Sự kiện - chuyên đề:

Nhu cầu cấp bách và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam

VHDN: Sau gần 20 năm nghiên cứu và phát triển, Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ giáo dục Việt Nam – EDTECH-VN đã xây dựng và ứng dụng những hệ thống công cụ chất lượng cao, đề xuất hai đề án phục vụ phát triển nhân lực chất lượng cao mang tính toàn cầu đáp ứng chuẩn quốc tế với chi phí thấp mà hiệu quả cao.

Tháng 9 năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. (1)-Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 33, NXB CTQG, 2000.

Công học tập, sự ham muốn bồi đắp tri thức (chất xám) chính là tài nguyên chính để tạo ra của cải vật chất trong nền kinh tế tri thức. Việc khai thác kho chất xám trong dân chính là phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế phát triển, bền vững, đặc biệt là trong nền kinh tế tri thức của thế kỷ 21. Tuy năng lực sáng tạo của người Việt luôn sẵn có nhưng trong thời đại công nghệ cao, đặc biệt là cuộc CMCN 4.0, thì người lao động cần những kiến thức công nghệ nền tảng mức cao và các kỹ năng chuyên nghiệp, đồng thời các hệ thống quản lý cần có khả năng kết hợp giữa công nghệ cao và những nhân lực chuyên nghiệp này để hình thành sản phẩm của các chuỗi giá trị đem lại thặng dư cao. Chúng ta cũng không cần quá lo lắng khi tiếp cận công nghệ cao vì nó đã được thiết kế thân thiện phù hợp với người dùng và chúng ta đã có thời gian dài tiếp cận nó. Ví dụ smart phone là sản phẩm được tích hợp bởi những công nghệ rất cao nhưng ngay những người không hiểu biết về công nghệ cũng sử dụng được nó cùng rất nhiều ứng dụng hữu ích bên trong để đem lại những giá trị cao hơn trong cuộc sống.

Sau gần 20 năm nghiên cứu và phát triển, EDTECH-VN đã xây dựng và ứng dụng những hệ thống công cụ chất lượng cao, đề xuất hai đề án phục vụ phát triển nhân lực chất lượng cao mang tính toàn cầu đáp ứng chuẩn quốc tế với chi phí thấp mà hiệu quả cao. Đây là chìa khóa để bước vào thị trường nhân lực chuyên nghiệp, đem lại những giá trị cao cho nền kinh tế. Vậy nên, nếu Chính phủ thẩm định và chấp thuận triển khai các đề án này kèm theo các chính sách phát triển kinh tế đồng bộ thì chỉ đến năm 2030 thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm của Việt Nam sẽ đạt đến 15.000 USD.

Hiện nay, GDP trên đầu người của Nhật Bản bằng khoảng 15 lần Việt Nam. Trong khi điều kiện thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, mật độ dân số,… Nhật Bản đều không thuận lợi bằng Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay chủ yếu là khai thác tài nguyên, sản xuất thô và nhân công giá rẻ… chúng ta dễ dàng nhận thấy nền kinh tế Nhật Bản hơn Việt Nam là giá trị của con người chuyển hóa thành hàm lượng công nghệ và chất xám trong giá trị các sản phẩm. Đó chính là dư địa phát triển của nền kinh tế mà Việt Nam đang cần khai thác và phát huy. Đó là nền kinh tế tri thức mà trong đó chất xám sẽ đóng góp giá trị lớn. Nói cách khác nó phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực.

Hai chương trình xây dựng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế do Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ giáo dục Việt Nam – EDTECH-VN, sẽ đáp ứng yêu cầu đó:

1. Chuẩn hóa giáo dục phổ thông (lấy giáo dục trung học làm trọng tâm) bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục trung học trực tuyến miễn phí giúp việc học tập được triển khai rộng khắp và nhanh chóng đến tất cả các vùng miền, không chỉ tại Việt Nam mà có thể mở rộng trên toàn cầu theo quy chuẩn Liên Hợp Quốc. Hệ thống này vừa bổ trợ cho hệ thống các trường hiện có, vừa có khả năng đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao của những người không được tham gia hệ thống giáo dục hiện có (mà theo tính toán của Liên Hợp Quốc số người này đạt tới 200 triệu vào năm 2030).

2. Chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng hệ thống đánh giá chuẩn theo nghề nghiệp giúp Việt Nam có thể tự xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng những tiêu chuẩn nhân lực của các nước phát triển, giúp đội ngũ nhân lực Việt Nam có đủ năng lực tham gia quá trình hội nhập toàn cầu. Hệ thống này phải được xây dựng dựa trên các lý thuyết đo lường trong giáo dục hiện đại mà hiệp hội đánh giá quốc tế công nhận. Nhờ đó nhân lực Việt Nam được khẳng định và công nhận về giá trị trên thị trường lao động quốc tế.

Nếu nắm bắt cơ hội, khai phá kho chất xám để xây dựng nền kinh tế độc lập, bền vững thì Việt Nam có thể giảm khai thác tài nguyên thô và dần phục hồi môi trường cũng như tính lành mạnh của xã hội. Trong điều kiện chỉ triển khai được từng phần thì chương trình cũng đem lại hiệu quả tích cực cho hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và những cá nhân được tham gia học tập, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho chính họ cũng như tổ chức sử dụng lao động khi ra trường.

Do hai Chương trình trên đây đều triển khai trên nền tảng trực tuyến nên EDTECH-VN mong muốn hợp tác với một nhà mạng có tổ chức chặt chẽ, uy tín, có hệ thống mạnh trong việc phủ sóng rộng ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới như Viettel, sẽ có nhiều cơ hội mang lại lợi ích to lớn trong giáo dục và trong kinh doanh với tỉ suất lợi nhuận cao. Bài toán góp phần nâng cao dân trí, huy động nguồn tài lực tạo ra của cải, đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người lao động sẽ không xa.

LÂM NGỌC MINH – Giám đốc Cty CP Khoa học & Công nghệ giáo dục VN

09:19:55 13-08-2019

VHDN: Sau gần 20 năm nghiên cứu và phát triển, Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ giáo dục Việt Nam – EDTECH-VN đã xây dựng và ứng dụng những hệ thống công cụ chất lượng cao, đề xuất hai đề án phục vụ phát triển nhân lực chất lượng cao mang tính […]

Đối tác của chúng tôi