Sự kiện - chuyên đề:

T.S Dương Văn Thắng: Người đưa chính sách an sinh vào ca cổ phương Nam

VHDN: T.S Dương Văn Thắng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bến Tre, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí BHXH, Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Chủ tịch Hội CCB cơ quan BHXH Việt Nam, người không chỉ làm tốt công tác quản lý, phát triển sự nghiệp của ngành, ông còn tham gia sáng tác nhiều bài thơ, câu đối, bài hát được phổ biến trên các phương tiện truyền thông, có sức lan tỏa sâu rộng tới công chúng.

 

Những điểm tựa nuôi dưỡng tâm hồn

Dương Văn Thắng sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hưng Yên văn hiến. Truyền thống quê hương và gia đình, mảnh đất và con người nơi đây là nguồn cội nuôi dưỡng tuổi thơ ông. Quê hương chính là nơi đã đắp bồi nên tính cách, tình yêu và những cảm hứng trong các sáng tác của ông về cuộc sống và sự nghiệp.

Ông Dương Văn Thắng đang thực hiện ghi hình bài vọng cổ “Thỏa nguyện an sinh”.

Từng làm Tổng Biên tập gần 20 năm, tháng 7 năm 2019 ông được điều động về làm Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre với nhiệm vụ rất khác so với nghề báo. Công việc của BHXH ở tỉnh nhiều lĩnh vực hơn, các chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tất cả đều liên quan đến con người. Khối lượng công việc thật bộn bề, lại hết sức nhạy cảm. Nhưng với bản lĩnh của người lính, với quyết tâm của người đứng đầu, ông lao vào việc với tâm thế chủ động và sự cống hiến. Ông bảo chính trong cái bộn bề của công việc đã cho mình cảm hứng và sự sáng tạo để làm nên những tác phẩm thơ ca, những bài hát về tình yêu quê hương đất nước, nhất là về lĩnh vực an sinh xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng.

Phát huy giá trị văn hóa vùng miền

Là người có nhiều thâm niên trong ngành, ông am hiểu khá tường tận về chính sách, về những việc của cơ quan phục vụ Nhân dân, vì vậy trong mỗi công việc đều được ông “hóa giải” một cách linh hoạt và sáng tạo. Nhận thấy các phương pháp truyền thông chính sách BHXH, BHYT đã từng sử dụng tuy có hiệu quả, nhưng vẫn khô khan, cứng nhắc, ông đã mạnh dạn đưa ra sáng kiến: “Sáng tác và biểu diễn bài vọng cổ “Thỏa nguyện an sinh” để truyền thông, vận động phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”.

Nghĩ vậy và làm vậy, ông lao vào sáng tác với tâm trí của người trong cuộc, với đích đến là sáng tác của mình phải là sáng kiến phát huy giá trị văn hóa vùng miền gắn với chính sách BHXH, BHYT. Thấu hiểu mảnh đất miền Tây mênh mang sông nước và con người đầy chất phóng túng, nổi danh với những làn điệu vọng cổ, ông đã sử dụng nghệ thuật đàn ca tài tử Nam Bộ để chuyển tải thông điệp cần thiết về chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo công chúng; để người dân thấu hiểu thông qua sự cảm nhận của chính loại hình vọng cổ quen thuộc. Từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và đi đến quyết định tham gia BHXH, BHYT, nâng cao diện bao phủ BHXH, BHYT. Và chỉ sau một thời gian, bài vọng cổ đã thu hút đông đảo người dân tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT. Sáng kiến này của ông được công nhận cấp ngành.

Sáng tạo, độc đáo, hiệu quả

Bằng việc tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kỹ năng sáng tác nghệ thuật đàn ca tài tử Nam Bộ nói chung và cách thức sáng tác bài ca Vọng cổ nói riêng, tác giả Dương Văn Thắng đã lựa chọn điệu Lý Con sáo để dẫn dắt câu chuyện về sự ra đời của chính sách BHYT; sau đó sử dụng 2 câu vọng cổ (1 và 2) để khái quát mục đích, ý nghĩa, lợi ích, tính ưu việt, giá trị nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT. Tiếp theo, tác giả sử dụng nghệ thuật Nói lối và điệu Lý Chiều chiều ngợi ca chính sách an sinh xã hội, trong đó trụ cột chính quan trọng là BHXH và BHYT. Đặc biệt, để nhấn mạnh, tạo ấn tượng sâu sắc, đi sâu vào lòng người, tác giả viết 2 câu vọng cổ (4 và 5) khái quát mục đích, ý nghĩa nhân văn cao đẹp của chính sách BHXH tự nguyện: “Ta vui hơn, chính sách an sinh ngày thêm rộng mở, hãy tự nguyện tham gia để tuổi già có lương hưu trí, BHXH toàn dân chân lý sáng vô ngần”…

Ông Dương Văn Thắng (bên trái) trao tặng tiền ủng hộ mua BHYT cho hộ cận nghèo tỉnh Bến Tre.

