Sự kiện - chuyên đề:

Những đổi thay trên cao nguyên xanh

VHDN: Trong những năm qua với sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã có những thay đổi đáng kể và đạt được một số thành tựu nhất định.

Thành lập tháng 10 năm 1995, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 km về phía Tây Bắc, trải qua gần 28 năm hình thành và phát triển, Buôn Đôn được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Đắk Lắk, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, năng lượng, công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ nông nghiệp.

Là huyện biên giới có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 47%, ngành kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm nên đời sống của bà con ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Nhưng những năm gần đây, từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình Nông thôn mới, dự án chính sách dân tộc, các mô hình kinh tế mới nên đời sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong những năm qua với sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Buôn Đôn đã có những thay đổi đáng kể và đạt được một số thành tựu nhất định. Nền kinh tế của huyện đã từng bước chuyển dần sang sản xuất hàng hoá, với định hướng đúng đắn về phát triển kinh tế – xã hội và những giải pháp thiết thực có ý nghĩa, đã tranh thủ được mọi nguồn vốn đầu tư, huy động mọi năng lực sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tiến cơ chế quản lý, chú trọng thâm canh, đẩy mạnh công tác khuyến nông và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Mặc dù diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, thiên tai liên tiếp diễn ra, song sản xuất nông – lâm nghiệp vẫn tiếp tục phát triển.

Một góc trung tâm huyện Buôn Đôn hiện nay.

Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã đầu tư hơn 635 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện, trường học, trạm y tế, nhà làm việc và nhiều công trình phúc lợi khác… Hiện toàn huyện có trên 80% đường giao thông liên xã, trên 40% đường liên thôn, trên 53% đường nội thôn, trên 31% đường nội đồng đã được bê tông hóa. Ngoài ra, hệ thống giáo dục được quan tâm đầu tư đồng bộ với 39 trường học, 618 lớp, 16.532 học sinh. Sự quan tâm đầu tư bài bản về kết cấu hạ tầng là động lực mạnh mẽ để huyện phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm gần nhất của huyện đạt 10,4% và có xu hướng tiếp tục phát triển trong tương lai. Hòa cùng xu thế hội nhập và phát triển của cả nước, tốc độ phát triển của đô thị trong những năm gần đây cũng không ngừng tăng lên, tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dần theo hướng hiện đại, giảm tỷ trọng đóng góp của ngành nông – lâm nghiệp; tăng dần tỷ trọng công nghiệp – thương mại – dịch vụ. Trong đó, khu vực trung tâm của huyện được quan tâm đầu tư đặc biệt và đã định hình trở thành đô thị.

Một thay đổi quan trọng cần nhấn mạnh nữa chính là du lịch. Với tiềm năng du lịch dồi dào như hệ sinh thái rừng khộp, Vườn Quốc gia Yok Đôn; thắng cảnh trên dòng sông Sêrêpôk thơ mộng với những rặng si cổ thụ, có cây bồ đề được công nhận là cây di sản 140 năm tuổi; hệ thống sông, suối, hồ, thác đa dạng (sông Sêrêpôk, hồ Đăk Mil, thác Bảy Nhánh, thác Phật, thác Drai Yông..) và các bến nước đẹp, còn tương đối nguyên vẹn (bến nước buôn Niêng, buôn Yang Lành, bến Tha Luống, Bay Rong…) và nghề thuần hoá, nuôi dưỡng voi, Buôn Đôn là huyện phát triển du lịch năng động nhất của tỉnh. Du lịch Buôn Đôn là một thương hiệu lâu đời, nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng cả nước nói chung và đã có tên trong bản đồ du lịch thế giới. Hiện nay, huyện đang chuyển dần từ khai thác cảnh quan tự nhiên và cưỡi voi sang hướng khai thác du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa ở các buôn đồng bào dân tộc như: tham gia lễ cúng bến nước, hội cồng chiêng, hội voi; tham quan các kiến trúc độc đáo như nhà sàn cổ, mộ “Vua voi”, tượng nhà mồ…., xây dựng mô hình du lịch homestay là các nhà sàn đẹp, đáp ứng nhu cầu phục vụ lưu trú tham quan tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Ê-đê, khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào, dịch vụ ẩm thực và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm truyền thống, các loại hình du lịch chăm sóc và bảo tồn voi như: xem voi biểu diễn, tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe cho voi, các trò chơi của voi…

Với những thành tựu bước đầu đã đạt được, cùng những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, Buôn Đôn ngày càng thay da đổi thịt để hướng tới mục tiêu thành lập thị trấn Buôn Đôn năm 2025, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của huyện về mọi mặt.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 9/2023

(Nguyễn Văn Cuông)

15:59:20 08-09-2023

VHDN: Trong những năm qua với sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã có những thay đổi đáng kể và đạt được một số thành tựu nhất định. Thành lập tháng 10 năm 1995, cách […]

Đối tác của chúng tôi