Sự kiện - chuyên đề:

Tập thơ “Nơi ấy quê mình” và nỗi lòng những người con xa quê

VHDN: Tập thơ “Nơi ấy quê mình” gồm hơn 100 bài thơ của nhiều tác giả, là những người con quê hương huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, họ đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản. Đọc các bài được in mới hay, chủ yếu là tác phẩm của các “nhà thơ” không chuyên. Vì yêu thơ, nên họ làm thơ từ trái tim. Bởi vậy, có lẽ hai từ “Quê hương” là một trong những động lực đã giúp họ có được cảm xúc để viết ra những bài thơ chất chứa niềm ưu tư và những lắng đọng của những kỉ niệm, những ước vọng và những khát khao về quê mình, đã giúp tập thơ ra đời, được bạn đọc gần xa trân trọng và chia sẻ.

Đọc “Nơi ấy quê mình”, có nhiều đề tài của cuộc sống hiện lên trong đó. Tuy giới hạn “hẹp”, chỉ khống chế bài gửi về là nơi các tác giả sinh ra ở Vĩnh Bảo, nhưng nó “mở” bởi bài viết không nhất thiết phải nói về Vĩnh Bảo. Nhìn chung tập thơ đã khắc họa được cái hỉ, nộ, ái, ố của mỗi góc cạnh, mỗi mảnh đời, nhưng toát lên vẫn là tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi, yêu gia đình và biết hài lòng với cuộc sống xa quê. Cách diễn đạt chân thực, phóng khoáng, không bóng bẩy, nhào nặn bởi câu chữ và ngôn ngữ hay cú pháp. Hình ảnh thiên nhiên, quê hương, đất nước con người hiển hiện thường trực trong các bài thơ. Tuy mộc mạc, nhưng chân tình, nghe như một lời tự sự:

Vũ Văn Cầu là một sĩ quan trong ngành công an, những năm tháng còn công tác anh không có điều kiện để thả hồn theo thơ. Khi về hưu thấy thơ anh bắt đầu xuất hiện trước độc giả yêu thơ. Tôi động viên rất nhiều anh mới gửi vài bài cho tập. Anh có tài dùng hình ảnh thực để miêu tả cái siêu; anh viết về tiếng chuông chùa, mà đọc nghe cứ thấy có cái gì đó man mác, mênh mông:

Nhớ ngôi chùa ở đầu thôn 

Mỗi chiều buông xuống tiếng chuông lay lòng

Hóp, Xi, Bi, Gạo, Nả, Dông / Sáu làng thành một cộng đồng quê hương…

“Hiệp Hòa quê tôi” – Vũ Văn Cầu

Tác giả Vũ Bình có bài thơ rất hay viết về bến sông, con đò. Lồng vào đó một mối tình đầu quặn thắt lòng vì bao năm tháng xa quê, nay trở lại thì người con gái ấy đã sang sông:

Trên bến sông xưa tôi về thăm/ Nước sao hoang lặng cỏ không xanh Con đò bỏ bến trơ vơ vắng/ Chim sáo bay đi chốn đất lành.“Lỡ bến đò tình” -Vũ Bình

Vũ Thụy, thơ anh không đẽo gọt, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, nó nhẹ nhàng sâu lắng; nó trăn trở, ý vị nhưng trong sáng, ngọt ngào. Tôi thích ngôn từ trong thơ anh, nhất là dùng cho tình yêu đôi lứa, khi đi xa, mỗi người đều mang trong lòng mình nỗi niềm nhớ quê hương, nhớ gia đình và bạn bè, đặc biệt, khi xa quê với muôn trùng cách trở. Tác giả Vũ Thụy cùng mang tâm trạng của người con nhớ về mẹ trong những năm tháng chiến tranh, về những ngày gian khó. Lời thơ được đưa ra trong tâm trạng hoài niệm từ viễn xứ xa xôi, bao kỷ niệm về mẹ đã hiện về, và rồi nước mắt cứ vậy âm thầm tuôn rơi. Và phút chia tay bịn rịn này đã đeo bám theo suốt cả quãng đời người lính:

Sông xưa lấm láp phù sa/ Bến đò con đợi chợ xa mẹ về.

Hay: Mẹ đem chăn áo ra phơi/ Giặm khe hở liếp to trời chuyển giông”.

Nguyễn Nghiêm – thơ Anh không ưa ồn ã. Ở trong cái thing lặng giữa hai bờ chênh chao, anh viết lên những câu thơ sâu đằm thắm mà dữ dội, lắng dịu mà cồn cào, tột cùng sáng tạo. Rất nhiều bài trong tập thơ nói về nỗi nhớ quê. Nhưng bài “Thơ tôi” là bài thơ hay trong tập. Tác giả gói tất cả những hình ảnh quê, bóng mẹ, tuổi thơ…bằng hình ảnh động, dùng ngôn từ khá đắt, giàu hình tượng để vẽ lên một bức tranh quê:

Thơ tôi sương trắng chân đê/ Rụng nghiêng hoa gạo, cuối mùa mưa giăng,

Thơ tôi thấp thỏm hội làng/ Hoa chanh, hoa bưởi rộn ràng yếm ai…

Hoài niệm về tuổi thơ, tuổi cắp sách đến trường đầy gian khó:

Thơ tôi phấn bụi tóc thầy/ Mũ rơm đến lớp những ngày cháo rau…

Để rồi, mấy chục năm sau khi có dịp quay trở lại chốn xưa, bỗng bồi hồi nhớ lại cảnh xưa. Phút chốc kỷ niệm tuổi thanh xuân hiện về, rõ mồn một từ con đường, từ gốc cây, hoa bưởi. Rồi giật mình với hiện tại than trách phận mình với nàng thơ:

Thơ tôi tỉnh tỉnh say say/ Thắt vào dâu bể mỏng dày thế gian

Thơ tôi kẽo kẹt nợ nần / Nợ con, nợ vợ, nợ thân phận mình.

“Thơ tôi” – Nguyễn Nghiêm

Phạm Thị Cúc Vàng nghe tên đã thấy thơ rồi. Chị là người con của Hải Phòng, rất yêu thơ, tham gia nhiều câu lạc bộ thơ ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy sống ở nơi đất khách, nhưng với tâm hồn và nhiệt huyết văn thơ. Nhân dịp ra tập thơ này, chị tìm được nguồn cảm hứng viết rất nhanh, tới mười mấy bài gửi tới BBT để chia sẻ cùng bạn đọc. Trong tập thơ này có bài viết về những trăn trở, những thổn thức:

Trong vắng lặng ngước tìm mãi ngọn Sao quen/Nhấp nháy giữa khuya Sao ước hẹn điều gì/ Mà rồi đánh thức cho hồn thơ chợt dậy/ Mê mải thơ tìm đối tượng để trao đi…

“Làm sao quên trái tim mười sáu” – Phạm Thị Cúc Vàng

Nguyễn Văn Thanh viết rất khỏe. Có lần tôi nói với anh, trong một tập thơ, nhà thơ không viết về tình yêu thì khi đọc tập thơ đấy bạn đọc sẽ thấy thiếu mất ngọn lửa yêu, đó chính là chất xúc tác để người viết và người đọc xích lại gần nhau. Trong tập thơ này chủ yếu anh viết về tình yêu. Tình yêu ấy ngời lên trong các bài nói về thiên nhiên nơi quê nhà, thiên nhiên nơi mảnh đất hơn 20 năm anh đã gắn bó. Tình yêu đấy chính là những gì cuộc sống ban tặng bằng những giao lưu gặp gỡ, những vũ điệu nhảy uyển chuyển đến say đắm lòng người. Điều này cũng là cảm hứng giúp nhà thơ thổi nhạc vào thơ. Các bài: Thời gian trôi, Với thu…, Tháng 4 quê tôi…

          Thời gian để lặng lẽ trôi/Bây giờ nuối tiếc tìm thời xuân xưa?

          Rủ nhau đánh dậm dầm mưa / Nước sông vục uống cơm trưa giữa đồng…

          Hay hình ảnh:

          Em ru tôi đến cạn lời. Xanh trong màu nhớ cuối trời vẫn xanh…

“Thời gian trôi – Nghe em hát” – Nguyễn Văn Thanh

Đỗ Thị Tuyết (Nàng dâu của Vĩnh Bảo) Bài thơ: “Sapa” là một trong những bài thơ hay. Bức tranh thu Sapa đẹp như chốn thiên đàng, bởi vì trong đó có lá vàng rơi, có gió mùa hè mơn man làn tóc, có mây lang thang, có mưa nhè nhẹ. Tác giả thả hồn theo gió, vào thiên nhiên hùng vĩ đó:

