Sự kiện - chuyên đề:

Phú Thọ: Có hay không việc bỏ lọt tội phạm?

VHDN: Những lá đơn kêu cứu của Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc (Công ty Tây Bắc) khi lâm vào tình cảnh bên bờ vực phá sản nhiều tháng qua cứ chồng chất nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Vậy có phải lý do ở đây là: Doanh nghiệp tố cáo sai sự thật hay cơ quan chức năng điều tra sự việc chưa đến nơi, đến chốn? Và có hay không việc bỏ lọt tội phạm như trong đơn doanh nghiệp này phản ánh?

 

HÀNG CHỤC LÁ ĐƠN GỬI ĐI CÁC CẤP

Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc do 3 thành viên sáng lập thông qua cuộc “hội ý chớp nhoáng” không hề có một văn bản nào ngoài việc thống nhất bằng miệng về việc thành lập Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc (Công ty Tây Bắc).

Các thành viên tham gia đăng ký góp vốn gồm: Ông Đào Ngọc Lâm, địa chỉ phòng 404-C6, khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, đăng ký góp vốn 3,6 tỷ đồng; ông Phan Đông Dương ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đăng ký góp vốn 3,2 tỷ đồng; ông Đinh Hải Nam ở Đống Đa, Hà Nội, đăng ký góp vốn 1,2 tỷ đồng. Sau cuộc “bàn trà” gấp gáp này, chỉ một mình ông Phan Đông Dương thực hiện góp vốn để thành lập Công ty Tây Bắc. Ông Đào Ngọc Lâm không góp vốn nhưng ngay sau đó lấy danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tây Bắc đi giao dịch, mua bán hàng hóa trong suốt một thời gian dài để chiếm đoạt số hàng hóa trị giá gần 6 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là nội dung nhất quán của hơn 10 lá đơn từ kêu cứu, tố cáo, khiếu nại…hơn 2 năm qua (chưa kể gần 10 lá đơn trước khi có Quyết định phục hồi điều tra năm 2023) của Công ty Tây Bắc đều nhất quán khẳng định Công ty bị ông Đào Ngọc Lâm chiếm đoạt tài sản thông qua việc mạo danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận hàng tôn lá các loại mà Công ty Tây Bắc đã mua của 5 công ty (Thịnh An, Phúc Thanh, Việt Nhật, Đông Á, Maruichisunsteel) thể hiện trên tổng số 35 hóa đơn mua hàng (khớp với kết quả đã xác minh điều tra ban đầu của Công an thành phố Việt Trì). Cụ thể: Tổng số tiền Công ty Tây Bắc trả trên 35 hóa đơn là 45 tỷ 525 triệu đồng, cộng với tiền vận chuyển từ Cảng Sài Gòn ra Hải Phòng hơn 1 tỷ đồng, cộng với 1,6 tỷ đồng ông Lâm nhận của Công ty Tây Bắc đi mua hàng và tiền lãi do bán hàng.

Sau khi bán hàng, ông Lâm mới chuyển trả về Công ty Tây Bắc 42 tỷ 217 triệu đồng. Theo số liệu của Công ty Tây Bắc thì số tiền ông Lâm còn đang chiếm giữ của Công ty Tây Bắc là: 3,3 tỷ tiền mua hàng theo hóa đơn, tiền vận chuyển, tiền nhận trực tiếp từ Công ty Tây Bắc đi mua hàng và toàn bộ số tiền lãi do bán số hàng hóa này từ năm 2018?

GIẢI QUYẾT CỦA CÔNG AN TỈNH PHÚ THỌ

Kết quả xác minh điều tra ban đầu năm 2018 của Công an thành phố Việt Trì phải dừng lại do sự “đùn đẩy” trách nhiệm giữa Công an thành phố và Công an tỉnh. Năm 2023, ông Phan Đông Dương, Tổng Giám đốc Công ty Tây Bắc có đơn kêu cứu đến ông Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Phú Thọ. Ngày 03 tháng 11 năm 2023, Công an tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định phục hồi điều tra. Tròn đúng 1 tháng (03/11 – 03/ 12/2023), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng có Thông báo số 89 kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm (ông Phan Đông Dương được gặp cơ quan điều tra trình bày 1 lần trong buổi đối thoại với ông Đào Ngọc Lâm).

Nội dung của thông báo kết quả đã xác minh được về nhân thân người nhận số hàng của Công ty Tây Bắc mua thể hiện trên 35 tờ hóa đơn xuất hàng của 5 Công ty như đã nêu ở trên là ông Đào Ngọc Lâm. Và ông Đào Ngọc Lâm nhận hàng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc. Nhưng điều có ý nghĩa mấu chốt của vụ việc này lại chưa được làm rõ, là: Tổng số tiền trên 35 hóa đơn mua hàng (45 tỷ 525 triệu đồng) và số tiền ông Lâm trực tiếp nhận đi mua hàng (1,6 tỷ đồng), tiền vận chuyển hàng hoá từ Cảng Sài Gòn ra Hải Phòng (hơn 1 tỷ đồng), tiền lỗ, lãi do bán hàng của 35 hóa đơn. Số tiền này thực chất là bao nhiêu, hiện tại đang nằm ở đâu là những dấu hỏi lớn cần làm rõ. Điều lạ hơn cả là mặc dù chưa làm rõ được những vấn đề mấu chốt trên, nhưng Cơ quan Điều tra đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Không có sự việc phạm tội theo qui định tại khoản 1, điều 157, Bộ luật tố tụng Hình sự, để khép lại vụ việc, coi như đã hết trách nhiệm giải quyết, liệu có quá vội vàng và có bỏ lọt tội phạm?

Dư luận thắc mắc về cách giải quyết này của Công an tỉnh Phú Thọ với các câu hỏi cần sự trả lời. Trước hết, về tổng số tiền Công ty Tây Bắc phải trả cho số hàng hóa này là 48 tỷ 125 triệu đồng (đã cộng các khoản lại, chưa kể tiền lãi sau ông Lâm bán hàng), Công ty Tây Bắc mới thu về 42 tỷ 117 triệu đồng. Chênh lệch hơn 6 tỷ đồng như trong đơn phản ánh của Công ty Tây Bắc là đúng hay sai? Số tiền chênh lệch này có cần phải làm rõ để xác định hành vi của các bên (tố cáo và bị tố cáo) trong vụ việc này không?

Ông Đào Ngọc Lâm không góp vốn để thành lập Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc thì có là thành viên hay Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc không? Ông Lâm nhận hàng ở 5 Công ty (Thịnh An, Phúc Thanh, Việt Nhật, Đông Á, Maruichisunsteel) với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc để các công ty này tin tưởng xuất hàng thì có phải là mạo danh không?

Còn nữa, nếu Công ty Tây Bắc tố cáo ông Đào Ngọc Lâm không đúng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật?

Những thắc mắc này xin gửi đến Công an tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ. Mong rằng sự việc sẽ được các cơ quan chức năng này của tỉnh Phú Thọ quan tâm giải quyết dứt điểm để cứu giúp một doanh nghiệp trước nguy cơ lâm vào phá sản.

 

PV

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 11/2024)

09:08:30 06-11-2024

VHDN: Những lá đơn kêu cứu của Công ty cổ phần kim khí Tây Bắc (Công ty Tây Bắc) khi lâm vào tình cảnh bên bờ vực phá sản nhiều tháng qua cứ chồng chất nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Vậy có phải lý do ở đây là: Doanh nghiệp tố cáo sai […]

Đối tác của chúng tôi