Sự kiện - chuyên đề:

PGS – TS – BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: “Văn hóa doanh nghiệp giúp chúng tôi định vị thương hiệu”

VHDN: Xây dựng văn hóa để có một điểm chung nhất quán, tạo nên giá trị cốt lõi làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động, từ đó quản lý chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện để cán bộ nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, giúp bệnh viện định vị thương hiệu để vững vàng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là những vấn đề được trao đổi trong cuộc trò chuyện giữa phóng viên với Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP. HCM).

 

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương.

Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã và đang đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững. Bác sĩ vui lòng giới thiệu vài nét về việc xây dựng văn hóa ở Bệnh viện Hùng Vương?

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện tuyến Trung ương, hạng I chuyên sâu về sản phụ khoa chất lượng hàng đầu tại TP.HCM. Chúng tôi có đội ngũ 1.400 cán bộ nhân viên là các bác sĩ, nữ hộ sinh, nhân viên y tế đang làm việc tại 32 khoa, phòng (trong đó có 15 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng, 10 phòng chức năng) với quy mô gần 1.000 giường. Hàng năm bệnh viện chúng tôi đón từ 35.000 – 40.000 trẻ sơ sinh chào đời và thực hiện khoảng 20.000 – 25.000 ca phẫu thuật. Từ lâu chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng các tiêu chí về văn hóa bệnh viện để đồng hành cùng người bệnh. Đồng thời không ngừng cải tiến chất lượng kĩ thuật chuyên môn, cập nhật và nghiên cứu khoa học quốc tế nhằm cung cấp dịch vụ và đảm bảo điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng là một trong số ít mô hình bệnh viện – trường học, chúng tôi tự hào góp phần đào tạo nguồn nhân lực y tế cho TP.HCM cũng như cho đất nước.

Là người người đứng đầu Bệnh viện, vai trò của Bác sĩ có ảnh hưởng như thế nào trong xây dựng văn hóa Bệnh viện?

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Có người nói, hồi đó giờ Bệnh viện không có văn hóa hay sao mà bây giờ phải xây dựng? Không phải như vậy, xuất phát từ thực tế khi chúng tôi xây dựng một điểm chung trong tất cả các hoạt động của Bệnh viện thì chúng tôi nâng cấp văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử tại Bệnh viện. Chúng tôi đã kiến tạo nên một nét văn hóa riêng theo các tiêu chí cụ thể để phổ biến trong Bệnh viện và tất cả mọi người đều đồng lòng làm theo điểm chung đó. Đây là ưu điểm lớn nhất khi chúng tôi xây dựng văn hóa cho Bệnh viện Hùng Vương.

Với vai trò Giám đốc Bệnh viện, khi nhận được chủ trương của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo ngành Y tế, tôi đã cùng Ban Giám đốc và các phòng liên quan tổ chức xây dựng chương trình hành động, xây dựng văn hóa Bệnh viện dựa vào 4 giá trị cốt lõi là “Trách nhiệm – Đồng hành – An toàn – Hiệu quả”. Từ giá trị đó đã tạo ra văn hóa giao tiếp giữa đồng nghiệp với nhau, với cấp trên hay đối với cấp dưới của mình cũng như trong giao tiếp với người bệnh và cả với người nhà bệnh nhân. Tất cả thể hiện sự văn minh, lịch sự, nghiêm túc, đúng mực trong một môi trường công bằng, thoải mái. Theo đó hiệu quả điều trị bệnh được nâng lên, an toàn và đạt được sự hài lòng cao nhất khi bệnh nhân đến Bệnh viện.

Được biết Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện công đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức Australian Council on Health care standards (ACHS) đánh giá chất lượng bệnh viện. Vậy văn hóa bệnh viện có nằm trong tiêu chí để đánh giá chất lượng bệnh viện?

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Không chỉ tại Australia mà nhiều nước trên thế giới đã thông qua ACHS International với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức từ hệ thống y tế Australia với hệ thống y tế các quốc gia trên thế giới, nhằm cải thiện liên tục chất lượng bệnh viện và chất lượng dịch vụ cung cấp cho bệnh nhân. Bệnh viện Hùng Vương đáp ứng Bộ tiêu chuẩn EquIP7 gồm 3 chức năng, 6 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí, 730 tiểu mục và 2.705 câu hỏi trả lời cho các tiểu mục; ngày 10/5/2024 Bệnh viện Hùng Vương được công nhận đạt mức độ MA (Marked Achievement – đạt toàn bộ), chính thức trở thành cơ sở y tế công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt Tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe theo EQuIP7 – phiên bản mới nhất từ ACHS International của Australia.

Đại diện Tổ chức ACHS Intenational thẩm định chất lượng Bệnh viện Hùng Vương.

Văn hóa bệnh viện như đã nói ở trên là một trong những tiêu chí quan trọng thuộc bộ tiêu chuẩn này, trong đó kỹ năng giao tiếp, trách nhiệm cộng đồng, ý thức công cộng, tôn trọng và đề cao giá trị con người… đã được xem xét cẩn thận. Văn hóa bệnh viện mang tính chất đặc thù của ngành Y tế, tại Bệnh viện Hùng Vương giao tiếp ứng xử là khâu đầu tiên trong quá trình điều trị, là cầu nối giữa nhân viên y tế với người bệnh và người thân của họ. Giao tiếp ứng xử tốt sẽ làm cho người bệnh cảm thấy an tâm điều trị và tạo mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa nhân viên y tế và người bệnh. Không chỉ riêng chúng tôi mà toàn xã hội cũng đang hướng tới mục đích xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng với những hành vi giao tiếp có văn hóa.

Bên cạnh những kết quả tích cực về xây dựng và vận hành các tiêu chí về văn hóa của Bệnh viện, Bác sĩ có điều gì trăn trở cần được chia sẻ?

PGS – TS – BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Có chứ, vạn vật trong cuộc sống chúng ta đều chỉ là tương đối, nhất là chúng tôi làm công việc liên quan đến sức khỏe của con người thì còn nhiều trăn trở. Chúng tôi có đội ngũ hơn 1.400 nhân viên thì việc làm hài lòng tất cả mọi người đã là chuyện khó chứ nói gì đến quan hệ ứng xử với cộng đồng xã hội. Như nhà báo cũng biết, hàng ngày chúng ta thấy đâu đó vẫn còn những thông tin người nhà bệnh nhân có những hành xử không đúng về văn hóa giao tiếp đối với nhân viên y tế từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đâu đó còn có trường hợp người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện bằng thái độ trịch thượng, uy hiếp tinh thần nhân viên y tế; thậm chí còn có người đến bệnh viện với chủ đích “ăn vạ”, đe dọa sự an toàn của nhân viên y tế, cũng như lợi dụng các nền tảng mạng xã hội làm tổn hại đến uy tín thương hiệu của bệnh viện…

Niềm vui và hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi là nụ cười và những lời cảm ơn từ bệnh nhân khi xuất viện về nhà. Không riêng gì ngành Y tế mà đối với mọi người ở mọi lĩnh vực, nếu chúng ta biết vận dụng văn hóa thì tất cả những điều tốt đẹp ấy sẽ là nền tảng cho những giá trị quan trọng để tạo nên một cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc để thành công.

Cảm ơn Bác sỹ về cuộc trao đổi!

 

YPhong

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2024)

11:22:21 11-07-2024

VHDN: Xây dựng văn hóa để có một điểm chung nhất quán, tạo nên giá trị cốt lõi làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động, từ đó quản lý chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện để cán bộ nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, giúp bệnh viện định vị thương hiệu […]

Đối tác của chúng tôi