy, bản chất của nó là gì? Bản chất đích thực là lòng tham vô đáy, vô độ của một bộ phận cán bộ, có thể chỉ ra là từ “Nhóm lợi ích”. Đội ngũ này coi ngân sách Nhà nước, tiền thuế của người dân là “miếng bánh” ngon để đua nhau “ngoạm”. Nó giống như mươi năm về trước, Dương Chí Dũng (Tập đoàn Vinalines) đội giá dự án nhà máy sửa chữa tàu biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu từ 3.854 tỉ đồng lên 6.459 tỉ đồng; mua ụ nổi của Nga khi đàm phán thỏa thuận giá 2,3 triệu

USD nhưng “thổi giá” lên, quyết toán tới 9 triệu USD. Tương tự, gần đây vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG tổng tài sản có vài trăm tỉ đồng đội giá lên hơn 8.900 tỉ đồng,v.v…

Trong nhiều năm qua, ngành Y tế sử dụng nguồn ngân sách rất lớn vào việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh. Nhiều dự án có tổ chức đấu thầu cũng chỉ là hình thức. Trong không ít thương vụ, “nhóm lợi ích” nắm trong tay những doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu. Do buông lỏng công tác quản lí, thanh tra, kiểm tra giám sát nên để trượt dài ngày càng tích tụ sai phạm và đến lúc nóng bỏng này “ung nhọt” mới vỡ ra tình trạng mua sắm máy xét nghiệm covid-19 như một giọt nước tràn li, vô cùng nhức nhối. Bộ Y tế thừa biết giá nhập khẩu tối đa chỉ 2,3 tỉ đồng/bộ nhưng không chỉ đạo, hướng dẫn cho toàn ngành chỉ nên kí hợp đồng trong khuôn khổ giá đó? Chẳng lẽ các nơi ồ ạt mua sắm với giá rất cao, Bộ không phát hiện? Phải chăng, lỗ hổng về quản lí này tạo kẽ hở khổng lồ cho những con sâu mọt lợi dụng, tha hồ đục khoét?

Đó chính là mặt bản chất thật của vụ việc “thổi giá” thiết bị Realtine PCR vút lên cao!… Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải kiên quyết và làm triệt để vụ này và xem còn những đâu mua sắm rồi với giá rất cao nhưng “chưa bị lộ”?

Kim Quốc Hoa

16:11:52 22-05-2020

VHDN:Trong những tháng quyết liệt chống dịch covid-19, hàng chục triệu người dân chung tay đóng góp, ít nhất là một tin nhắn 20.000 đồng, nhiều là hàng tỉ đồng ủng hộ ngành Y tế và các lực lượng trên tuyến đầu cuộc chiến. Có cụ già ngót trăm tuổi rút hết tiền tiết kiệm […]

Đối tác của chúng tôi