Ông Xiêm là đời thứ 7 làm nghề ướp trà sen. Ngay từ nhỏ, ông đã biết cầm hoa, giúp mẹ tách cánh, phơi nhị… Cứ thế, ông Xiêm được gia đình truyền lại những bí quyết ướp trà, nghề “ngấm” vào ông lúc nào chẳng hay.
Theo nghệ nhân Xiêm thì từng khâu để ra được thành phẩm là sen trà vô cùng tỉ mẩn, không giống như mọi người nghĩ hay tưởng tượng. Ví dụ có khách đến cơ sở của ông rất hồn nhiên nghĩ rằng, chỉ cần cho chè vào bông hoa sen rồi lấy chun buộc lại để qua đêm là xong… Nhưng để có được ấm chè đượm hương sen không phải là điều đơn giản. Đầu tiên là việc chọn trà để ướp hương sen. Trà được chọn phải là trà mộc, loại tốt được trồng ở mạn Hà Giang, Thái Nguyên. Khi mua về, việc đầu tiên là phải sấy trà thật khô. Sau đó, đưa trà ướp với những cánh hoa sen nhỏ. Công đoạn này gọi là để trà ngậm hoa hoặc vào hương. Sau hai ngày ngậm hoa thì trà mới được mang ra sấy và bắt đầu ướp với gạo sen. Được biết, để ướp được 1kg trà sen phải cần tới trên 1.000 bông hoa sen và để mẻ trà đượm hương sen, ông Xiêm phải mất đúng 21 ngày với 7 lần vào hương (mỗi lần 3 ngày) và 7 lần sấy (mỗi lần sấy 1 đêm).
Trà sen kén người làm và cũng kén cả người uống. Những người tính khí nóng vội rất khó để uống vì chén trà sen chỉ nhỏ như hạt mít. Những người quen uống trà mạn đặc cũng khó mà uống được trà sen bởi uống đặc quá thì hương sen không chỉ nồng mà ấm trà còn bị chuyển vị, trở nên chát đắng. Theo Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, để pha được ấm trà sen ngon thì phải chế vào ấm đất, da lươn, nhỏ bằng nắm đấm tay. Khi pha cho một lượng trà vừa phải bằng cách chia một lạng trà pha ra được 14 ấm. Cứ như vậy sẽ có một tỷ lệ trà pha chế hợp lý.
Tiếp đến là việc ướp sen trà. Sen hái tốt nhất lúc trời vừa ửng sáng. Độ trước 7h có sen để tách cánh là tuyệt nhất. Sen vừa nở, hương chưa kịp tỏa, sắc hoa thuần khiết. Bông sen, quí nhất phần gạo sen, nằm bên trong cùng của bông hoa. Người làm phải nhẹ nhàng tách từng cánh to, một người khác tách từng cánh nhỏ, lại một người tách tua sen khỏi đài, lại một người đãi lấy phần gạo sen trắng muốt. Ông Xiêm cho chúng tôi xem phần gạo sen ít ỏi nằm trong tàu lá sen xanh ông đang nâng niu: “Cả hai trăm bông hoa mới được thế này đấy cháu ạ”.
Ông Xiêm cho biết để ướp chè cần phải ướp đi ướp lại 7 lần, mỗi lần 3 ngày. Mỗi một cân chè cần 200 bông hoa sen cho một lần ướp. Vị chi ướp 1kg chè xong xuôi, cần 21 ngày, 1400 bông hoa sen. Một con số khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Trên mọi miền đất nước, nơi đâu cũng có sen, nhưng không phải nơi nào sen cũng ướp được trà. Sen ướp trà là sen giống gốc hồ Tây. Chỉ có hồ Tây mới có giống sen quý Ông diệp để làm trà. Điểm đặc biệt của loài sen này là bông có nhiều lớp, lớp ngoài cánh to, lớp trong cánh nhỏ, như cánh hoa súng, màu phớt hồng. Tuyệt đối không được ướp trà bằng sen quỳ (loại sen ít cánh, cánh to đều từ ngoài vào trong, loại sen này chỉ để lấy hạt).
Nhiều người muốn có một thức quà quí để biếu, nhiều khách nước ngoài muốn thưởng thức hương vị Việt Nam cũng tìm đến ông Xiêm, tri ân cùng những nghệ nhân Hà Thành xưa. Ông rất vui vì nghệ thuật cùng tình yêu nghề ông cùng đội ngũ nghệ nhân trong gia đình gửi gắm vào từng bông sen trà được mọi người trân quý. Điều đó còn đáng giá nhiều lần so với giá trị được đong đếm bằng vật chất.
Được biết, gia đình Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm là một gia đình có truyền thống cách mạng, anh trai và ông chú đã hy sinh anh dũng trong chiến trường miền Nam. Vợ ông Ngô Văn Xiêm là bà Lưu Thị Hiền cũng là bộ đội, bây giờ bà vẫn đang sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh của phường Quảng An, Tây Hồ. Tự hào với truyền thống cách mạng của cha, anh, ông bà Hiền Xiêm chia sẻ, ngày nay, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng không ngừng phấn đấu, vươn lên; luôn tích cực trong việc dạy dỗ các con cháu làm việc thiết thực chân chính, tạo ra những sản phẩm có giá trị và chất lượng để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, đóng góp phần nào đó để xã hội ngày càng phát triển.
Trải qua năm tháng miệt mài với nghề, ông bà Hiền Xiêm giờ đây cũng mang lại tiếng thơm cho chính sản phẩm trà sen ông bà gây dựng thương hiệu và lưu truyền lại nghề ướp trà sen nức tiếng 1 vùng Hồ Tây cho con cháu. “Mỗi một mùa sen đi qua là thêm những trải nghiệm với nghề, không phải lúc nào cũng dễ dàng như mọi người nghĩ. Cũng chân lấm tay bùn, cũng gù lưng mỏi gối, cũng mắt mờ tay run với từng cánh hoa, nhụy hoa mới cho ra được hương vị tinh túy cho người đời thưởng thức. Không phải cứ truyền dạy bí quyết trên một hai trang giấy có thể nói hết về nghề. Muốn thành công thì trước hết phải tận tâm với nghề và sống với nó như máu thịt”, ông Xiêm chia sẻ.
Sen hồ Tây mỗi năm chỉ nở một mùa, nhưng tiếng thơm của trà ướp hương sen hồ Tây cùng người làm ra nó thì thơm mãi muôn đời. Chúc Cơ sở sen trà Hiền Xiêm của ông ngày càng vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Thùy Dương
VHDN: Buổi sáng tháng 5, khi sương sớm vẫn phủ mờ trên những con đường, sen hé nụ đón ánh nắng mai. Những nghệ nhân làm trà ướp sen tranh thủ thu mua hoa về tách gạo sen cho kịp giờ, kẻo để lâu, “sen mất hết hương”. Từng khâu để cho ra thành phẩm […]