Sự kiện - chuyên đề:

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa

VHDN: Truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” đã là đạo lý nhân văn có từ ngàn đời của người dân Việt Nam. Nhân dân ta đã, đang và sẽ mãi phát huy truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc. Ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7) hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Thắp nến tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn – Quảng Trị.

Trên thế giới, hiếm có đất nước nào mà lịch sử là những tháng năm trường kỳ đấu tranh đánh đuổi các thế lực ngoại xâm như dân tộc Việt Nam. Trong chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt có quyền tự hào về một đất nước nhỏ bé nhưng đã đánh thắng các nước lớn, các thế lực ngoại xâm hung bạo, từ giặc Nguyên – Mông tới đế quốc Pháp, Mỹ… Mỗi chiến công đều góp phần tô thắm thêm lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm vẻ vang, anh dũng của dân tộc. Nhưng để có được hòa bình, hạnh phúc và phát triển đất nước, biết bao lớp người “không ai nhớ mặt đặt tên” đã âm thầm cống hiến, hy sinh xương máu cho Tổ quốc mình. Vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, hàng triệu người con ưu tú, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc mang trên mình thương tật suốt đời.

Những hy sinh, mất mát ấy không chỉ trong thời chiến, mà ngay cả trong thời bình vẫn có rất nhiều các chiến sỹ bộ đội, công an ngày đêm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ an ninh, chủ quyền, độc lập cho đất nước; giúp Nhân dân trong thiên tai, địch họa, dịch bệnh, gần đây nhất chính là trong các trận lũ lụt ở miền Trung, trong đợt chống dịch Covid-19 khốc liệt. Đó là sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sỹ khi tham gia cứu hộ, cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày 12/10/2020. Đó là 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh trong sự cố sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra rạng sáng 18/10/2020 trên địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Họ hy sinh khi đang được điều động thực hiện nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, có người mới độ tuổi 20, có người vừa mới tham gia nghĩa vụ quân sự. Đó là các chiến sỹ công an, bộ đội đã hy sinh khi chống dịch Covid-19 ở các điểm nóng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà  Nội, các tỉnh Hải Dương, Bình Dương, …. Hay thiếu tá Lò Văn Thép, Đội trưởng kiểm soát hành chính Đồn biên phòng Mù Cả (Lai Châu) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 tại chốt kiểm soát khu vực cột mốc 17 (đầu nguồn sông Đà thuộc địa bàn xã Mù Cả, huyện Mường Tè, Lai Châu) không may bị dòng nước sông Đà cuốn trôi.

Sự hy sinh của họ đã làm nên lịch sử, được lịch sử ghi nhận, được Nhân dân tạc ghi, vì thế, những người được sống trong hòa bình hôm nay không bao giờ được quên công lao xả thân vì nước của những bậc anh hùng dân tộc, những người lính kiên cường quyết không để giặc cướp mỗi tấc đất quê hương, những chiến sỹ thầm lặng hy sinh vì dân vì nước trong thời bình.

Truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” đã là đạo lý nhân văn có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta đã, đang và sẽ mãi phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/ 2022), mỗi người con của dân tộc Việt Nam tiếp tục giữ vững truyền thống ấy và xin gửi lòng biết ơn sâu sắc đối với những bậc anh hùng dân tộc đã cống hiến, chiến đấu để cho chúng ta có nền độc lập như ngày nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh và gia đình liệt sỹ, mà còn luôn nhắc nhở toàn đảng, Toàn dân ta ghi nhớ công lao to lớn của các thương binh, liệt sỹ. Người khẳng định “Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ…”, “chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi…, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Và căn dặn “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội với công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ  và ưu đãi người có công, trong những năm qua, nhất là trong 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã không ngừng hoàn thiện và được thực hiện để đảm bảo người có công không bị bỏ sót, đồng thời có một cuộc sống ngày một tốt hơn.

Nhìn trên phạm vi toàn quốc, rất dễ nhận ra phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng trở nên sâu rộng và thiết thực, trở thành nét văn hoá đặc sắc, có ý nghĩa chính trị – xã hội to lớn. Các chủ trương, chính sách nhân đạo, phù hợp của Đảng và Nhà nước như xã hội hoá công tác chăm sóc người có công đã phát huy hiệu quả. Những chương trình: xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, lập sổ tiết kiệm, lập quỹ tấm lòng vàng, giúp đỡ thương- bệnh binh ổn định đời sống, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố mẹ, con liệt sĩ cô đơn, đi tìm đồng đội… đang và sẽ phát triển sâu rộng, để bù đắp phần nào sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ, các thương binh-bệnh binh và người có công với nước.

Nguyễn Văn Cuông

 

 

14:59:15 10-07-2022

VHDN: Truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” đã là đạo lý nhân văn có từ ngàn đời của người dân Việt Nam. Nhân dân ta đã, đang và sẽ mãi phát huy truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc. Ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7) hàng năm […]

Đối tác của chúng tôi