Sapa phong cảnh tuyệt vời / Trời se se lạnh, mây thời đan mây…

Hay: Đỉnh Fan hùng vĩ mê ly / Vút cao ngạo nghễ diệu kì trong mây

Chợ tình phiên họp cuối ngày /Tiếng khèn réo rắt, ngất ngây gọi lòng…

“Sa Pa” – Đỗ Thị Tuyết

Phạm Trung Tín đã được định danh trên văn đàn, có nghĩa là anh đã có thẻ xanh trong làng văn. Tập này có nhiều bài hay như “Hội xuân”, viết theo thể thơ lục bát. Cách trình bày ngắt quãng, xuống dòng giữa từng câu chữ, tạo cho người đọc cảm nhận được cái mới. Bài thơ mô tả về một hội xuân, cảm xúc hết sức táo bạo, bằng cách dùng từ. Vì thế bài này trở lên rất hay và đầy sức sáng tạo linh động trong diễn đạt thơ:

Hoa khép nhụy / Lộc biếc chồi / Mưa xuân giăng lạnh / Bồi hồi nguyên tiêu…

Bay bay bâu trắng yếm điều / Em ngân / Xao xuyến khúc chiều hội lim

Hay như: Thương ai con mắt lim dim / Mà thao thức /Nỗi khuất chìm trong ta.

“Hội xuân” – Phạm Trung Tín

Nguyễn Xuân Môn, thơ của anh nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, giản dị nhưng thấm thía. Ngôn từ trong lục bát được anh dùng rất tinh tế, anh có vốn sống tương đối phong phú, những từ ngữ chân quê của đời thường từ xa xưa anh vẫn nhớ để khai thác. Cái hay, cái giỏi của thi ca là thế. Những bài thơ của anh thường nhẹ và dịu, cả nỗi buồn hay niềm vui đều mang đến người đọc cái cảm giác ấy. Một cảm giác được an trú trong thơ anh mà không phải chạnh lòng hay đau nhói. Anh viết về tuổi thơ, chợ quê, dòng sông…thậm chí cả hàng xáo. Lời thơ mộc mạc mang chất liệu ca dao được sử dụng đến tài tình:

Mua chê rốc ốm tép riu / Bán-quần áo vẫn chưa thiu bùn nồng…

Hay: Mái tranh che vội dột nghèo / Mảnh quê rế rách khó đèo bòng niêu…

“Chợ quê xưa – quê tôi” – Nguyễn Xuân Môn

Phạm Văn Dinh là một bác sĩ không chuyên làm thơ. Nhưng trong các bài viết này tôi không thể nói hết cảm nhận của riêng mình về những bài thơ nào hay cùng bạn đọc. Có những “bài thơ rất đời thường” của tác giả tuy chưa đạt tới đỉnh của thi từ, nhưng lồng trong đó cũng thấy cái hay, cái vui, cái nhộn của cuộc sống thường nhật. Các bài thơ như thể vừa muốn giải tỏa mệt mỏi của cuộc sống, vừa níu kéo tuổi cao quay trở lại:

Tuổi đời đang độ thu tàn /Trái tim trí tuệ vẫn còn thanh tao / Sớm thể dục chiều thể thao / Tốt vui văn nghệ nâng cao tinh thần / Ngày ngày con cháu quây quần/ Hưu mà như thế, thần tiên cõi trần.     

Nghỉ Hưu” – Phạm Văn Dinh

Đặng Minh Đức thường sáng tác với những bài thơ mô tả cuộc sống hàng ngày như thế, cũng vẽ lên chân dung tác giả luôn vui cười và biết tự an ủi mình khi gặp chuyện không vui. Nhiều khi tạo ra lời phân trần dễ thương vừa như thanh minh, vừa như nhắn nhủ để được san sẻ yêu thương:

Lụ khụ / Các cụ chơi thơ / Khề khà ngôn tự / Bạc phơ mái đầu / Xưa từng đèo dốc song sâu / Nay vẫn con chữ / Mà đau hết người / Chuyện đời muốn khóc muốn cười / Muốn vui mà mắt cứ rơi giọt buồn…

“Các cụ chơi thơ” – Đặng Minh Đức

Trần Nam Chinh hồi này viết tiến bộ nhiều. Đọc những bài thơ tình anh viết thật dễ thương và không thiếu những đam mê day dứt. Từ những bài thơ tình lãng mạn của một thời trai trẻ, đến những kỉ niệm xa xôi của thời bận rộn áo cơm và hiện tại với những ưu tư khắc khoải, nhớ nhung day dứt về quê hương:

Những con đường / Trời mưa trơn / Ngày xưa không còn nữa / Chiếc áo tơi

Nắng sờn vai / Treo trước cửa giờ đâu?

