“Đầu tàu kinh tế” phải trở thành động lực, kéo các địa phương quanh vùng, kéo cả nền kinh tế đi lên

“Đầu tàu kinh tế” được hiểu là luôn đi trước, đứng đầu và vượt lên, chứ không phải là chỉ phát triển ở mức “bình bình” như các địa phương khác. Cũng có nghĩa, cùng với tăng tốc, phát triển, “đầu tàu kinh tế” phải trở thành động lực, kéo các địa phương quanh vùng, kéo cả nền kinh tế đi lên, chứ không chỉ tự mình phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, việc tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của cả Hà Nội và TP HCM đều cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước cho thấy hai “đầu tàu kinh tế” này phát triển khá tích cực, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ trong việc kéo cả nền kinh tế đi lên.

Một số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước chỉ đạt 6,76%, thì tăng trưởng GRDP của Hà Nội là 7,21%, còn của TP HCM là 7,61%.

Hoặc, năm 2018, Hà Nội đóng góp 16,96% GDP, 19% thu ngân sách và 5,68% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, TP HCM đóng góp 24,16% GDP, 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 27,8% tổng thu ngân sách quốc gia.

Những con số này đã thêm một lần nữa chứng tỏ những đóng góp to lớn và quan trọng của Hà Nội và TP HCM cho kinh tế – xã hội quốc gia.

Song song, tinh thần đột phá của hai thành phố minh chứng bằng những hành động quyết liệt, thi đua sớm hoàn thành những mục tiêu mang tính chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội.

Nếu như, qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, khu công nghệ cao của TP HCM hiện có 148 dự án còn hiệu lực, trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư bốn lĩnh vực: Vi điện tử – Công nghệ thông tin – Viễn thông (33,78%); Cơ khí chính xác – Tự động hóa (18,91%); Công nghệ sinh học (12,16%); Vật liệu mới – Năng lượng mới (4,05%); còn lại là các lĩnh vực dịch vụ, nghiên cứu, phát triển hạ tầng và đào tạo. Đáng chú ý, khu công nghệ cao đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các thành tố quan trọng như các doanh nghiệp công nghệ cao, viện nghiên cứu, trường đại học…

Thì Hà Nội có khu Công nghệ cao Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng chính bao gồm khu phần mềm, khu nghiên cứu và triển khai, khu Giáo dục và đoà tạo, khu nhà ở, khu giải trí… Được quy hoạch từ năm 1998, tính đến năm 2018, tại khu công nghệ cao Hoà Lạc đã có 84 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 72.540 tỷ đồng. Cùng với đó cũng tập trung nhiều trường đại học, trưng tâm, viện nghiên chiến lược…

Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo, tuyệt đối, giống như cái kiểu “được cái này thì mất cái kia” vậy. Cả hai địa phương đều đang có những “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ.

Thứ nhất, là cơ chế điều hành, quản lý vẫn chưa phù hợp với chính quyền đô thị. Đáng chú ý, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng đặt câu hỏi, tại sao một vụ như vụ quán Xin Chào lại xảy ra ở TP HCM – nơi được xem là môi trường kinh doanh cởi mở nhất. Cho đến Hà Nội – nơi được biết là trung tâm chính trị văn hóa của cả nước lại có vụ khó khăn khi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (Quận Đống Đa), hay vụ người dân tiếp tục “tố” cán bộ phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cũng có thái độ hách dịch, cửa quyền khi tiếp dân…

Thứ hai, giao thông thì luôn tắc nghẽn, bệnh viện thì bất cập, trường học thì quá tải..v..v. Tức là, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công. Tập trung giảm ùn tắc giao thông. Hoàn chỉnh các dự án, công trình giao thông trọng điểm, khép kín đường vành đai, xây dựng thêm cầu vượt… cùng những giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng.

Đấy, đâu đâu cũng quá tải, cũng nghẽn cả. Có hàng loạt vấn đề như vậy đặt ra hàng ngày, hằng giờ cho TP HCM và Hà Nội. Trước những tồn tại bất cập đó, có người đặt vấn đề “những hạn chế hiện, yếu kém xuất phát từ “tấm áo quá chật” hay “bộ đồng phục”quá cứng mà hai địa phương đang phải khoác lên mình?”.

Có lẽ, vấn đề là phải chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống, tổ chức và con người của chúng ta. Cứ làm đúng theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công chức là công bộc của dân, Đảng viên là người lãnh đạo và thật trung thành với dân. Theo đó, ta hãy cùng nhau soi rọi xem ai mà chưa làm được thì phải huấn luyện hay chấn chỉnh lại. Đến mức không chấn chỉnh được thì tìm người khác thay thế.

Từ những điểm sáng và điểm nghẽn của hai địa phương Hà Nội, TP HCM cho thấy vấn đề quyết định nằm ở con người. Con người trước hết là cán bộ công chức, đảng viên. Đội ngũ này phải năng động, tiên phong, gương mẫu, được dân tin tưởng. Có như thế, những chương trình, kế hoạch, mục tiêu chiến lược sẽ dễ dàng đạt được, xứng đáng với vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Theo enternews