Đặt tiêu chí hướng đến tương lai hợp tác Hàn Quốc – Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) được ra đời vào tháng 5 năm 1992, trước khi ngoại giao chính thức giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc được thiết lập vào ngày 22 tháng 12 năm 1992. Những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên đã đầu tư vào Việt Nam và thành lập ra KOCHAM với mục đích hợp tác, xúc tiến thương mại giữa Hàn – Việt. Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 30 năm, KOCHAM đã thu hút tới gần 10 nghìn doanh nghiệp thành viên đã và đang đầu tư tại Việt Nam.
Ông Hong Sun, Chủ tịch thứ 15 của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) đã bày tỏ quyết tâm và nỗ lực xây dựng KOCHAM trở thành một tổ chức lớn mạnh, đoàn kết, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Nói về văn hóa doanh nghiệp, ông Hong Sun cho biết: “Văn hóa doanh nghiệp liên quan chặt chẽ tới văn hóa, tinh thần dân tộc. Hàn Quốc từng là một đất nước bán đảo chịu nhiều sự xâm lược từ nước ngoài. Hơn 1000 năm trước, Hàn Quốc cũng đã có những bước tiến đầu tiên ra nước ngoài, chính vì thế văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc có nét đặc trưng riêng đó là sự cởi mở, chấp nhận thử thách, sự táo bạo không sợ rủi ro, tinh thần kinh doanh mạnh mẽ.”
Ông Hong Sun đã lấy dẫn chứng từ sự thành công của Tập đoàn Huyndai. Được biết đến là công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, nhưng không phải ai cũng biết rằng, Huyndai nhận đơn hàng đầu tiên khi chưa có một nhà máy đóng tàu nào của mình. Tại thời điểm đó, Chủ tịch Huyndai đã thuyết phục những chủ đầu tư, khách hàng rằng: “Hơn 500 năm trước Hàn Quốc – Triều Tiên đã tạo ra một khung tàu bằng thép lần đầu tiên trên thế giới. Chính vì thế thì chúng tôi tự tin làm được nhà máy đóng tàu.” Ông đã vay tiền ngân hàng của Anh với đơn đặt hàng từ châu Âu, đó là một sự khởi đầu của tổng công ty công nghiệp nặng đặt nền móng trở thành nhà máy đóng tàu lớn nhất trên thế giới. Một thời gian sau đó, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước đóng tàu lớn nhất toàn cầu. Hiện nay, Huyndai, Samsung, Daiwon được xếp hạng trở thành ba công ty đóng tàu lớn thứ nhất, thứ hai, thứ ba.
Điều quan trọng mà Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) muốn nhấn mạnh đó là đường lối lãnh đạo của Chính phủ Hàn quốc cũng như của giới doanh nhân, doanh nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Họ được cung cấp những gói tín dụng và tài trợ tốt nhất để có cơ hội vươn mình ra thế giới. Đây là cách mà chính phủ cũng tạo thành khung pháp lý giúp các doanh nghiệp có thể đi vào sản xuất, vì sự rủi ro và khó khăn của sản xuất, nhưng đây cũng là con đường phát triển bền vững.
“Văn hóa doanh nghiệp có liên hệ chặt chẽ với lịch sử của đất nước và dân tộc mình. Lịch sử hình thành cho mỗi dân tộc một tính cách riêng và Việt Nam nổi bật là sự bất khuất, đó là điểm tương đồng với dân tộc Hàn Quốc”, ông Hong Sun nhận định. “Từ đống tro tàn của chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc bắt đầu quá trình tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục để trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ trong vòng vài chục năm. Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc không phải những doanh nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Họ chỉ là doanh nghiệp mới phát triển trong hai, ba thế hệ gần đây, thậm chí chỉ vài chục năm đổ lại như Tập đoàn Samsung, Huyndai”, ông Hong Sun cho biết.
Vậy yếu tố để Hàn Quốc trở thành “Con rồng Châu Á” là gì? Ông Hong Sun đã trả lời, đó là nhờ ý chí mạnh mẽ, bất khuất trước những khó khăn. Từ một dân tộc “xin việc”, tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động tại đây, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc”, mà người xếp hàng “xin việc” lúc bấy giờ lại là người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi “cho việc” người khác.
Ông Hong Sun bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm qua ở tất cả các lĩnh vực. Sự tin cậy sâu sắc giữa hai bên sẽ tạo nên những bước tiến phát triển vượt bậc và đem lại lợi ích lâu dài.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 11/2023
(Hạnh Dương)
VHDN: “Văn hóa doanh nghiệp có liên hệ chặt chẽ với lịch sử của đất nước và dân tộc mình. Lịch sử hình thành cho mỗi dân tộc một tính cách riêng và Việt Nam nổi bật là sự bất khuất, đó là điểm tương đồng với dân tộc Hàn Quốc”, ông Hong Sun nhận […]