Đảng bộ, chính quyền huyện Như Xuân đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để tạo nguồn lực cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là một trong những việc làm đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Thực hiện Chương trình 135, tiểu dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2016-2019, tại huyện Như Xuân đã đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng 48.568 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 44.892 triệu đồng, vốn đối ứng dân đóng góp 3.793 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, toàn huyện đã khởi công xây dựng mới 83 công trình (CT) gồm 42 CT giao thông, 33 CT văn hóa, 4 CT giáo dục, 1 CT điện, 3 CT thủy lợi, với tổng mức đầu tư 41.008 triệu đồng, chuyển tiếp 8 CT với tổng mức đầu tư 1.600 triệu đồng. Chương trình đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Điều đặc biệt, hầu hết các CT trên được thực hiện theo cơ chế đặc thù quản lý xây dựng dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ, do UBND xã làm chủ đầu tư. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban quản lý dự án và Ban giám sát cộng đồng.
Bên cạnh đó , cấp xã đã chủ động tuyên truyền trong nhân dân, triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình thực hiện. Từ việc tham gia lựa chọn danh mục công trình để đầu tư cho phù hợp, giám sát, kiểm tra quá trình thi công, nghiệm thu CT đến đóng góp ngày công lao động, hiến đất đai, hoa mầu v.v…Với phương châm “ xã có công trình, dân có việc làm”. Nhân dân trong vùng cùng hưởng lợi khi trực tiếp tham gia thi công, và cung cấp vật liệu cho công CT. Nhờ phát huy tốt vai trò dân chủ, cùng sự đồng thuận của nhân dân nên hầu hết các CT đều đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả thiết thực.
Đáng chú ý, có những tuyến đường liên thôn với tổng mức đầu tư khiêm tốn chỉ 200 triệu đồng. Nhưng với sự tính toán, cách làm nhằm tiết kiệm tối đa, nhất là sự đóng góp nhiệt tình của nhân dân, nên chiều dài tuyến đường phần lớn đều đã được tăng lên gấp rưỡi, có khi gấp đôi so với thiết kế ban đầu nhưng vẫn đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật và chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN của Bộ Giao thông- Vận tải. Cũng như vậy, các CT nhà văn hóa thôn do hầu hết đều được xây dựng bằng hoặc vượt diện tích (tùy theo nhu cầu), có tường bao, cây bóng mát và khuôn viên rộng rãi, đảm bảo nhu cầu hội họp, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ của bà con trong thôn, bản.
Sau 3 năm thực hiện, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các công trình hạ tầng được xây dựng từ chính sách hỗ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 tại Như Xuân đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Theo báo cáo của UBND huyện, số hộ nghèo tham gia dự án sản xuất, chăn nuôi ở các xã được hỗ trợ hạ tầng đã có thu nhập tăng so với trước 0,85 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ thoát nghèo toàn huyện năm 2018 giảm còn 14,92%. Cùng với đó, sản lượng, năng suất và thu nhập trên một ha canh tác cũng được tăng lên đáng kể. Đáng mừng hơn, thay vì sản xuất, canh tác theo thói quen và tập quán cũ, bà con các dân tộc đã quan tâm hơn đến việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có thu nhập cao và thị trường ổn định. Góp phần cũng cố và giữ vững niềm tin của người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Phương Giang
VHDN:Trong những năm qua, nhờ khéo léo vận dụng chương trình 135, đời sống của nhân dân ở huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa đã chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân […]