MƯỜI BỐN NĂM MỚI TÌM RA SỰ THẬT?
Theo nội dung đơn của bà Đào Thị Tám hơn 70 tuổi ở khu phố Việt Đức, phường Phố Cò, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên – xã viên hợp tác xã nông nghiệp Xuân Thành (xã Cải Đan), thì năm 1981 bà Tám được UBND xã Cải Đan cấp cho một mảnh đất làm nhà ở. Trong thửa đất này có một cái ao khoảng gần 250 mét vuông. Một thời gian sau bà Trịnh Thị Tròn từ nơi khác đến tự nhận là ao của mình nên đã xảy ra tranh chấp. Khiếu kiện đã qua nhiều cấp, nhiều năm giải quyết. Cuối cùng năm 1995 UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) phải vào cuộc làm rõ sự việc này.
Trong Quyết định số 154/ QĐ-UB giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Bắc Thái ngày 24/3/1995 do Chủ tịch Mai Phúc Toàn ký đã thể hiện: Công nhận QSDĐ hợp pháp của bà Đào Thị Tám được UBND xã Cải Đan cấp ngày 27/4/ 1981 có tổng diện tích 500 mét vuông (có cả cái ao tranh chấp) theo sơ đồ chỉ giới: phía Đông giáp đường Phố Cò – Gò Đầm; phía Bắc giáp đường vào Trường Việt Đức; phía Tây giáp mương thuỷ lợi cấp 2 của HTX; phía Nam giáp ruộng HTX (ruộng bà Hằng).
Trong Quyết định còn dành hẳn một điều (Điều 2): Giao cho Chánh thanh tra tỉnh có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc thực hiện Quyết định? Để có Quyết định giải quyết khiếu nại số 154/QĐ-UB của Chủ tịch tỉnh là cả một quá trình 14 năm đi tìm công lý. Mặc dù kết quả có muộn màng nhưng cũng khiến cả gia đình bà Tám và đông đảo dư luận đồng tình tin vào chính quyền công tâm giải quyết. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi cách thực thi Quyết định cấp trên của UBND thị xã Sông Công thời điểm đó?
Qua 2 Quyết định số 260/QĐ-UB ngày 6/1/1995 và Quyết định số 18/QĐ-UB ngày 6/3/1996, đã đẩy sự việc diễn biến ngày càng phức tạp, khiếu kiện chồng chéo do các văn bản của cấp thực thi đã bộc lộ quá nhiều kẽ hở?
Và còn nữa, người được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ phải kiểm tra đôn đốc thực hiện Quyết định 154 là Chánh thanh tra Nhà nước tỉnh thời điểm đó cũng đã không sâu sát, buông lỏng trách nhiệm của mình để sự việc kéo dài, nên cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
CƠ QUAN THỰC THI CÓ ÁP ĐẶT?
Thực thi Quyết định của UBND tỉnh, UBND thị xã Sông Công (nay là Tp. Sông Công) đã ban hành 02 quyết định (QĐ 260 ngày 6/11/1995 và QĐ 18 ngày 6/3/1996 ). Cả hai quyết định này đều mang tính áp đặt nên đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của bà Đào Thị Tám và những người biết việc ở khu vực này. Cụ thể: Xác định mốc giới thửa đất để giao cho bà Tám không đúng với mốc giới tại Quyết định số 154 của tỉnh. Không căn cứ vào hồ sơ, nguồn gốc sử dụng đất, tự cho phép người khác lấp ao mở đường đi rồi lấy đó làm mốc giới cho thửa đất của bà Tám là trái với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh số 154/ QĐ-UB ngày 24/3/1995.
Dư luận khách quan cho rằng có thể do nhận thức chung về Quyết định 154/QĐ-UB của các bên còn chưa thống nhất? Nhưng điểm nhấn chung nhất xuyên suốt ở vụ việc này cần quan tâm là từ năm 1981 đến nay bà Tám và bà Tròn (sau này là bà Vuông con của bà Tròn) chỉ tranh chấp nhau về cái ao trên khu đất này, không tranh chấp về đất ở. Quyết định 154 đã công nhận toàn bộ đất ao thuộc về bà Tám thể hiện ở ranh giới thửa đất của bà Tám về phía Nam đã được xác định là tiếp giáp với phần ruộng của bà Hằng (qua hết đất ao đến bờ ruộng của bà Hằng).
Quyết định thực thi số 260/ QĐ-UB của UBND thị xã Sông Công cho rằng đất của bà Tám phía Nam giáp với con đường vào nhà bà Vuông là tự “sáng tác ra” trái với chỉ giới đất mà Quyết định 154/QĐ-UB của UBND tỉnh đã xác định. Hơn vì công nhận mốc giới có con đường vào nhà bà Vuông đã tạo cho chính quyền thị xã Sông Công có được một phần diện tích đất ao để thị xã Sông Công cấp cho ông Bùi Mạnh Thắng làm nhà ở (ông Thắng đã chuyển nhượng cho người khác). Việc cấp đất này và cả việc bà Tám chuyển nhượng đất ở cho 1 số người để họ cùng vào cuộc tranh chấp, khía cạnh này chính quyền thị xã Sông Công cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật đất đai (đất đang có tranh chấp không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và chuyển nhượng cho người khác).
Diện tích đất UBND thị xã Sông Công cấp cho ông Thắng hiện đã được mua đi bán lại một số lần nhưng người mua đến nay vẫn chưa sử dụng được vì bà Tám đang còn tranh chấp. Như vậy quá trình thực thi giải quyết về mốc giới thửa đất của bà Tám, chính quyền thị xã Sông Công đã thay đổi (mốc phía Nam). Diện tích đất ao của bà Tám đã bị xâm lấn không đúng như chỉ giới mà Quyết định 154/ QĐ-UB đã chỉ ra.
Cách giải quyết vụ việc tranh chấp như các văn bản thực thi của UBND thị xã Sông Công chưa đúng cả về nguồn gốc sử dụng thửa đất (mốc giới) và chưa trúng về vị trí tranh chấp (cái ao) đã đẩy sự việc tranh chấp kéo dài chưa có hồi kết. Dư luận quan tâm mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét thấu đáo, nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp này. 40 mươi năm chỉ cho một vụ việc tranh chấp nhỏ liệu có xứng đáng đưa vào kỷ lục của thời gian?
Kỳ tiếp: Cần khách quan xem xét chứng cứ?
PV
VHDN: Xã cấp đất để làm nhà, trong khu đất đó có một cái ao. Người khác đến tranh chấp nhận cái ao đó là của mình. Chủ tịch tỉnh ra quyết định giải quyết bác tranh chấp, công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo quyết định cấp đất của xã (trong đó […]