Sự kiện - chuyên đề:

Quỹ phòng, chống thiên tai: Vì sao 1.692 tỉ đồng vẫn… đóng băng?

Tình hình thiên tai diễn ra phức tạp, nhiều tỉnh cần sự hỗ trợ thế nhưng theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 6 năm thực hiện Quỹ phòng chống thiên tai vẫn còn dư 1.692 tỉ đồng.

Quảng Bình là nơi chịu thiệt hại về thiên tai hàng năm nhưng không có Quỹ phòng chống thiên tai. Ảnh: Lê Phi Long

Có tiền vẫn… khó chi

Quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) đã được đưa ra từ Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai năm 2013 và Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT. Đến 1.1.2020, Nghị định 83/2019/NĐ-CP có hiệu lực sửa đổi một số điều tại Nghị định 94/2014 có hiệu lực.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai công khai ngày 29.10.2020, tính đến 15.10.2020 có 60/63 tỉnh thành tiến hành thu Quỹ, tổng quỹ thu được là 3500 tỉ đồng. 3 địa phương cho đến nay không lập Quỹ là Lai Châu, Quảng Bình, Bạc Liêu.

Tổng chi kể từ ngày lập Quỹ là 1.808 tỉ đồng. Như vậy hiện nay Quỹ PCTT còn tới 1.692 tỉ.

Điều đáng nói là ngoài 3 địa phương không lập Quỹ như đã nêu trên thì báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho thấy rất nhiều địa phương có thu nhưng không chi, hoặc chi rất thấp. Điển hình như Yên Bái thu 12,8 tỉ đồng, Ninh Bình thu 17,4 tỉ đồng, Quảng Trị 2,9 tỉ đồng, Thừa Thiên-Huế thu 8,9 tỉ đồng, Quảng Ngãi 10,3 tỉ đồng, Bình Định 27 tỉ đồng, Ninh Thuận 1,8 tỉ đồng nhưng tất cả các địa phương này đã không chi bất kỳ đồng nào từ Quỹ PCTT.

Hoặc có những địa phương thu rất tốt như Bà Rịa-Vũng Tàu thu 47,3 tỉ đồng nhưng chỉ chi có 48 triệu đồng, Điện Biên thu 16.9 tỉ đồng nhưng chi 45 triệu đồng.

Theo Nghị định 94 thì đối tượng thu Quỹ PCTT thì đối tượng phải thu được quy định Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh; Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau: Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp; người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng; người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm. Cuối cùng là các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho Quỹ.

Nếu như đúng quy định thì Quỹ PCTT sẽ rất lớn, cao hơn nhiều so với con số đã thu chỉ vẻn vẹn 3.500 tỉ đồng. Một con số từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu thu đúng đối tượng theo Nghị định 94/2014 thì riêng năm 2018 đã phải thu được trên 5.000 tỉ đồng nhưng cuối cùng chỉ thu được 826 tỉ đồng, chỉ bằng 14,4% kế hoạch.

Chính vì lý do này, trong văn bản góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều vào cuối năm 2019, VCCI đã đề xuất nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của chính sách Quỹ phòng, chống thiên tai và bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai.

Theo VCCI, một trong những lý do khó thu chính là “Có doanh nghiệp phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động. Nhưng nhiều doanh nghiệp khác không bị thu nộp mà không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cho rằng đang bị thu một cách bất hợp lý và không biết được số tiền mình nộp đang được quản lý và sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không”.

Cũng theo VCCI, khi tiến hành tìm kiếm thông tin về báo cáo sử dụng quỹ tại website của các địa phương, nhưng chỉ có một địa phương (Bình Dương) có báo cáo chi tiết đến từng dự án/hoạt động sử dụng quỹ để DN và người dân có thông tin để giám sát trên thực tế. Có hai địa phương (Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh) có báo cáo về số tiền chi cho các quận, huyện, đơn vị trong tỉnh, nhưng không chi tiết từng hoạt động. Tất cả các địa phương khác không có thông tin báo cáo về việc sử dụng quỹ. Như vậy, người dân và doanh nghiệp dù phải đóng tiền quỹ nhưng hầu như không được biết tiền của mình được sử dụng thế nào.

Một lý do khác khiến cho Quỹ PCTT không mang lại kết quả như mong đợi hầu hết là kiêm nhiệm, mức chi thấp, điều kiện chi còn nhiều khó khăn nhất là công tác xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Đảm bảo Quỹ PCTT hiệu quả

Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu tổn thương lớn nhất về biến đổi khí hậu. Vì thế, quốc tế rất muốn ủng hộ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, do chưa có Quỹ ở Trung ương nên phải tiếp nhận theo kiểu vốn viện trợ ODA với thủ tục giải ngân rất chậm. Việc thành lập Quỹ ở Trung ương là để tiếp nhận các nguồn ủng hộ từ quốc tế để phân bổ trực tiếp cho các tỉnh. Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương, bộ máy là kiêm nhiệm nên không làm phát sinh thêm biên chế.

Tuy nhiên, với tình hình thiên tai hoành hành như hiện nay, việc Quỹ PCTT còn dư tới 1.962 tỉ đồng là rất vô lý, gây lãng phí nguồn lực.

Trên thực tế, thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn, tạo áp lực trong điều tiết ngân sách. Chỉ tính trong năm 2019, trong điều kiện ngân sách rất khó khăn, Chính phủ đã phải chi trên 10.300 tỉ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân… Do đó, việc duy trì, phát triển Quỹ PCTT là hết sức cần thiết để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác PCTT. Nhưng để việc thu – chi Quỹ đạt kết quả cao, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và toàn thể xã hội về nộp Quỹ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thu Quỹ hằng năm, triển khai thu bảo đảm tiến độ về thời gian, chi đúng mục đích, yêu cầu.

Đặc biệt, cần có cơ chế điều tiết Quỹ giữa các địa phương. Thực tiễn PCTT cho thấy, ở các địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ này lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp; ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư Quỹ lớn. Do đó, nếu không điều tiết được thì sẽ dẫn đến tình trạng tồn dư Quỹ như thời gian qua, không bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản của Quỹ là kịp thời, hiệu quả.

Theo LĐO

Chia sẻ
15:14:00 02-11-2020

Tình hình thiên tai diễn ra phức tạp, nhiều tỉnh cần sự hỗ trợ thế nhưng theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 6 năm thực hiện Quỹ phòng chống thiên tai vẫn còn dư 1.692 tỉ đồng. Có tiền vẫn… khó chi Quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi