Sự kiện - chuyên đề:

Sức lan tỏa từ cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

VHDN: Từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 10 tháng 11 năm 2016, tại Lễ phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, theo Quyết định số 1846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Đây là ngày kỷ niệm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Văn hóa Doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc xây dựng, phát triển Văn hóa Doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội; tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Văn hóa Doanh nghiệp; đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa ở thế kỷ XXI. Thủ tướng chính thức phát động Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam” với 5 nội dung chính, gồm: Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò văn hóa doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển nền tảng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam; Phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Thượng tôn pháp luật, làm lành mạnh môi trường kinh doanh; Nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ nhân viên và người lao động.

Đến hành động của Hiệp hội và Ban Tổ chức 248

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức 248 cho biết: Nhận thức sâu sắc đây là sự tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đồng thời là trách nhiệm, vinh dự của Hiệp hội, tập thể Lãnh đạo Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần chủ động và quyết tâm cao đã từng bước thực hiện nhiệm vụ được giao một cách bài bản, đồng bộ và có hệ thống.

Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp là một quá trình có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành lâu dài, kiên trì và khoa học, thường xuyên, bài bản và phải được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị, cần quyết liệt hơn nữa, trước hết là nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp vì lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của chính họ và cộng đồng. Vì vậy, Cuộc vận động sẽ được triển khai theo hướng Hiệp hội phối hợp chặt  chẽ với chính quyền các địa phương để phổ biến và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp,đồng thời kết hợp với các ban ngành, các chuyên gia,  nhà quản lý, các hội xã hội – nghề nghiệp tiến hành công tác đào tạo, tập huấn, tư vấn cho các doanh nghiệp, qua đó động viên cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực và hiệu quả vào việc xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Cuộc vận động được triển khai thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai tại các khu vực: Tháng 7/2018 tại Quảng Ninh với 9 tỉnh phía Bắc; Tháng 9/2018 tại Sơn La với 7 tỉnh Tây Bắc; Tháng 11/2018 tại Thừa Thiên- Huế với 17 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; Tháng 4/2019 tại Cần Thơ với 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; Tháng 8/2019 tại Thành phố Hà Nội với 9 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và tháng 10/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh với 8 tỉnh miền Đông Nam bộ. 3 năm qua, Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và Ban Tổ chức 248 đã tập trung thực hiện triển khai Cuộc vận động rộng khắp tại 6 khu vực gồm 63 tỉnh, thành phố, và gần đây nhất tháng 9 năm 2019 đã tổ chức triển khai tại một số nước châu Âu: Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Séc, tham gia Diễn đàn lần thứ 11 của Cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Ba Lan với 13 / 33 nước thuộc khu vực Châu Âu tham gia, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư chào mừng. Sau triển khai tại các khu vực, nhiều địa phương đã tổ chức triển khai Cuộc vận động, tiêu biểu như Thừa Thiên- Huế, Ninh Bình, Hà Nội, Nghệ An…

Đi liền với tổ chức các Hội nghị triển khai tại các khu vực trên cả nước và Châu Âu, đã tổ chức hàng chục hội nghị với sự tham gia của đại diện các hội, hiệp hội ngành nghề, chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, giới truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp… tại các địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Đắk Lắk, Đồng Tháp… để tuyên truyền, giới thiệu về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng phát động, đồng thời lấy ý kiến đóng góp cho Bộ tiêu chí Văn hoá Doanh nghiệp và Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp Văn hoá tiêu biểu”.

Tuy mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng 3 năm qua Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Ban Tổ chức 248 đã nỗ lực cao độ để đặt nền móng vững chắc cho việc triển khai Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nâng tầm nhận thức và hành động

Thực tế cho thấy, trong cuộc vận động này, được cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tham gia tích cực thì việc triển khai sẽ thuận lợi và thành công. Điển hình như Thừa Thiên- Huế, thấy rõ ý nghĩa thiết thực, giá trị cốt lõi của việc Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, UBND tỉnh và Hiệp hội đã kí Kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh bao gồm 5 chương trình với lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể, thành lập Tổ công tác chung, tổ chức hội nghị triển khai với các thành phần là các sở, ban, ngành, hội xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, cuộc vận động này đã tác động rất lớn cả trong nhận thức, cả trong hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chủ doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh. Với các tỉnh, thành phố khác, trong nhận thức và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, của các doanh nhân và doanh nghiệp cũng đã có chuyển biến tích cực. Tại Hội nghị triển khai Cuộc vận động tại các khu vực, lãnh đạo UBND các tỉnh Quảng Ninh, Sơn La, Lào Cai, Cần Thơ, T.p Hồ Chí Minh, Hà Nội, không chỉ nhận rõ sự cần thiết, vai trò quan trọng, tính tất yếu của việc Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, mà đã coi việc chỉ đạo địa phương tổ chức thực hiện Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ như là một mệnh lệnh, một trách nhiệm trước đất nước và nhân dân.

