Từ đầu năm đến nay, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được TP.Hà Nội ban hành và đi vào cuộc sống, đạt những kết quả tích cực. Theo đó, đã có 20/27 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (chiếm 74% tổng số chỉ tiêu); tỷ lệ thất nghiệp giảm còn dưới 3%; tỷ lệ giải quyết việc làm đạt 107% kế hoạch (đã giải quyết việc làm cho gần 172 ngàn lao động); đến đầu năm 2023, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, có 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo và 3 quận không còn hộ cận nghèo.
Về chính sách BHXH tự nguyện, theo quy định chung, người dân tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của người tham gia nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).
Nhưng xuất phát từ mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, trên cơ sở báo cáo tham mưu của BHXH Thành phố, Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội đã thống nhất và ban hành quyết sách “đặc thù” cho người dân Hà Nội. Cụ thể, ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/12/2025, Hà Nội hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng “0 đồng”- tặng sổ BHXH có thời hạn cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đi đầu trong phong trào này là quận Long Biên, đã hỗ trợ nốt số tiền còn lại (ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước và TP.Hà Nội) cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo trong thời gian từ tháng 8/2022 đến hết năm 2025. Đáng mừng, phong trào hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện của quận Long Biên đã lan rộng sang nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội. Phát triển BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện đã được coi là một trong những giải pháp để Hà Nội hướng tới giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội, kết quả phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn Hà Nội có tốc độ tăng chậm, chưa bền vững và chưa xứng với tiềm năng. Vì vậy, phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vẫn được coi là khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Nhấn mạnh mục tiêu mà Thành ủy đề ra, ông Tuấn lưu ý các thành viên BCĐ Chương trình số 08-CTr/TU phải luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cho đời sống người dân, đây được xem là việc làm thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, cần phải dành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hơn nữa để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Thủ đô.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 11/2023
(Châu Anh)
VHDN: “Phải luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống người dân; tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô”- ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND […]