Sự kiện - chuyên đề:

Tầm quan trọng của phát triển văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam

VHDN: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, văn hóa doanh nghiệp đã trở thành yếu tố quyết định ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động nội bộ và hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, phát triển văn hóa doanh nghiệp không chỉ giúp nâng cao hiệu suất lao động mà còn góp phần tạo ra môi trường làm việc tích cực và sáng tạo.

 

Trước khi đi vào tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp của Google – một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến mà còn với văn hóa doanh nghiệp độc đáo và tiên phong. Văn hóa này không chỉ là nền tảng cho thành công của Google mà còn là nguồn động viên, cảm hứng và hướng dẫn cho hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu. Google đã xác định một sứ mệnh rõ ràng từ khi thành lập: “Tổ chức và biến thông tin của thế giới trở nên hữu ích và dễ tiếp cận mọi người”. Sứ mệnh này không chỉ là một lời tuyên bố mà còn là động lực cốt lõi đằng sau mỗi quyết định và hành động của Google. Công ty không ngừng nỗ lực để mang lại lợi ích tối đa cho người dùng thông qua các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và dễ sử dụng.

Google đặt ra một loạt các giá trị cốt lõi, những nguyên tắc mà mọi nhân viên đều tuân thủ và thực hiện trong công việc hàng ngày. Các giá trị này bao gồm:

Tập trung vào người dùng: Google luôn đặt người dùng lên hàng đầu và không ngừng cải tiến các sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của họ.

Sự sáng tạo: Google khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Nhân viên được khuyến khích nghĩ ra những ý tưởng mới và sẵn sàng ứng biến linh hoạt với những thay đổi, thách thức liên tục trong ngành công nghệ toàn cầu.

Tư duy thấu hiểu: Google tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng trong tư duy và quan điểm, khuyến khích sự phát triển và hỗ trợ môi trường làm việc bao gồm nhiều quan điểm khác nhau.

Chú trọng vào sự cống hiến: Google đánh giá cao sự cống hiến và cam kết của nhân viên đối với mục tiêu và sứ mệnh của công ty.

Trách nhiệm xã hội: Google hỗ trợ các hoạt động xã hội và cam kết đóng góp vào cộng đồng và xã hội.

Google nổi tiếng với một phong cách làm việc độc đáo và tiên tiến. Công ty tạo ra một môi trường làm việc thoải mái và sáng tạo, khuyến khích sự độc lập và tự chủ của nhân viên. Google cũng hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa và các dự án tự do để nhân viên có thể phát triển kĩ năng và sáng tạo của họ. Ngoài ra, Google cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa như ngày hội, buổi tiệc và các hoạt động team-building để tạo ra một cảm giác gắn kết và đoàn kết giữa các nhân viên.

Từ ví dụ trên cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của phát triển doanh nghiệp tại các doanh nghiệp quốc tế và ứng dụng vào doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chúng ta cùng phân tích về tầm quan trọng cũng như những cách thức để xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đầu tiên, văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp gia tăng sự gắn kết và động lực của nhân viên. Văn hóa doanh nghiệp tích cực giúp tạo ra môi trường làm việc mà nhân viên cảm thấy gắn kết, trung thành và tự hào về công ty. Sự gắn kết này không chỉ giúp giảm tỉ lệ nghỉ việc mà còn tăng năng suất lao động. Khi nhân viên cảm thấy được tôn trọng và có cơ hội phát triển, họ sẽ có động lực làm việc và đóng góp tích cực hơn. Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Vingroup. Với việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, Vingroup đã tạo động lực cho nhân viên cống hiến và đổi mới, dẫn đến nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như bất động sản, y tế và giáo dục, công nghiệp, công nghệ… Theo báo cáo nội bộ của Vingroup, sự gắn kết và hài lòng của nhân viên đã tăng đáng kể sau khi áp dụng các chính sách văn hóa doanh nghiệp mới. Chính điều này, góp một phần không nhỏ để tạo nên doanh nghiệp “kì lân” của Việt Nam trong thời kì đổi mới.

Thứ hai, đó chính là nâng cao hiệu quả làm việc và sự sáng tạo của nhân viên. Môi trường làm việc thân thiện và cởi mở khuyến khích nhân viên hợp tác, chia sẻ thông tin và làm việc hiệu quả hơn. Một nghiên cứu của PwC cho thấy các doanh nghiệp có văn hóa tích cực thường có năng suất lao động cao hơn 20% so với các doanh nghiệp khác. Văn hóa doanh nghiệp khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới giúp nhân viên có cơ hội thử nghiệm các ý tưởng mới, từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến cho công việc. Công ty FPT là một ví dụ tiêu biểu, tập đoàn FPT đã đào tạo ra những lãnh đạo và những kĩ sư vô cùng xuất sắc, đóng góp rất nhiều giá trị trong quá trình phát triển. FPT đã thành công trong việc thúc đẩy sáng tạo thông qua các chương trình khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Nhờ đó, FPT đã phát triển nhiều sản phẩm công nghệ tiên tiến và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam và đã vươn tầm quốc tế.

Thứ ba, không thể không phủ nhận, văn hóa doanh nghiệp mạnh giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng. Điều này giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp như Viettel và Vinamilk đã chứng minh rằng văn hóa doanh nghiệp tích cực có thể dẫn đến thành công lớn trên thị trường quốc tế. Viettel, với văn hóa doanh nghiệp chú trọng đến sự đổi mới và tinh thần kỉ luật cao, đã mở rộng hoạt động ra nhiều quốc gia và trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới. Tương tự, Vinamilk đã xây dựng một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ nhờ vào văn hóa doanh nghiệp đề cao chất lượng sản phẩm và trách nhiệm xã hội, giúp công ty này không chỉ giữ vững thị phần trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu ra nhiều thị trường quốc tế.

Thứ tư, chính là giúp doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng. Công ty Vinamilk là một ví dụ điển hình về việc áp dụng văn hóa doanh nghiệp bền vững, với các chương trình bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Vinamilk đã triển khai nhiều chương trình bảo vệ môi trường như giảm thiểu sử dụng nhựa, xử lí nước thải và tái chế chất thải. Ngoài ra, công ty còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội như hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển nông thôn mới.

Những hoạt động này không chỉ giúp Vinamilk xây dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện với môi trường và xã hội mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của công ty. Cuối cùng, đây là lợi thế vô cùng quan trọng đó chính là thích ứng với thay đổi. Văn hóa doanh nghiệp linh hoạt giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng và vượt qua các thay đổi và thách thức. Các doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng văn hóa của từng doanh nghiệp, lấy nội lực và nền tảng trong nội bộ sẵn có để vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của mọi tổ chức, ảnh hưởng đến cách thức làm việc, tinh thần đội ngũ và thành công tổng thể của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, việc phát triển văn hóa doanh nghiệp đang trở thành một yếu tố quyết định sức cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Để phát triển mạnh mẽ văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, với thực trạng hiện tại cần đưa ra những giải pháp phù hợp và thực tế, dễ áp dụng với các doanh nghiệp trong nước như xác định sứ mệnh và tầm nhìn của mình. Sứ mệnh trả lời câu hỏi “Chúng ta tồn tại để làm gì?”, còn tầm nhìn trả lời câu hỏi “Chúng ta muốn đạt được điều gì?”. Ngoài ra, cần chương trình đào tạo liên tục, xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân, mỗi nhân viên nên có một kế hoạch phát triển cá nhân rõ ràng, bao gồm các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cùng với các bước thực hiện cụ thể.

Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu suất minh bạch và công bằng để nhân viên biết rõ tiêu chí đánh giá và cơ hội thăng tiến. Nhân viên cần được thưởng xứng đáng và công nhận kịp thời các thành tích để khuyến khích họ tiếp tục phấn đấu và cống hiến. Cần thiết lập các quy định và chế tài rõ ràng để xử lí các vi phạm nội quy, bảo đảm tính công bằng và kỉ luật trong doanh nghiệp.

Và quan trọng nhất trong chiến lược phát triển văn hóa đó chính là lãnh đạo doanh nghiệp cần làm gương trong việc thực hiện các giá trị cốt lõi. Hành động và thái độ của lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và tinh thần làm việc của nhân viên. Bảo đảm rằng các nhà lãnh đạo và quản lí được đào tạo để hiểu rõ và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp trong mọi hoạt động.

 

Phát triển văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam là một yếu tố thiết yếu giúp các doanh nghiệp tăng cường sự gắn kết nhân viên, nâng cao hiệu quả làm việc, cải thiện khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Việc chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp đạt được sự thành công trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh và biến đổi.

 

Nguyễn Thị Hồng Thắm

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2024)

15:26:02 13-06-2024

VHDN: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, văn hóa doanh nghiệp đã trở thành yếu tố quyết định ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động nội bộ và hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, phát triển […]

Đối tác của chúng tôi