Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sau 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP tại tỉnh Bạc Liêu đã góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, Bạc Liêu đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.
Nhằm tăng cường kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP giúp nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố năm 2024.
Hội nghị là dịp để kết nối giữa các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đầu mối, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh với các chủ thể OCOP của tỉnh Bạc Liêu, nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển và mở rộng đến với thị trường các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và cả nước, hướng đến xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hội nghị là cơ hội để giới thiệu về hình ảnh quê hương đất nước và con người Bạc Liêu; thúc đẩy thương mại nội địa, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường sự giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hóa, tiềm năng thế mạnh, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và một số sản phẩm đặc sản vùng miền để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và mời gọi đầu tư…
Theo ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương.
Đồng thời phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân…
Liên quan đến các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Trong hai năm 2023 – 2024, Sở Công Thương đã thực hiện tốt công tác ký kết hợp tác giữa Sở với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và tỉnh Ninh Bình… với các nội dung: Trao đổi thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương với nhau.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng internet, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Bạc Liêu (sàn TMĐT) và giao Sở Công Thương quản lý, vận hành. Hoạt động của sàn TMĐT Bạc Liêu thời gian đã từng bước được phát triển. Hiện đã có hơn 200 sản phẩm của 85 thành viên, được giới thiệu, quảng bá trên sàn, thành viên của sàn chủ yếu là các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể OCOP của tỉnh.
Ngoài ra sàn TMĐT Bạc Liêu còn thực hiện liên kết với sàn TMĐT các tỉnh thành phố: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An… và một số tỉnh phía Bắc, góp phần đưa thông tin, hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh giới thiệu đến khách hàng cả nước.
Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có 148 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 32 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 116 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, cho 69 chủ thể OCOP, 2 sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Với lợi thế có 3 vùng sản xuất mặn, ngọt, lợ nên các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu khá phong phú và đa dạng.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Pháp luật
Việc kết nối cung cầu sản phẩm OCOP không chỉ giúp phát triển kinh tế bền vững mà còn nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản của tỉnh Bạc Liêu. Qua đó xây dựng hình ảnh và thương hiệu các sản phẩm OCOP Bạc Liêu để du khách trong, ngoài tỉnh biết đến […]