Yên Bái là tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, nằm ở giữa vùng Tây Bắc và Đông Bắc, tổng diện tích đất tự nhiên 6.882 km2, dân số trên 83 vạn người với trên 30 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc thiểu số chiếm 54%). Trình độ dân trí chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp. Nhận rõ những khó khăn của địa phương, BHXH tỉnh luôn xác định phải tập trung cho công tác tuyên truyền, tuyên truyền đi trước một bước để làm chuyển biến nhận thức và hành động.
Muốn chính sách BHXH, BHYT đến được với mọi người, trước hết phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc thực sự của cấp ủy, chính quyền các cấp. Với Yên Bái, khi triển khai Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách BHXH, BHYT,… Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo thực hiện. Đây là lợi thế mà ngành nhận được từ nhiều năm nay.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị, xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT đến đông đảo các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể và đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, năm 2020 đã ký kết chương trình phối hợp với 28 đơn vị, tổ chức 596 hội nghị tuyên truyền với 30.521 lượt người tham dự. Ước thực hiện đến hết năm 2021 sẽ tổ chức 690 hội nghị với 22.495 lượt người tham dự. Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nên việc triển khai thực hiện chính sách chế độ về BHXH, BHYT thông qua các hội nghị tuyên truyền đối với người lao động, người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt kết quả tích cực; số đối tượng tham gia BHXH, BHYT hàng năm đều tăng.
Việc phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về BHXH, BHYT được tổ chức nhiều cuộc với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Năm 2020, phối hợp với các cơ quan truyền thông sản xuất và đăng tải trên 878 tin, bài, phóng sự tọa đàm, phỏng vấn, chuyên mục. Đến hết tháng 10/2021 đã đăng tải trên 610 tin, bài, phóng sự. Việc làm này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT của các nhóm người tham gia BHXH, BHYT.
Với lợi thế của mình, BHXH đã phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn kịp thời tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano áp phích, tranh cổ động, phát tờ rơi tuyên truyền. Trong năm 2021 ngoài việc tiếp tục duy trì cụm pano tại huyện Lục Yên và Yên Bình, đã treo 280 băng rôn, 150 tranh cổ động tuyên truyền BHXH, BHYT; cấp phát 52.000 tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên”, 57.000 tờ gấp “Những điều cần biết về BHXH tự nguyện”, 80.000 tờ gấp “ Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình”, 40.000 tờ gấp “Hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số”, 100.000 tờ rơi “ Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện” và “Lợi ích khi tham gia BHYT hộ gia đình”. Hình thức tuyên truyền trực quan này rất phù hợp với địa phương, thiết thực và mang lại hiệu quả tốt.
Vừa tập trung tuyên truyền theo các phương thức truyền thống đã nêu trên, BHXH tỉnh vừa tăng cường thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt và đa dạng đến với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đó là tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh, qua trang fanpage, zalo, facebook cá nhân, đăng tải những bài viết, hình ảnh, câu chuyện truyền thanh, nhằm lan tỏa sâu rộng ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH, BHYT đến với người dân, để họ hiểu, tự nguyện tham gia và thụ hưởng chính sách.
Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền những năm qua phải kể đến hình thức tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình tại các thôn, tổ, cụm dân cư và tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tại các xã, phường, thôn, bản. Tại các Hội nghị, người dân được giới thiệu ý nghĩa, quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; được giải thích, tư vấn về chính sách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện. Đặc biệt, ngoài phát biểu của lãnh đạo xã, phường, còn có đại diện người tham gia BHXH tự nguyện đã được lĩnh lương hưu tới dự và phát biểu. Đây là “người thật việc thật” như là bằng chứng sống đầy thuyết phục. Cũng tại Hội nghị này, Ban tổ chức đã cấp phát sổ BHXH cho người tham gia trước đó, đồng thời tổ chức vận động hỗ trợ, quyên góp tiền mua sổ BHXH tặng cho người nghèo. Hiệu quả của hình thức tuyên truyền này mang lại là rất tốt. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, nhiều người dân đã tham gia BHXH tự nguyện cho mình và BHYT cho các thành viên trong gia đình.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT tại Yên Bái thực sự đã góp phần không nhỏ vào thành công chung, tạo bước chuyển căn bản về nhận thức và hành động. Nhờ vậy kết quả đạt được liên tục năm sau tăng hơn năm trước: Năm 2020 tổng số người tham gia BHXH, BHTN là 68.596, đến 31/10/2021 tổng số người tham gia BHXH, BHTN là 73.741 (trong đó tham gia BHXH bắt buộc: 52.438 người, tham gia BHXH tự nguyện: 21.303 người, tham gia BH thất nghiệp là 43.627 người).
Chia tay với BHXH Yên Bái, ấn tượng đọng mãi trong tôi, đây là một tập thể đoàn kết, kỷ cương, tác phong làm việc khoa học với lối ứng xử văn hóa của một cơ quan văn hóa. Tôi tin, với một tập thể như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, vượt lên hết vẫn là sự đồng tâm, là nỗ lực quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và an sinh xã hội của địa phương, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Yên Bái.
Ngọc Quốc
VHDN: Trong chuyến công tác về BHXH tỉnh Yên Bái, sau khi tìm hiểu công việc và những kết quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức ở đây, ông Nguyễn Trí Đại, Giám đốc BHXH tỉnh nói với chúng tôi như một điều khẳng định: Dù trong hoàn cảnh nào, BHXH Yên […]