Bài vọng cổ lấy bối cảnh đất nước giai đoạn bắt đầu công cuộc đổi mới, xóa bỏ bao cấp, nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân: “Nhớ năm nao, khó khăn đói nghèo gieo neo, lâm cảnh nghèo đau ốm gian nan, vòng luẩn quẩn miên man…”. Để thoát khỏi cảnh bần cùng ấy, “Đảng soi đường quyết tâm đổi mới…” như mở ra hướng đi mới cho người dân; đây cũng là “Ý Đảng lòng dân xây đắp một lộ trình…”. Lộ trình đó bắt đầu từ việc vận động người dân tham gia BHYT và “Cái khó nhất bắt đầu từ nhận thức, bởi nếp cũ dễ gì một lúc đổi thay…”. Nhưng, bằng sự quyết tâm chính trị, đồng lòng của người dân, chính sách “BHYT từng bước đi lên, bền chặt lòng dân tin yêu theo Đảng…”.

Sự lan tỏa

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân; mở rộng gói an sinh, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng với chính sách BHXH tự nguyện, được ví như: “Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn” và thật sự “Sung sướng nào hơn tuổi già không lận đận, cuộc sống an sinh viên mãn yên bình”… Đó cũng là mục tiêu của tỉnh Bến Tre cùng cả nước hướng đến lộ trình BHXH toàn dân. Bài vọng cổ “Thỏa nguyện an sinh” được ghi âm, ghi hình và truyền thông rộng rãi, lan toả.

Tác phẩm ca cổ “Thỏa nguyện an sinh” đã được Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre ghi hình, phát sóng tháng 6/2023. BHXH tỉnh Bến Tre đã có văn bản thông báo để BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng đón xem; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre dàn dựng, sản xuất Video Clip công chiếu trên nền tảng Youtobe từ ngày 9/6/2023 đã có hàng ngàn người truy cập, đón xem. Sau khi tác phẩm được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, một số BHXH tỉnh đã liên hệ xin được cung cấp để sử dụng cho công tác truyền thông trên địa bàn. Đầu năm 2024, tất cả các trang thông tin điện tử của 14 sở, ban, ngành liên quan của tỉnh đồng loạt đăng tải giới thiệu bài ca cổ này tới các đối tượng của riêng mình.

Bài Vọng cổ độc đáo này, được Cụm Thi đua số 9 (khu vực Bắc sông Tiền) bố trí để chính tác giả trình bày trực tiếp, nhằm nhân rộng sáng kiến áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; tại Hội nghị chuyên đề “Giải pháp Truyền thông phát triền BHXH tự nguyện khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” do BHXH tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức, bài Vọng cổ đã được Đoàn Cải lương Bến Tre kết hợp với BHXH tỉnh biểu diễn thành công, được đại biểu tham dự nhiệt liệt cổ vũ, đón nghe. Hiện nay tại tỉnh Bến Tre bài Vọng cổ còn được sử dụng hiệu quả tại các hội nghị truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT để người dân vừa được thưởng thức văn hóa tinh thần vừa được tìm hiểu về chính sách an sinh xã hội (sử dụng tại gần 40 hội nghị với trên 3.000 người tham dự). Các hình thức truyền thông trên đã thu hút đông đảo người dân quan tâm, họ nhớ, hiểu và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.

Đây là hình thức truyền thông đặc biệt đầu tiên được áp dụng ở tỉnh Bến Tre nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung thông qua việc cán bộ BHXH trực tiếp sáng tác và biểu diễn bài vọng cổ “Thỏa nguyện an sinh”. Đây cũng là cách truyền thông mới, đem lại hiệu quả mới trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT…

 

Ngọc Châu

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2024)

11:11:42 10-05-2024

VHDN: T.S Dương Văn Thắng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bến Tre, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí BHXH, Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Chủ tịch Hội CCB cơ quan BHXH Việt Nam, người không chỉ làm tốt công tác quản lý, phát triển sự nghiệp của […]

Đối tác của chúng tôi