Sự kiện - chuyên đề:

Ông Hạnh Đàn Hương và câu chuyện xóa đói giảm nghèo

VHDN: Ông Nguyễn Văn Hạnh là người đầu tiên và cũng là duy nhất tính cho đến thời điểm hiện tại đưa giống cây đàn hương vào Quảng Ninh, vì thế người dân nơi đây thường gọi ông là ông Hạnh đàn hương.

Ông Ngô Tiến Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ngại (người đội mũ) thăm vườn ươm giống cây đàn hương trắng của ông Nguyễn Văn Hạnh.

Nhiều thập kỷ qua đa phần nông dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng coi cây keo là một trong những loại cây xóa đói giảm nghèo. Bởi, cây keo dễ trồng, sống khỏe, phát triển tốt, không phải chăm bón, chu kỳ từ khi trồng đến khi thu hoạch trung bình từ 5 đến 7 năm và mỗi hec-ta cho doanh thu từ 60 đến 80 triệu đồng. Nhưng, hạn chế lớn nhất khi trồng keo là sau khi thu hoạch lại phải trồng lại từ đầu và thường là chu kỳ sản xuất sau thời gian kéo dài hơn do năm tháng đất bị bạc màu.

Năm 2020, ông Nguyễn Văn Hạnh, hội viên Hội CCB ở thôn Pắc Mươi, xã Vô Ngại đã nhập hạt giống cây đàn hương trắng Ấn Độ về ươm trồng tại Bình Liêu. Theo ông Ngô Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ngại, cũng như một số chủ rừng trên địa bàn huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, cây đàn hương trắng tới đây sẽ thay thế diện tích rừng sản xuất đang trồng keo tại địa phương. Được biết ông Nguyễn Văn Hạnh là người đầu tiên và cũng là duy nhất tính cho đến thời điểm hiện tại đưa giống cây đàn hương vào Quảng Ninh, vì thế người dân nơi đây thường gọi ông là ông Hạnh đàn hương.

Theo các chuyên gia kinh tế lâm nghiệp, cây đàn hương là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cây lâm nghiệp hiện nay. Cây đàn hương trắng Ấn Độ có tên khoa học: SantalumalbumL, là một loài cây đa công dụng vì tất cả các sản phẩm được thu, hái từ cây đàn hương trắng như; rễ, thân, lá, hoa, hạt…đều có những giá trị sử dụng riêng. Lõi gỗ được làm mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thờ cúng. Rễ cây và các cành nhỏ có thể làm mỹ phẩm, nhang hương. Lá cây được dùng để làm thuốc, làm trà, sản xuất rượu và nước… có thể kể đến những tác dụng nổi bật của loài cây này như: Hoạt chất Vitexin và Isovitenxin có tác dụng ức chế tế bào ung thư, phòng trừ các bệnh về tim mạnh, diệt khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa, chất beta-santalon có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, khử trùng và cũng có tác dụng an thần. Catechin trong lá cây đàn hương có tác dụng ngừa máu đông; chữa tiểu đường và bảo vệ gan. Lõi gỗ đàn hương trắng có tính ấm; vị cay; mùi thơm…có tác dụng chữa các bệnh xương khớp; nôn ra máu và ho lâu ngày có đờm.

Hiện nay các sản phẩm thu từ cây đàn hương trắng trên thị trường Việt Nam giá bán 3 triệu đồng/1kg gỗ, 300.000 đồng đến 400.000đồng/1kg búp tươi, lá già từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/1kg.

Cây đàn hương hai năm tuổi được trồng xen tại khu trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh, dự kiến đến 2024 bắt đầu cho thu hoạch lá, hoa hoặc quả.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hạnh cho biết: số cây giống đợt đầu tiên năm 2020 đưa ra trồng đại trà hơn hai năm, đến nay cây phát triển tốt, ông cho biết nếu phát triển như hiện nay thì đến năm thứ tư sẽ được thu hoạch hoa, quả, lá. Cũng theo ông Hạnh, cây đàn hương có thể tồn tại phát triển và cho thu hoạch đến hai mươi năm, hoặc dài hơn tùy thuộc vào chủ trang trại. Hiện trên địa bàn Quảng Ninh từ nguồn giống cung cấp đã trồng thí điểm và thành công 11ha, trong đó huyện Bình Liêu là 10 ha, huyện Ba Chẽ là 01 ha, chưa kể hơn hai héc-ta tại trang trại gia đình ông.

Ông cho biết thêm, giữa năm 2021, ông bỏ ra ba tỷ đồng để mua hạt giống và đã ươm, ương được cả chục vạn cây. Do giá cây giống dao động từ 65.000 đồng đến 70.000 đồng/cây, nên việc đầu tư trồng 01 ha phải từ 100 triệu đồng tiền cây giống trở lên. Vì thế để nhân rộng trên địa bàn Quảng Ninh cũng như các tỉnh bạn, ông Nguyễn Văn Hạnh đã thành lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển cây đàn hương để có cơ sở pháp lý triển khai chương trình liên doanh, liên kết với các chủ rừng. Theo kế hoạch và hợp đồng liên doanh đã ký giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển cây đàn hương với các chủ rừng thì khoảng thời gian cuối Thu, đầu Đông năm 2022, khi thời tiết thuận lợi, 200 ha cây đàn hương sẽ được trồng tại Quảng Ninh, và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang …

Dù cây đàn hương không thuộc diện cây gỗ lớn trong việc triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn với các loại cây lim, giổi và lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhưng việc đầu tư vốn, giống, giúp các chủ rừng phát triển một loài cây gỗ quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao, nhanh được thu hoạch, thời gian thu hoạch dài, giúp người trồng rừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, với quan điểm chia sẻ lợi ích, hai nhà cùng có lợi là mục tiêu của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh trước mắt cũng như lâu dài là một việc làm đáng trân trọng.

Vũ Mạnh Khôi

10:08:59 10-10-2022

VHDN: Ông Nguyễn Văn Hạnh là người đầu tiên và cũng là duy nhất tính cho đến thời điểm hiện tại đưa giống cây đàn hương vào Quảng Ninh, vì thế người dân nơi đây thường gọi ông là ông Hạnh đàn hương. Nhiều thập kỷ qua đa phần nông dân ở các tỉnh miền […]

Đối tác của chúng tôi