Sự kiện - chuyên đề:

Siêu lừa phạm minh hoạt vẫn thách thức pháp luật

VHDN: Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn của nhiều người tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tố cáo Phạm Minh Hoạt tự nhận là doanh nhân để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Thật kỳ lạ là trong lúc Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra thì Hoạt lại giở bài cũ chiếm đoạt tiền ở Thái Bình. Vì sao dùng thủ đoạn chiếm đoạt tiền của nhiều người, nhiều năm nhưng Phạm Minh Hoạt vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Không những thế, Hoạt còn đe dọa “tấn công lại” người bị hại.

Phạm Minh Hoạt với chiếc xe hơn 3 tỷ trước khi bỏ trốn.

Những cú lừa ngoạn mục

Phạm Minh Hoạt sinh ngày 06/09/1988, tại thôn 6B, xã Hải Đông, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Gia đình sống bằng nghề nội trợ và nông nghiệp, bố mẹ Hoạt luôn tự hào Hoạt là “con ngoan” và “có tài”. Chị Hòa (Hoạt nhận là chị em kết nghĩa) kể, trong những lần Hoạt mời về nhà chơi, bố mẹ Hoạt thường nói “Cháu yên tâm cô chú dạy con cô chú ăn học bằng tiền đô (usd), cô chú còn dạy Hoạt sống nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Vì tin vào những lời giới thiệu trên, chị Hòa sau này trở thành một trong những nạn nhân bị Hoạt vay tiền nhưng không trả. Hoạt có thật sự là niềm tự hào của gia đình?

*Phạm Minh Hoạt lừa thầy, lừa bạn.Ông Lương Văn Định (thầy giáo dạy lái xe của Hoạt) kể, ông biết Hoạt từ khi Hoạt học lái xe. Trong thời gian học lái Hoạt luôn tỏ ra hoạt bát, rộng rãi và giới thiệu với mọi người là làm ăn lớn, đầu tư chứng khoán làm ăn rất hiệu quả. Thấy ông Định vất vả nên Hoạt ngỏ ý giúp đỡ để có thêm thu nhập bằng cách nhờ vay tiền để đưa cho Hoạt, hứa trả lãi cao hơn ngân hàng, do bận việc nên ông Định ít có thời gian kiểm tra Hoạt kinh doanh gì.

Ngôi nhà Hoạt và Tơ mua để chung sống tại Thái Bình.

Tin vào bề ngoài và cách nói năng của Hoạt, ông Định đã nhiều lần vay tiền hộ và cho Hoạt thuê xe. Thời gian đầu Hoạt trả tiền cho ông Định rất hậu hĩnh thông qua tài khoản của vợ chồng ông Định. Chính điều đó từ tháng 9/2016 đến 06/2018 ông Định đã cho Hoạt vay số tiền hơn 9,5 tỷ đồng. Ba lần gần nhất từ 19/06/2018 đến tối 04/07/2018, Hoạt đã vay của ông Định 5,394 tỷ đồng. “Số tiền này tôi vay người thân và ngoài chợ để cho Hoạt vay lại”, ông Định cho biết. Vợ ông Định dành được một trăm triệu để chữa bệnh, nhưng do được hứa trả lãi cao hơn ngân hàng nên cũng cho Hoạt vay để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, vào thời điểm cuối tháng 6/2018, Hoạt liên tục thúc giục ông Định cho vay tiền để nhập hai container hàng và hứa sau ba ngày sau sẽ hoàn trả. Nhận được tiền từ ông Định, ba ngày sau Hoạt không trả tiền như đã hẹn và nhắn tin nói dối “đang bận” hẹn “trưa mai anh qua lấy”, sau đó Hoạt bỏ trốn.

