Tại công văn số 1354/ UBND-KTH, ngày 26/4/2023 của UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn “khẩn trương ra quân, cương quyết xóa bỏ dứt điểm các chợ và điểm kinh doanh tự phát; có phương án tổ chức, sắp xếp đưa người kinh doanh, buôn bán tại các chợ, điểm kinh doanh tự phát vào kinh doanh các chợ trong quy hoạch… Đồng thời, kiên quyết xử lý cán bộ lơ là, bao che, bảo kê cho hoạt động của các tụ điểm kinh doanh trái quy định”. Tuy nhiên đến ngày 24/10/2023, tại xã Quảng Nham, hiện trạng này vẫn diễn ra tràn lan, chợ tự phát, điểm kinh doanh chợ trái quy định hoạt động mạnh, đẩy doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh chợ vào cảnh lao đao. Nhận được thông tin phản ánh tại xã Quảng Nham, phóng viên đã về địa phương để xác minh, tìm hiểu vụ việc.
Trên đường tìm hiểu thực tế, trước khi đến chợ Mom, phóng viên có mặt tại chợ tự phát được treo biển rất hoành tráng “Trung tâm thương mại (TTTM) Đức Cẩm – Quảng Nham” (nằm trên vị trí chợ Đảo cũ). Nhưng thực tế nơi này chỉ là một ngôi nhà lắp ghép mái tôn, nền xi măng, diện tích khoảng gần 1.000m2, còn thiếu nhiều điều kiện để có thể coi là TTTM. Tại đây, có khoảng 50 gian hàng, từ thuốc tân dược đến quần áo, vải vóc, thực phẩm tươi sống… tất cả các quầy hàng đều sơ sài, tạm bợ, nhiều quầy hàng hóa được bầy trên kệ, chõng hoặc ngay trên mặt đất. Bằng cảm quan có thể thấy, khâu trưng bày không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Thêm nữa, cơ sở cho thuê và các tiểu thương có đủ điều kiện để kinh doanh thực phẩm tươi sống hay không?
Trái ngược với cảnh tấp nập tại TTTM và ven đường là cảnh đìu hiu của chợ Mom (chợ thuộc quy hoạch của xã). Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Trọng – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ – Thương mại Trọng Len, đơn vị đầu tư, quản lý khai thác kinh doanh chợ Mom cho biết, hưởng ứng chủ trương của tỉnh về việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, tháng 10/2017, Công ty ông đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ với quy mô 170 gian hàng, diện tích trung bình mỗi gian là 7m2. Mặc dù được đầu tư bài bản, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11856-2017 về chợ an toàn thực phẩm, đảm bảo các quy định ngặt nghèo về phòng cháy chữa cháy, nhưng hơn 7 năm qua, chỉ có hơn 70 hộ đăng ký kinh doanh tại chợ, còn lại hầu hết các gian hàng đều bỏ trống. Vì thế, số tiền thu được hàng tháng gần như chỉ đủ trả tiền điện, nước, phí vệ sinh và lương cho người lao động, tình cảnh này đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn chồng chất. Theo ông Trọng, nguyên nhân khiến các tiểu thương không vào chợ kinh doanh là do các tiểu thương tập trung buôn bán tại TTTM Đức Cẩm và các hàng rong ven đường.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham nêu quan điểm: “Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Xương và UBND xã Quảng Nham cũng đã từng kiểm tra toàn bộ hoạt động của TTTM Đức Cẩm, vì có một số hoạt động không đúng, ảnh hưởng đến chợ Mom. Xã cũng đã nhiều lần thành lập đoàn, tiến hành dẹp bỏ hoạt động khu hành lang xung quanh trung tâm thương mại, nhưng hôm nay dẹp, mai bà con lại ra bán vì theo thói quen. Đặc biệt, chúng tôi cũng nhiều lần mời chủ trung tâm thương mại lên làm việc và ký cam kết không nên hoạt động theo hình thức chợ, không được để tiểu thương họp bên ngoài hành lang và chủ Trung tâm thương mại cũng đã ký cam kết. Hướng sắp tới, chúng tôi sẽ đôn đốc, nhắc nhở chủ doanh nghiệp thực hiện, đảm bảo phê duyệt trung tâm thương mại. Chủ chợ Mom cũng đã nhiều lần ý kiến lên xã và đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý việc này, đây là đề nghị rất chính đáng. Tới đây, xã sẽ tiếp tục báo cáo để huyện có hướng giải quyết”.
Đáng ngạc nhiên hơn, ngày 1/12/2023 trong buổi làm việc với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Xương, PV được biết TTTM Đức Cẩm chỉ được quyết định cho thuê đất với mục đích “thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng khu kinh doanh dịch vụ thương mại” (tức là không phải TTTM) và tuyệt nhiên không nêu cụ thể ngành nghề dịch vụ và mặt hàng đăng kí kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định, kinh doanh thực phẩm tươi sống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, áp dụng cho cơ sở cho thuê và cả người trực tiếp kinh doanh thực phẩm.
Ông Lê Đình Khoa – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Xương cũng xác nhận: “Năm 2018, Phòng Tài nguyên & Môi trường tham mưu cho thuê đất với mục đích ghi chung chung, không rõ ràng. Hiện tại, Phòng Kinh tế hạ tầng được giao quản lý nên cũng có phần bị động vì nó đã tồn tại trước đó. Trong quá trình kiểm tra thực tế ghi nhận phản ánh là đúng (TTTM hoạt động như chợ dân sinh). Sắp tới huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo địa phương và các phòng chức năng tăng cường quản lý tại khu vực này”. Như vậy việc kiểm tra, nhắc nhở của các cơ quan chức năng về hoạt động của TTTM Đức Cẩm và các tụ điểm bán hàng rong trái phép đã có, nhưng chưa quyết liệt nên đến nay các hoạt động này vẫn diễn ra tấp nập. Mong rằng, sắp tới UBND huyện Quảng Xương sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 12/2023
(Phương Giang – Hoàng Dũng)
VHDN: Nhằm mục tiêu xóa bỏ chợ tạm, chợ tự phát, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng xã hội hóa, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh […]