Bài học từ các nước phát triển là Nhà nước chủ yếu xây dựng thể chế, chính sách và quản lí vĩ mô nền kinh tế, còn tất cả những gì người dân có thể làm được thì để Nhân dân làm. Nhật Bản là quốc gia điển hình số 1 ở châu Á và thế giới về phát triển kinh tế tư nhân. Từ thể chế mở, năng động, nước này có tới 56% trong tổng số 5.586 doanh nghiệp tư nhân tại 41 quốc gia có tuổi 100 – 200 năm. Ngày nay nước Nhật cứ 15- 20 người dân có một doanh nghiệp. Năm 2021, GDP của Nhật Bản đạt 4.937,421 tỉ USD (đứng thứ 3 thế giới) thì kinh tế tư nhân chiếm khoảng 96%. Các nước Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, nhiều nước châu Âu, Indonesia, Malaysia,v.v…kinh tế phát triển năng động đều từ kết quả hoạt động của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân là nòng cốt, trụ cột.
Ở Việt Nam, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Thưởng thức chính trị” (9/1953) đã nêu: “Những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ, đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà”. Tuy nhiên, từ năm 1954 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (trong cả nước) cho đến năm 1986 do ảnh hưởng của mô hình Liên Xô (cũ), kinh tế thị trường bị kì thị, tẩy chay. Quá trình tồn tại của mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, lại bị chi phối bởi tư tưởng giáo điều, cửa quyền, cơ chế xin -cho, nguồn lực tập trung chủ yếu trong tay Nhà nước (vốn, tài sản, lao động, đất đai, tài nguyên khác,v.v…) là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế tư nhân. Kinh tế cá thể, tư nhân bị triệt tiêu, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân bị xóa sổ. Khát vọng và động lực sáng tạo của con người trong sản xuất kinh doanh làm giàu cho bản thân, đất nước bị cấm đoán, sức sản xuất bị kìm hãm, đình đốn. Đời sống Nhân dân cả nước lâm vào cảnh đói nghèo, thiếu ăn.
Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới, chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần tạo ra phương thức phát triển năng động, người dân có quyền tự do kinh doanh. Để làm bà đỡ cho kinh tế tư nhân, Nhà nước quan tâm đến thể chế, ban hành Luật Công ty rồi Luật Doanh nghiệp vào các năm 1990, 2005, 2014 và 2020, tạo hành lang pháp lí cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương V khoá XII ra nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 3/6/2017 về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” xác định mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Việt Nam là quốc gia có khoảng 100 triệu dân, đứng thứ 13 trên thế giới. Nền kinh tế năm 2021 khoảng 370 tỉ USD, đứng thứ 5 ASEAN, đứng thứ 42 trên thế giới. So với các nước phát triển và nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì thua kém và tụt hậu khá xa về nhiều mặt: Năng suất lao động thấp kém, khoa học – công nghệ chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu gắn kết giữa đào tạo với thực hành; hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ (đường sắt lạc hậu nhất thế giới); công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển chưa tương xứng với yêu cầu; đô thị hoá chưa cao, đổi mới sáng tạo không nhiều; tăng trưởng phụ thuộc lớn vào vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên; các loại dịch vụ phát triển chậm, khởi nghiệp sáng tạo còn dè dặt; kinh tế xanh, tăng trưởng xanh mới chỉ là khởi đầu; đặc biệt là tỉ lệ số doanh nghiệp trên 1.000 dân còn rất thấp, trong khi đó số doanh nghiệp lớn chưa nhiều (khoảng 500 đơn vị), doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 90% trong tổng số doanh nhiệp,v.v…
Với khoảng 815.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nước ta bình quân khoảng 120 -125 người dân có một doanh nghiệp (tức là 8 doanh nghiệp hoạt động/1.000 dân). Trong khi đó, một số quốc gia châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v… cứ 5 -20 người dân có một doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân nước ta
có đặc điểm là quy mô – nhất là về vốn, tài sản, nguồn lao động thuộc loại thấp, hầu hết là nhỏ, siêu nhỏ, phần nhiều vốn dưới 10 tỉ đồng. Mặt khác, tính bền vững và ổn định có phần bấp bênh. Ví dụ: Năm 2017 – 2018 số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoat động bằng 47,8% số thành lập mới và hơn 50% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Mấy năm gần đây, mỗi tháng bình quân có 17.800 doanh nghiệp thành lập mới nhưng số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động cũng rất cao: Năm 2019 mỗi ngày có 287 doanh nghiệp; năm 2020 riêng TP Hồ Chí Minh có 24.402 doanh nghiệp; 10 tháng năm 2022 cả nước có 104.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (bình quân một tháng có 12.000 doanh nghiệp trong tình trạng ấy),v.v…
Cùng với phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân nước ta đang trên đà khởi sắc. Từ chỗ bị triệt tiêu trong giai đoạn kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp, nay đóng góp hàng năm 40 – 42% GDP là một bước ngoặt. Doanh nghiệp tư nhân có vị thế quan trọng trong xã hội không chỉ giải quyết việc làm, phát triển khoa học công nghệ, xoá đói giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà trong những thời điểm đất nước cam go đã đóng góp lớn, điển hình là cống hiến trong đại dịch COVID-19 và những đợt lũ lụt ở miền Trung.
Để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực phát triển, các thập kỉ tới cần tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực dịch vụ, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ, nông lâm thuỷ sản, nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phát triển nhiều tập đoàn kinh tế có quy mô lớn trong nước và thế giới, xây dựng thương hiệu mang dấu ấn quốc gia, quốc tế.
Để phát triển doanh nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế, về thể chế cần bảo đảm 3 yếu tố tăng trưởng bền vững: Vốn đầu tư phát triển; gia tăng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy tăng mạnh về năng suất các yếu tố tổng hợp (TTP), đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; tăng cường hàm lượng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số. Lâu nay, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường được rải thảm đỏ, được ưu đãi mọi mặt (vốn, đất đai, thuế, hải quan…) trong khi doanh nghiệp tư nhân phải tự bươn trải, xoay xở, phải lo lót bôi trơn. Mặt khác, Nhà nước cần quyết liệt về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cần xoá bỏ tệ nạn giấy phép con. Giấy phép con như cái gậy để cơ quan hành chính “hành” doanh nghiệp mà thực chất nó là mưu cầu vụ lợi, trục lợi. Trong một lần thảo luận kinh tế – xã hội, Chủ tịch Quốc hội khoá XIII Nguyễn Sinh Hùng từng thốt lên: “Thủ tục để được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề bây giờ cay nghiệt, độc ác lắm! Vì sao? Vì phải có tiền người ta mới cấp…”. Do những rào cản đó, trong nhiều năm kinh tế tư nhân chưa thật sự cất cánh, thậm chí hàng loạt doanh nghiệp èo uột, không lớn nổi, rất nhiều doanh nghiệp phải giải thể, hoặc ngừng hoạt động.
Bên cạnh việc xây dựng, đổi mới thể chế để kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng hướng, bền vững cũng không lơ là chống tham nhũng, tiêu cực trong khối kinh tế ngoài Nhà nước, không để xảy ra vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng như tệ tham nhũng, tiêu cực tại các Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Việt Á, AIC,v.v…
Kim Quốc Hoa
VHDN:Tại các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 85% GDP, là nền tảng, trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững, lớn mạnh, đồng thời là sản phẩm của văn minh nhân loại. Ở nước ta, sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay khu […]