Anh Q là bạn của Hoạt cho biết, năm 2016 em trai của Hoạt nói “có anh trai giỏi, nói chuyện hay lắm” và giới thiệu anh Q gặp Hoạt. Qua tiếp xúc thấy Hoạt nói chuyện rất hay và “tiêu tiền cả quyển”, Hoạt đã vẽ ra “viễn cảnh tương lai”, đánh trúng vào sự đam mê ngoại ngữ của anh Q, hứa đầu tư trung tâm ngoại ngữ nên anh Q rất ngưỡng mộ. Hoạt bảo “mày vứt cho anh 50 triệu đồng, hàng tháng anh gửi mày mấy triệu chi phí, tiền lãi từ đấy ra đủ chi phí học”. Mặc dù đang có công việc ổn định, thu nhập cao tại show room ô tô nhưng anh Q đã nghỉ việc và đưa tiền cho Hoạt để thực hiện dự án. Sau đó, Hoạt đưa tiền lãi cho anh Q bốn triệu đồng được khoảng hai, ba tháng để anh Q đi Hà Nội học “cơ hội làm giàu” và học ngoại ngữ.

Sau khi đi học về Hoạt giao cho anh Q một phòng riêng tại số 62 Thương Mại, TP Móng Cái (chỗ Hoạt thuê ở) và không giao việc gì, thấy Hoạt không có công ty, không làm việc gì rõ ràng và không đả động gì đến nội dung công việc như Hoạt đã hứa, anh Q hỏi, Hoạt nói “Mày không cần biết anh làm gì, chỉ cần biết anh với mày cùng làm dự án mở lớp dạy tiếng Anh”. Vì vậy Q đã tìm cách rút tiền và chấm dứt “làm ăn” với Hoạt, trở về với công việc cũ. Cũng trong thời gian quen biết, Hoạt giới thiệu đang đầu tư lớn một trang trại ở xã Hải Đông nhưng thực tế đó chỉ là khu đất hoang – Anh Q cho biết.

Nhân chứng thứ hai: Anh H cũng là bạn của Hoạt cho biết, Hoạt vay của anh 800 triệu đồng, hôm 26/12/2018 anh cùng một số người nữa được Công an tỉnh Quảng Ninh mời vào làm việc. Tại quán nước gần Công an tỉnh, Hoạt đưa anh H 80 triệu đồng và hứa “tí nữa bạn làm đơn xin rút tố cáo và cam kết nhận đủ tiền cho tôi, tôi sẽ trả nốt tiền cho bạn”, nhưng từ đó đến nay anh H không nhận được tiền như Hoạt đã hứa.

Nhân chứng thứ ba: Anh Nam, lái taxi hãng 883 Móng Cái thường được Hoạt gọi chở đi lại và nhận tiền từ người Hoạt vay rồi cầm về cho Hoạt cho biết: Đến nay Hoạt vẫn còn nợ anh gần 50 triệu tiền cước đi xe, tiền mua đồ lặt vặt và 50 triệu đồng tiền vay. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nghĩ Hoạt là “doanh nhân tầm cỡ” nên anh Nam đã cho Hoạt vay. Có vài lần anh Nam đòi tiền thì Hoạt nói chưa có.

Đưa cả những người thân vào tròng

Đối với chị Uông Thị Hòa và chị Vũ Thị Hương Sen (Hoạt nhận là chị gái) Hoạt nhiều lần mời các chị đến nhà giới thiệu với bố mẹ và người thân, đồng thời Hoạt thường xuyên mượn xe ô tô của chị Hòa để đi lại và nói với mọi người đó là xe của Hoạt. Chưa hết, Hoạt còn chiếm đoạt của chị Hòa số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Chị Vũ Thị Hương Sen cũng bị Hoạt chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng. Chị Hòa và chị Sen cho biết ngày 25/12/2018 dưới sự hướng dẫn của điều tra viên N.H.L và sự cam kết của Hoạt: Nếu rút đơn trong thời hạn từ 6 đến 12 tháng, Hoạt sẽ trả hết tiền cho các chị và những người có đơn tố cáo nhưng đến nay Hoạt không trả tiền như cam kết.

Những bị hại trình bày sự việc với phóng viên.

Ngoài ra Hoạt còn vay tiền của rất nhiều người đó là: chị Lê Thị Ngọc Lệ 1,4 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Hương hơn 5,4 tỷ đồng; chị Lương Thu Hường 240 triệu đồng; chị Mai Thị Oanh 200 triệu đồng; chị Ngô Thị Thành 500 triệu đồng; chị Từ Thị Liên hơn 21,5 tỷ đồng. Số tiền Hoạt vay của những người nêu trên thông qua những lần nhận tiền mặt trực tiếp hay thông qua hai người lái taxi hoặc chuyển tiền vào nhiều tài khoản đứng tên Phạm Minh Hoạt và người khác do Hoạt chỉ định. Tổng số khoảng hơn 50 tỷ đồng trước khi bỏ trốn.

Ngày 05/07/2018 Hoạt bỏ trốn khỏi Móng Cái, nên ngày 16/07/2018 các bị hại đồng loạt tố cáo Hoạt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Móng Cái và Công an tỉnh Quảng Ninh. Sau nhiều lần triệu tập nhưng Hoạt không có mặt tại địa phương, ngày 02/08/2018 Công an thành phố Móng Cái phát thông báo truy tìm số 1233/TB do Đại tá Vũ Thế Vị, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Móng Cái ký, nhưng không truy tìm được và Công an tỉnh Quảng Ninh cũng truy tìm nhưng không có kết quả.

Sau đó những người bị hại đi điều tra và phát hiện Hoạt mua nhà để ở cùng Đỗ Thị Tơ tại Thái Bình nhưng không đăng ký tạm trú. Từ nguồn tin tố giác của bị hại, ngày 26/10/2018 Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã giữ Hoạt và giao cho Công an tỉnh Quảng Ninh vào ngày 27/10/2018, để xử lý sự việc Hoạt bị tố cáo lừa đảo. Sau khoảng chín ngày thì mọi người thấy Hoạt về xã Song An sống với Đỗ Thị Tơ như không có chuyện gì xảy ra.

Tiếp tục thủ đoạn cũ để lừa đảo tại Thái Bình

Tại Thái Bình, Phạm Minh Hoạt lấy tên là Hoàng, giới thiệu Đỗ Thị Tơ là vợ và chung sống tại xóm 3, thôn Tân Minh, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Do hoạt ngôn, chuyện gì cũng có thể tham gia nên Hoạt được gọi là “Hoàng Google”.

Anh Trần Văn A, ở xóm 3, thôn Tân Minh cho biết: Anh cho Hoạt vay 20 triệu đồng, sau đó Hoạt tắt điện thoại, anh A đã phải sang gặp Đỗ Thị Tơ và Tơ trả ba lần mới hết. Duy nhất ở xóm 3, thôn Tân Minh, Hoạt chỉ “nể” một gia đình nguyên là cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, không hiểu lý do gì mà “Doanh nhân tầm cỡ” Phạm Minh Hoạt luôn tìm cách tránh tiếp xúc với gia đình này?

Trong quá trình thực hiện loạt bài điều tra, phóng viên được biết ông Phạm Tiến Khanh, (trú tại tổ 21, Trần Lãm, TP Thái Bình) là người chạy taxi, vì tin tưởng vào sự giới thiệu nên đã cho Hoạt vay và bị chiếm đoạt 700 triệu đồng. Đến khi nhà Hoạt Tơ thường xuyên đóng cửa, khóa máy điện thoại, ông Khanh đã tìm đến nhà Hoạt ở Móng Cái thì bố mẹ Hoạt cho biết, từ khi học xong đến nay Hoạt không có làm ăn gì nên không có tiền trả cho ông Khanh. Hiện nay, ông Khanh đã làm đơn tố cáo Hoạt đến các cơ quan chức năng để giải quyết sự việc. Theo nguồn tin từ các bị hại, Hoạt và Tơ có nhiều cơ sở tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vì bị tố cáo, Hoạt và Tơ đang rao bán nhà tại Thái Bình, có dấu hiệu tẩu tán tài sản và bỏ trốn, để “cao chạy xa bay”.

