NÂNG CAO NĂNG LỰC
Phải khẳng định rằng, việc thực hiện Tiểu dự án 3 có ý nghĩa rất quan trọng, với mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH cho vùng ĐBDTTS&MN. Việc thực hiện dự án, sẽ góp phần hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Cũng như, hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Không chỉ thế, đây còn là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ĐBDTTS&MN, phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau phát triển bền vững.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Sở LĐ-TB&XH, đã phối hợp với Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề. Mục đích của công tác này, nhằm nâng cao năng lực thiết kế bài giảng trực tuyến, kỹ năng tuyển sinh cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Cũng như, phương pháp, kỹ năng tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN và kỹ năng xây dựng báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý quan hệ hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động. Đặc biệt là kỹ năng quản lý tài chính, cơ sở vật chất, thanh tra, kiểm tra GDNN và nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy trình độ sơ cấp nghề. Điều đáng ghi nhận là sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng, các học viên đã đạt được những kỹ năng cơ bản trong việc phân tích, đánh giá được các thuận lợi, khó khăn trong thiết kế bài giảng trực tuyến, tuyển sinh… nhằm tham gia đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc.
ĐƯA CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM ĐẾN VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC
Có thể nói, một trong những công tác được Sở LĐ-TB&XH tỉnh đặc biệt quan tâm là tuyên truyền, trợ giúp các chính sách về lao động, việc làm cho đồng bào dân tộc. Việc thực hiện tốt công tác này, đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận các vấn đề pháp lý; các chính sách ưu đãi, phát triển kinh tế, hỗ trợ việc làm cho bà con dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Với hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất, với trên 17.000 hộ, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh. Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc. Đồng thời, diện mạo của các phum sóc ngày càng khang trang và góp phần rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Có được những kết quả đáng ghi nhận đó là do Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương có đông đồng bào dân tộc xây dựng nên những mô hình, cách làm hay trong giải quyết việc làm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, hiện chỉ còn 1.624 hộ, chiếm 7,46% so với tổng số hộ.
Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra là tập trung tuyên truyền tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Như năm 2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, đã tổ chức gần 30 cuộc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Qua các cuộc tuyên truyền đã thu hút sự tham gia của hơn 800 đại biểu là bà con đồng bào dân tộc tham gia. Cũng như, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia và sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của bà con, nêu cao vai trò của công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường lành mạnh trong cộng đồng dân cư, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào dân tộc, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trần Yến Hòa – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1&2/ 2024)
VHDN: Thực hiện Quyết định số 1320 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 5 “Phát triển […]