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Sức hấp dẫn và sự lan tỏa của Cuộc vận động không chỉ dừng ở việc triển khai đến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, mà  bắt đầu đã vươn xa hơn tới các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường khẳng định: Bộ Ngoại giao ủng hộ và nhất trí sẽ tích cực vận động cộng đồng doanh nghiệp NVNONN tham gia Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp.

Với lợi thế hiểu các nền văn hóa khác nhau với Văn hóa Doanh nghiệp đa dạng từ khắp các quốc gia trên toàn thế giới, doanh nghiệp NVNONN, nhất là tại các nước phát triển Mỹ, Anh, Australia, Canada, các nước Tây Âu…có thể chia sẻ kinh nghiệm Văn hóa Doanh nghiệp của các nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, doanh nhân theo tinh thần thượng tôn pháp luật, nhấn mạnh đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp và cạnh tranh lành mạnh. Trên tinh thần đó, tháng 9 năm 2019, Hiệp hội và Ban Tổ chức 248 kết hợp với Bộ Ngoại giao đã tham dự và chuyển tải Thông điệp Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp đến với gần 300 đại biểu đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ XI tại Ba Lan và hơn 150 đại biểu doanh nhân Việt kiều tại Cộng hòa Séc. Tại các Diễn đàn này, Hội doanh nghiệp người Việt Nam tại nước ngoài đều đánh giá cao và cam kết đưa Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp vào chính các doanh nghiệp của mình. Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhấn mạnh: “Thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, chúng tôi xin đón nhận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ban Tổ chức 248, sẽ tích cực triển khai Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp đến với cộng đồng người Việt tại Séc.”

Không dừng lại trong nhận thức và sự điều hành của các nhà lãnh đạo, Cuộc vận động đã lan tỏa khá rộng khắp tới các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến khẳng định, văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập, khả năng cạnh tranh. Doanh nhân và doanh nghiệp nào xây dựng và thực hiện tốt Văn hóa Doanh nghiệp, lợi nhuận mang lại sẽ ngày càng lớn, thương hiệu và thị trường ngày càng mở rộng, không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp mình mà còn góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh. “Văn hóa Doanh nghiệp là phần hồn của doanh nghiệp, là hệ thống các giá trị, ý nghĩa, niềm tin chủ đạo, nhận thức, phương pháp tư duy của các nhân viên trong tổ chức, quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp. Việc xây dựng, phát triển Văn hóa Doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, hướng mọi thành viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết, tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài, cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững”. (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh).

Thực hiện Cuộc vận động, cần lắm sự vào cuộc của cả xã hội và người dân

Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp chính là xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Văn hóa Doanh nghiệp phù hợp sẽ định hướng sự phát triển của doanh nghiệp, hướng mọi thành viên vào mục tiêu chung. Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp mới triển khai được 3 năm, nhưng sự lan tỏa và sức hấp dẫn của nó là không thể phủ nhận. Dẫu biết rằng, Cuộc vận động là cả một quá trình, bền bỉ và kiên nhẫn, song ngoài sự nỗ lực của Hiệp hội và Ban tổ chức 248, rất cần sự vào cuộc thực sự của các bộ, ngành, địa phương, của toàn xã hội và người dân, nhất là từng doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, Ban Tổ chức 248 trên cơ sở tập hợp các ý kiến, cần đề xuất với Chính phủ có cơ chế, chính sách mạnh mẽ tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy việc XDVHDN và Cuộc vận động, lan tỏa ngày càng sâu, rộng với mục đích xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và phát huy hơn nữa giá trị bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa ở thế kỷ XXI.

Phạm Ngọc Quốc

10:31:48 08-11-2019

VHDN: Từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Ngày 10 tháng 11 năm 2016, tại Lễ phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, theo Quyết định số 1846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Đây là […]

Đối tác của chúng tôi