Hay câu: / Xa quê những tháng năm ròng / Biết ai còn nhớ, còn trông còn chờ

Bao giờ cho đến bao giờ / Tương tư mãi với tuổi thơ học trò…

“Kí ức về quê – Nẻo về” – Trần Nam Chinh

Phạm Doãn Thắng – Anh là người bạn lớn tuổi hơn tôi nhưng cùng đồng hành với tôi về nghề viết báo. Thơ anh đọc kĩ, ngẫm nghĩ thấy hay bởi thơ của anh không phải thơ thiền, hay thơ cổ mà là những vần thơ mộc mạc, đơn sơ nhưng đậm chất dân gian của làn chèo, điệu ví, lời ru của mẹ. Với cách dùng “Thi từ” đơn giản, trong sáng mà vẫn giữ được vẻ cương trực, hướng về chân-thiện-mĩ:

Ngày xuân qua bến Nam Cường / Em xinh tươi thế, tôi thương phận mình

Tương tư – bệnh kẻ si tình / Riêng tôi đau một bóng hình trong mơ.

                            (Vô đề ) – Phạm Doãn Thắng

Đặng Quang Trung là người miền Nam nhưng rất yêu quê hương Vĩnh Bảo, tất nhiên mọi việc đều bởi cái nhân duyên. Mối thân tình đặc biệt này đã đưa anh đến Vĩnh Bảo như nơi quê hương thứ hai. Anh gửi bài đến chậm. Tôi đọc hơi kĩ, thấy hình như cái hồn trong thơ anh không được vui, nó buồn đến cô liêu. Nhưng dù là thơ thế sự hay thơ tình cảm lãng mạn thì vẫn thấm đẫm chất hào sảng, phóng khoáng như nét đặc trưng của người Nam bộ. Một buổi uống rượu ở đâu đó, một lần chơi đàn, một lần nghe ca vọng cổ, một nỗi nhớ bạn, một lời nhắn nhủ đến người thương:

Cô đơn ôm nỗi tuyệt tình / Đời chia hai ngả chúng mình cách ngăn

Đêm nay tâm sự với đàn / Dây chùng phím lạc, trăng tàn chưa nguôi…

“Hồi tưởng” – Đặng Quang Trung

Đỗ Đăng Bình – người bạn thời còn chăn trâu cắt cỏ với tôi. Đọc thấy trong thơ anh vẫn có cái gì đó mang nỗi buồn man mác, nhưng không bi lụy mà dấu chất ái tình lãng mạn. Ở đấy câu từ cứ quấn chặt lấy, cái màu tím xa xăm của chiều hoàng hôn. Nơi đó tình yêu, hạnh phúc và khổ đau đan tình quyện ái với nhau. Có thể anh dùng thơ để chuyển hóa những nỗi đau, là sự trị liệu tinh thần:

Thờ thẫn dưới chiều tím mộng mơ / Chờ người lỡ hẹn tím câu thơ

Đồng hoang tim tím vàng thương nhớ / Bãi cỏ xanh xanh tím đợi chờ…

“Chiều tím” – Đỗ Đăng Bình

Khép lại một tập thơ với 16 tác giả Câu lạc bộ thơ Vĩnh Bảo Trời Nam, những gì chưa thể cùng bạn đọc cảm nhận hết vẫn còn chờ bạn đọc chia sẻ. Mỗi người đọc có một cảm xúc riêng. Nhưng phần lớn các bài trong đây đậm chất thơ. Trong đó chứa đựng tất cả những suy tư: có chút vô tư, chút cam chịu và lòng vị tha để có những cảm xúc lãng mạn với đời. Có bài viết như chỉ dành cho riêng tác giả, cũng rất nhiều bài viết vì người khác, về những mảnh đời, những nhân tình thế thái. Trong đấy tràn đầy những yêu thương, luyến tiếc, nhất là các bài thơ viết về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình, như mở ra cho những ai yêu thơ thấu hiểu nỗi lòng của những người con của quê hương Vĩnh Bảo, khát khao tình yêu quê hương, tình yêu gia đình và tình yêu cuộc sống… Chúc các nhà thơ có nhiều sức khỏe và tiếp tục có những bài thơ hay để vui cùng bạn đọc yêu thơ. Tuy nhiên tập thơ nhiều tác giả còn nhiều khiếm khuyết, rất mong bạn đọc cùng chia sẻ.

Luật gia – Nhà báo Nguyễn Văn Mạnh

14:30:57 10-04-2019

VHDN: Tập thơ “Nơi ấy quê mình” gồm hơn 100 bài thơ của nhiều tác giả, là những người con quê hương huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, họ đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản. Đọc các […]

Đối tác của chúng tôi