Sự kiện - chuyên đề:

Nông trại hữu cơ Linh Dũng: 5 có, 5 không và 3 an toàn

VHDN: Đón đầu xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào lĩnh vực này. Nông trại hữu cơ Linh Dũng (thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô hình hữu cơ đối với cây có múi tại Việt Nam. Trang trại được biết đến là thành quả tâm huyết của tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến về một mô hình trồng hữu cơ áp dụng vào cây có múi nhằm mục đích tạo dựng được hệ sinh thái chuẩn, an toàn cho cả cây cối, con người và môi trường xung quanh.

 

Chủ Nông trại hữu cơ Linh Dũng giới thiệu quy trình canh tác hữu cơ với đoàn cán bộ Tỉnh uỷ Hà Nam và Hoà Bình

Lên mạng tìm kiếm thông tin “Nông trại hữu cơ Linh Dũng” sẽ cho ra rất nhiều kết quả về những nghiên cứu hữu ích của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Yến trong việc trồng và chăm sóc cây hữu cơ được vận dụng vào thực tiễn, phục vụ phát triển nông nghiệp. Với mô hình này, không được phép sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học, thuốc hóa học nào đối với cây trồng. Ngay như trong sử dụng phân hữu cơ, nếu loại phân đó có thành phần than bùn hay những loại phân chuồng từ các cơ sở chăn nuôi công nghiệp cũng không được phép sử dụng. Cây ăn quả có múi (bưởi, cam, quýt, chanh) là nhóm cây trồng được Nông trại Linh Dũng tập trung sản xuất. Đây cũng là nhóm cây trồng thường xuyên bị nhiều loại sâu hại, bệnh hại tấn công, trong đó có những loại rất nguy hại, có thể gây hủy diệt cả vùng trồng, nhiều loài sâu hại có thể gây hại tới tận ngày thu hoạch như rệp sáp, rệp muội, rệp sáp giả, nhện đỏ, nhện rám vàng… Vì thế, với người trồng, nếu không lựa chọn được loại thuốc phù hợp, không đảm bảo thời gian cách ly, nguy cơ tồn dư hóa chất trong sản phẩm là hiện hữu. Để giải quyết những vấn đề về dinh dưỡng, anh Yến đã chọn các nguồn dinh dưỡng từ động, thực vật để thay thế phân bón hóa học.

Cụ thể, để đảm bảo lượng phân lân cung cấp cho cây, anh sử dụng phân dơi hay phân ủ từ cá tép vùng lòng hồ Hòa Bình; lấy lõi ngô, vỏ đỗ, trấu và nguồn kali tự nhiên nhập từ Ai-xơ-len để đáp ứng nhu cầu kali của cây; sử dụng phân trâu, bò, phân trùn quế, bã bùn mía, bã mía để cung cấp hữu cơ và các chất vi lượng cho đất; dùng khô dầu đậu tương, bột đậu tương, cá tép lòng hồ, dịch trùn quế để cung cấp đạm cho cây; đặc biệt với những cây đang cho quả còn được bón bổ sung nguồn dinh dưỡng từ trứng gà… Tất cả các nguồn phân bón đều được anh phân tích hàm lượng hữu cơ, hàm lượng các yếu tố đa, trung, vi lượng cũng như các yếu tố độc hại. Từ đó, dựa theo nhu cầu của cây để xác định lượng phân bón từng loại. Đến nay, anh đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình bón phân hữu cơ cho từng giống cây có múi, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Để phòng trừ sâu hại cây có múi, Nông trại hữu cơ Linh Dũng đã áp dụng hàng loạt các loại bẫy bả, bẫy dẫn dụ. Đặc biệt TS. Yến đã nghiên cứu thành công loại thuốc trừ sâu thảo mộc được chiết suất từ tỏi, ớt, gừng ngâm rượu và xác định được nồng độ xử lý với từng nhóm sâu hại cây có múi; sử dụng loại thuốc thảo mộc này có thể làm giảm tới 90% chi phí nếu so với sử dụng thuốc hóa học và được động đảo người trồng cây có múi áp dụng. Hoặc nghiên cứu của Tiến sĩ Hồng Yến đã tìm ra nguyên nhân cách diệt trừ châu chấu mía gây hại cho cây mía. Thậm chí, quy trình phòng trừ châu chấu mía còn có thể áp dụng để diệt trừ những loại côn trùng khác có cùng đặc tính; nghiên cứu này của TS. Yến đã được chọn đăng trong sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016 …

Tất cả những hoạt động trên đều xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê bất tận đối với sự nghiệp mà anh gắn bó. Trải qua năm tháng vất vả tận tụy với nghề, giờ đây thành quả mà anh thu được cũng đáng ngưỡng mộ. Sản lượng chanh đạt khoảng trên 4 tấn, được tiêu thụ tại các thị trường lớn với mức giá 30.000 đồng/kg tại vườn. Dự kiến bình quân sản lượng cam, bưởi, quýt, chanh hữu cơ đạt 35 tấn/năm. Toàn bộ sản lượng thu hoạch đã được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ngoài sản phẩm quả tươi, Nông trại Linh Dũng đã nghiên cứu, đầu tư vào sản phẩm chế biến, bước đầu đã đưa những sản phẩm như chanh hữu cơ ngâm mật ong tự nhiên; mứt sấy từ vỏ cam, quýt, bưởi ra thị trường.

Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình canh tác hữu cơ, Nông trại hữu cơ Linh Dũng đã phát triển khá hoàn thiện hình thức canh tác đa tầng (tầng trên cùng là hoa an toàn để cung cấp mật, phấn cho đàn ong; tầng tán cây lấy quả; tầng cây dược liệu lấy lá trồng xen dưới tán cây ăn quả và tầng cây dược liệu lấy củ trồng xen giữa các hàng cây). Điều này vừa giúp tăng hiệu suất sử dụng đất, vừa tăng tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái. Ngoài ra, tại nông trại hữu cơ Linh Dũng được trồng rất nhiều hoa, được bố trí những điểm dừng chân Check-in đẹp để phục vụ du lịch. Đây cũng là địa điểm học đường của nhiều trường đại học, trường phổ thông trong việc bố trí địa điểm thực tập, thực hành và trải nghiệm canh tác hữu cơ.

Với phương pháp canh tác hữu cơ, sản phẩm cây có múi của Nông trại Linh Dũng hội tủ đầy đủ các yếu tố bao gồm: 5 có, 5 không và 3 an toàn. Cụ thể 5 có (có chứng nhận hữu cơ, có chứng nhận ATTP, có nhật ký đồng ruộng, có truy xuất nguồn gốc và có bao bì, nhãn mác). 5 không (không hóa chất kích thích, không phân bón hóa học, không hóa chất bảo quản, không thuốc hóa học và không sản phẩm biến đổi gen). 3 an toàn (an toàn cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho môi trường sinh thái). Từ thành quả canh tác, nông trại đã trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên về cây có múi ở Việt Nam được NHO Qscert – tổ chức hàng đầu của Việt Nam về đánh giá, chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041:2015 và hiện nay đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Liên minh châu Âu (EU Organic), dự kiến thàng 9/2019 sẽ được cấp chứng nhận để phục vụ niên vụ mới của nông trại.

Để được sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ thì người tiêu dùng hiện nay sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để đổi lại sự an tâm về sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đó cũng sẽ là xu hướng và là thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Thùy Dương

10:30:46 11-06-2019

VHDN: Đón đầu xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào lĩnh vực này. Nông trại hữu cơ Linh Dũng (thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô […]

Đối tác của chúng tôi