Vì sao Phạm Minh Hoạt vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Anh Lương Văn Định, một trong những bị hại đã phải nghỉ việc để dòng dã đi tìm kiếm và gửi đơn tố cáo Hoạt tới các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cay đắng kể: Khi chúng tôi tự điều tra xác định được Hoạt ở Thái Bình và trình báo cơ quan Công an bắt Hoạt về Công an tỉnh Quảng Ninh giải quyết. Tại đây, tôi kiên quyết không làm đơn xin rút đơn tố cáo đối với Hoạt nếu Hoạt không trả tiền cho tôi. Chính vì điều này tôi đã bị rất nhiều sức ép từ điều tra viên N.H.L. Sự việc này chúng tôi đã có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý đối với hành vi của điều tra viên có dấu hiệu bao che, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Minh Hoạt. Thể hiện rõ sự không kiên quyết tấn công tội phạm, có dấu hiệu để lộ thông tin trong quá trình điều tra cho đối tượng, đó là:

Tin nhắn Hoạt ra điều kiện rút đơn kiện mới trả tiền.

Khi Hoạt không thuyết phục được tôi rút đơn, Hoạt nhắn tin ra điều kiện với vợ tôi để tôi rút đơn không có kết quả, nên trong hai ngày từ 03- 04/1/2019 Hoạt đã gọi điện thoại cho chị dâu tôi nói “hiện nay có tám người rút đơn rồi, còn mỗi anh Định thôi”, đồng thời không quên đe dọa “chị bảo anh Định đừng ép em, nếu em tấn công lại thì đừng trách”. Gia đình tôi mất nhà cửa, mất việc vì Hoạt. Tôi liên tục làm đơn để nhờ các cơ quan pháp luật vào cuộc, nhưng cơ quan điều tra trả lời “chờ tương trợ tư pháp”, nhưng tôi thấy Hoạt không có làm ăn gì với ai ở nước ngoài, hành vi của Hoạt hoàn toàn độc lập, nhận tiền của chúng tôi tại thành phố Móng Cái, Hoạt nói vay để làm ăn thì yêu cầu tương trợ tư pháp để làm gì?

Trình bày với phóng viên, những người bị hại đều thắc mắc tại sao điều tra viên N.H.L định hướng họ viết đơn xin rút tố cáo cho đối tượng? Trước mặt điều tra viên, Phạm Minh Hoạt ra điều kiện nếu ai rút đơn đưa cho điều tra viên thì Hoạt sẽ “hỗ trợ” tiền đi lại và cam kết trả hết tiền cho họ trong thời hạn từ 6 đến 12 tháng. Đến nay, Hoạt không hề thực hiện như cam kết? Tại sao Hoạt lại biết nhiều thông tin trong quá trình điều tra? Tại sao Hoạt là đối tượng chiếm đoạt tiền nhưng lại đe dọa bị hại, nếu không rút đơn tố cáo? Có hay không cơ quan điều tra tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác ngày 14/10/2018 mà không gửi quyết định cho những người tố giác? Cơ quan điều tra đã có biện pháp gì đối với Hoạt và những người liên quan khi để Hoạt dùng chính số tài khoản cá nhân của mình tiếp tục lừa đảo ông Phạm Tiến Khanh (trong lúc Hoạt đang bị điều tra)?

Phương thức, thủ đoạn của Phạm Minh Hoạt tương đối giống nhau, không hề có doanh nghiệp cũng như không kinh doanh bất cứ mặt hàng gì. Rõ ràng, Hoạt đã lợi dụng lòng tin của những người là thầy, là bạn, là người thân, để vay tiền rồi chiếm đoạt. “Siêu lừa” Phạm Minh Hoạt đã đẩy họ vào hoàn cảnh khốn cùng, gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Hậu quả là gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh. Việc Hoạt mạo danh doanh nhân để chiếm đoạt tiền của mọi người, làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang ngày đêm cống hiến để làm ra của cải vật chất, góp phần xây dựng đất nước. Để bảo vệ uy tín, danh dự, hình ảnh của những doanh nhân chân chính, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vụ việc, buộc Phạm Minh Hoạt và những người liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Nhóm PV BAN KINH TẾ – XÃ HỘI

 

19:30:09 22-04-2020

VHDN: Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn của nhiều người tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tố cáo Phạm Minh Hoạt tự nhận là doanh nhân để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Thật kỳ lạ là trong lúc […]

Đối tác của chúng tôi