Mùa hè năm ngoái, bà Quỳnh (60 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị tai biến mạch máu não. Giữa ranh giới sinh tử ấy, với sự tận tâm của các y bác sĩ, sự đồng hành từ quỹ BHYT, bà Quỳnh tự tin vượt qua cơn bạo bệnh. Chỉ hơn 3 tháng, chi phí điều trị đã ngót 200 triệu đồng, trong đó phần lớn quỹ BHYT chi trả. Bà Quỳnh bộc bạch: “Đợt ốm vừa rồi, nếu không có BHYT, gia đình tôi thật khó xoay sở. Vậy nên, cứ chủ động tham gia BHYT thôi, không chỉ tốt cho mình mà còn để giảm gánh nặng cho người thân nếu chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Nếu may mắn, được khỏe mạnh thì tham gia BHYT cũng là cách mình giúp đỡ, chia sẻ rủi ro với cộng đồng”. Sau lần ốm, bà Quỳnh đã động viên và giúp đỡ các anh chị em làm nông nghiệp ở quê đều mua BHYT.
Một bác sỹ khoa Khám bệnh (Bệnh viện E – Hà Nội) lý giải: “Bây giờ tỷ lệ bao phủ BHYT đã hơn 90% dân số rồi, điều đó có nghĩa là hơn 90% người dân đến khám chữa bệnh là diện BHYT, được hưởng chế độ BHYT theo quy định”. Sự gia tăng độ bao phủ BHYT có thể dễ nhận thấy qua những con số ở từng quận huyện, xã phường. Đống Đa là quận “lõi” của Hà Nội, gồm 21 phường, dân số xấp xỉ 37 vạn người. Nhưng giờ đây, gần như mọi người dân đều hiểu tấm thẻ BHYT là thứ cần thiết, đương nhiên phải có trong cuộc sống. Bởi đó là “tấm khiên” che chắn, bảo vệ cho cuộc sống của họ trước mọi rủi ro về sức khoẻ, nhất là khi giá dịch vụ y tế tăng cao. Thực tế cho thấy, năm 2009, quận Đống Đa có 60% dân số tham gia BHYT, thì cuối năm 2023 đã tăng lên 94,3% dân số.
Tương tự, quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm của Thủ đô, có thế mạnh về dịch vụ, thương mại, du lịch, mật độ dân số ở mức cao. Tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2009 đạt 58% thì cuối năm 2023 đã là 94,4% dân số; đặc biệt tăng nhanh ở nhóm HSSV và nhóm hộ gia đình. Tự những con số trên đã minh chứng: Tấm thẻ BHYT ngày càng được người dân quan tâm, chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống.
Thật dễ nhận thấy, khi số người tham gia BHYT gia tăng, cơ cấu bệnh tật ngày càng phức tạp, trang thiết bị y tế hiện đại và nhiều loại thuốc thế hệ mới…, thì chi phí KCB BHYT ngày càng tăng cao.
Lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội cho biết: Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2024, tại Hà Nội đã phát sinh 3.093.214 lượt KCB, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2023 với chi phí KCB BHYT là 5.510,7 tỷ đồng, bằng 112,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhằm quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT hiệu quả, ngay từ đầu năm 2024, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 459/UBND-KGVX yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm soát chi KCB BHYT. Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu BHXH Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về BHYT thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; triển khai thực hiện các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả dự toán chi phí KCB BHYT được BHXH Việt Nam giao năm 2024.
Thực hiện Công văn trên, 4 tháng qua, BHXH Hà Nội đã thường xuyên rà soát, phân tích dữ liệu chi phí KCB BHYT các cơ sở KCB; so sánh với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng tuyến, cùng hạng, cùng chuyên khoa, thực hiện kiểm tra thực tế tại một số cơ sở KCB; phối hợp với các cơ sở y tế, các cơ sở KCB tìm nguyên nhân gia tăng chi phí, đề xuất biện pháp nâng cao trách nhiệm quản lý sử dụng quỹ BHYT. Đối với những cơ sở y tế không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc việc điều chỉnh các chi phí bất hợp lý mà đã được cơ quan BHXH thông báo, thì BHXH Hà Nội tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Thảo Linh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2024)
VHDN: Chỉ những người đã trải qua bạo bệnh, rủi ro về sức khỏe mới thấu hiểu tận cùng giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Bởi chính sách BHYT hoạt động không vì lợi nhuận mà vì mục đích an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân. Bảo […]