Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đặc biệt Thái Bình có bờ biển dài 54 km là tiềm năng nuôi trồng khai thác hải sản và phát triển du lịch. Nguồn mỏ khí đốt Tiền Hải, mỏ nước khoáng nhiều năm qua được khai thác là nguồn tài nguyên thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại.
Phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch sinh thái bền vững, trong đó kết hợp triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) tạo nên đặc trưng thương hiệu từng địa phương của tỉnh. Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng kết hợp chuỗi giá trị nông sản với du lịch và ngành công nghiệp chế biến.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: năm 2003, Thái Bình có thông điệp riêng với chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”. Chủ đề này được thảo luận và thể hiện quyết tâm trong cả Ban Thường vụ. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tận dụng cơ hội, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, quyết liệt trong cải cách hành chính, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân… Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiệu quả gắn với yêu cầu của thị trường.
Trong cải cách thủ tục hành chính, Thái Bình đã tạo lập môi trường thể chế công khai, minh bạch và thuận lợi, kêu gọi một số nhà đầu tư có tiềm lực, nhằm hình thành mô hình doanh nghiệp lớn đầu tàu, có tính lan tỏa, làm bệ phóng cho sự phát triển bền vững, đồng thời định hướng và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân, xây dựng một số mạng lưới doanh nghiệp liên kết đa ngành theo chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi nội tỉnh và với bên ngoài, có khả năng kết nối cao với vùng và cả nước. Năm 2022, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình đạt 65,78 điểm, tăng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, Thái Bình có 6 chỉ số có mức điểm đánh giá tăng so với năm 2021. Một số chỉ số đạt thứ hạng cao như: thiết chế pháp lý xếp thứ 2; tính năng động và đào tạo lao động xếp thứ 14 toàn quốc. Đặc biệt, Thái Bình được xếp vào top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022. Sự thăng hạng đó đã chứng minh những nỗ lực cũng như sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Với những thuận lợi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Từ đầu năm đến nay, có 473 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (số vốn 2.926 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022).
Tập trung đất đai, hình thành quỹ đất sạch để thu hút, kêu gọi đầu tư. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi, như thực hiện các dự án trong tiềm năng lợi thế của một tỉnh ven biển và khát vọng phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao… Trong đó tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Bước đầu đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, bảo đảm hạ tầng đi trước để tạo sức hấp dẫn cho việc kêu gọi đầu tư. Khu công nghiệp Liên Hà Thái có lợi thế gần cảng biển và đường biển có những module rất thiết thực, hiệu quả với Thái Bình.
Đặc biệt Thái Bình đẩy mạnh quảng bá các tiêu chí ưu tiên, chọn lọc các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường và phục vụ xuất khẩu. Thực hiện quy hoạch Thái Bình gắn với quy hoạch Quốc gia. Thái Bình đang tập trung xây dựng tuyến đường ruột cao tốc cầu Nghìn đi Thái Bình, đi Cồn Vành (kết nối khu du lịch biển Thái Bình). Đặc biệt là tuyến đường cao tốc ven biển nối liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Khai thác tối đa lợi thế của tỉnh gắn với các tỉnh lân cận và cả nước. Cùng với đó Thái Bình xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ… theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hướng đi của Thái Bình trong những năm tới là tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Trung ương, Chương trình hành động của tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường hơn nữa cải cách hành chính. Tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, khơi dậy sức mạnh của các doanh nghiệp, nhất là văn hóa doanh nghiệp để nhân lên nguồn lực bên trong là yếu tố quyết định, cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Do vậy việc thu hút đầu tư vào tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Với quan điểm nhà đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh chính là động lực phát triển của Thái Bình. Tiếp tục thiết lập, xúc tiến quan hệ hợp tác với các đối tác, nước ngoài. Trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thâm nhập, mở rộng thị trường quốc tế. Với ý chí tự lực, tự cường cùng niềm khát vọng cháy bỏng đổi mới, chúng ta tin rằng mảnh đất và con người Thái Bình sẽ nhanh chóng trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2023
(Dương Lễ)
VHDN: Vượt lên khó khăn thách thức, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thái Bình tăng 7,7%, đứng thứ 10 cả nước và đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng. Chỉ số PCI tăng vượt bậc so với cả nước. Kết quả này có ý nghĩa rất […]