Sự kiện - chuyên đề:

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu 12 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021 và nhận định còn rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của COVID-19.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, nói về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu 12 chỉ tiêu chủ yếu cụ thể đặt ra cho năm 2021. Trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần  trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề - 1

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề. “Điều này đòi hỏi các cấp, các  ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay  đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu… để thực hiện thành  công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021“, Phó Thủ tướng nói.

Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020 được thực hiện  trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức. Tình  hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn  trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt. Xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới  nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 – 1933.

Ở trong nước, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, những khó  khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch, bão lũ, sạt lở đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu phát  triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Tuy vậy, kinh tế năm 2020 đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng  được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng  giai đoạn 2016 – 2019 bình quân 6,8%/năm.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch  bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc  tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình  quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại NSNN đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 – 2015 là 68,7%). Bội chi  NSNN và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn  trước.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề - 2

Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2020. (Ảnh: VGP).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch  xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020  ước đạt 19,1 tỷ USD). Thị trường nội địa được chú trọng; quản lý thị trường, phòng  chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện năm 2020 đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm  ổn định, an toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của nhiều  DNNN được nâng lên. 12 dự án yếu kém của ngành công thương được xử lý và đạt  kết quả bước đầu, một số dự án đã có lãi và giảm lỗ lũy kế; đưa 3 dự án ra khỏi danh  sách theo dõi, xử lý của Ban chỉ đạo.

Theo VTC news

14:14:17 28-12-2020

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu 12 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021 và nhận định còn rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của COVID-19. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, nói về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng […]

Đối tác của chúng tôi