Xứng danh là vùng đất cội nguồn
Phát biểu khai mạc Lễ hội Đền Hùng, ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 khẳng định: Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ, có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc – cháu Hồng”.
![]() |
Toàn cảnh lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025. Ảnh: Phong Lâm |
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Thờ cúng các Vua Hùng, không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc tổ, phù hộ cho quốc thái dân an; mưa thuận, gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những con người cùng chung một cội nguồn.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 Nguyễn Huy Ngọc phát biểu khai mạc. Ảnh: Phong Lâm |
Từ thời Vua Khải Định năm thứ 2 (1917), chính thức lấy ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày lễ chính, tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng. Vào ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 22 cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm để tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm và các hoạt động tổ chức Lễ hội Đền Hùng được diễn ra trong thời gian 10 ngày (từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch).
![]() |
Các địa biểu cùng nhân dân và du khách dự lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025. Ảnh: Phong Lâm |
Đặc biệt hơn nữa, vào ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại. Lòng biết ơn, tôn kính đối với Tổ tiên, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam được công nhận là di sản có giá trị mang tính toàn cầu, là sự đóng góp của dân tộc Việt Nam vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa nhân loại.
Cơ hội “vàng” để Phú Thọ quảng bá du lịch
Trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm nay, tỉnh Phú Thọ tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Trong đó, chương trình nghệ thuật “Âm vang nguồn cội” sự tham gia của hơn 300 nghệ sỹ, ca sỹ, nam nữ diễn viên thu hút đông đảo nhân dân và du khách, là hoạt động khai hội, mở đầu cho chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ – 2025, qua đó giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
![]() |
Chương trình Nghệ thuật đặc sắc “Âm vang nguồn cuội” mở màn. Ảnh: Phong Lâm |
Đồng thời, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với quảng bá, phát triển du lịch. Đây cũng là dịp để giới thiệu di sản văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên, con người trên quê hương đất Tổ Vua Hùng, là điểm nhấn quan trọng, không chỉ mang đến những màn trình diễn nghệ thuật ấn tượng mà còn trở thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, cội nguồn với sự phát triển của đất nước.
Những giai điệu, lời ca trong “Âm vang nguồn cội” thấm đậm tinh thần dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, đưa mỗi người con Việt Nam trở về với nguồn cội thiêng liêng. Dù ở bất cứ đâu, chúng ta vẫn cảm nhận được dòng máu Lạc Hồng, kết nối bao thế hệ, cùng nhau gánh vác trọng trách mà các thế hệ đi trước đã gửi gắm, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
![]() |
Sự tích bánh chưng, bánh dày đã đi vào đời sống văn hóa, nghệ thuật của người dân gắn liền với nguồn cội. Ảnh: Phong Lâm |
Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ cũng là cơ hội để tỉnh Phú Thọ giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp độc đáo của vùng đất cội nguồn: Đền Hùng linh thiêng, làn điệu Hát Xoan mộc mạc, những đồi chè Long Cốc bát ngát, suối khoáng Thanh Thủy thư giãn, vườn quốc gia Xuân Sơn kỳ vĩ, Ao Giời – Suối Tiên thơ mộng. Tất cả hòa quyện thành bức tranh thiên nhiên, văn hóa sống động, làm mê đắm lòng người.
![]() |
Đất Tổ là miền đất linh thiêng lưu giữ những di sản văn hóa quý báu. Ảnh: Phong Lâm |
Thông qua chương trình nghệ thuật đặc sắc, tỉnh Phú Thọ mong muốn khẳng định rằng Đất Tổ không chỉ là miền đất linh thiêng lưu giữ những di sản văn hóa quý báu, niềm tự hào của dân tộc, mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi các giá trị lịch sử và văn hóa được gìn giữ, kết nối và phát triển bền vững. Về với tỉnh Phú Thọ là trở về với cội nguồn dân tộc, nơi vang vọng dấu ấn lịch sử và hun đúc tinh thần đại đoàn kết.
|
Nguồn: Báo Công thương
Tối 29/3, tỉnh Phú Thọ đã khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 trong âm vang sôi động và tự hào. Xứng danh là vùng đất cội nguồn Phát biểu khai mạc Lễ hội Đền Hùng, ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch […]