Sự kiện - chuyên đề:

Thái Bình: Sở tài nguyên môi trường” vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong cách giải quyết khiếu nại?

VHDN: Vụ việc đã xảy ra quá lâu (năm 2010), lúc đầu chỉ là đối phó không chấp hành với những quyết định không đúng của Sở Tài nguyên & Môi trường. Và sự việc dẫn đến đỉnh điểm từ năm 2016. Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Thái Bình, liên tiếp đơn từ được gửi đi khắp nơi, khiếu kiện đông người diễn ra thường xuyên làm mất an ninh trật tự ở cả địa phương lẫn các cơ quan Trung ương, nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin, bình luận về sự kiện này, nhưng đến nay vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ. Bởi cơ quan được giao giải quyết không dám nhìn thẳng vào sự thật, vẫn đang bảo vệ cho cái sai đã quá rõ của mình?

Kỳ 1: Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình vẫn “câu giờ” trong giải quyết khiếu nại

“Nhầm lẫn” thành phần đối thoại?

Từ năm 2016, sau khi có quyết định thu hồi đất đối với Công ty Cổ phần chế biến nông sản Thái Bình, cổ đông và ban lãnh đạo Công ty đã có nhiều đơn kêu cứu, khiếu nại gửi đến các cấp. Năm 2017, Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình,… có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét giải quyết. Sở Tài nguyên & Môi trường được UBND tỉnh Thái Bình giao giải quyết vụ việc này. Ngày 17/01/2018 Sở Tài nguyên & Môi trường ban hành Văn bản số 112 gửi trả lời Công ty Cổ phần chế biến nông sản Thái Bình do Phó Giám đốc Trần Duy Hùng ký với 5 nội dung khẳng định các văn bản và quyết định xử phạt hành chính do Sở đã ban hành trước đó và tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích đất của Công ty, yêu cầu tự phá bỏ tài sản (cửa hàng, nhà xưởng) không được đền bù, hỗ trợ là đúng theo quy định của pháp luật…?

Ngay sau văn bản này, Công ty đã có đơn phản hồi khiếu nại. Ngày 8/02/2018, Công ty được Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức đối thoại theo trình tự giải quyết đơn khiếu nại. Là cơ quan chủ trì đối thoại nên Sở Tài nguyên & Môi trường mời thành phần: Công ty Cổ phần chế biến nông sản Thái Bình, các bộ phận liên quan của Sở, đại diện Thanh tra Nhà nước tỉnh, đại diện Sở Tư pháp và Trưởng phòng Tiếp công dân tỉnh. Điều đáng ngạc nhiên là Thanh tra Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp và Phòng tiếp công dân tỉnh là những cơ quan có chức năng, nhiệm vụ riêng, không hề liên quan đến nội dung đối thoại. Sở Tài nguyên & Môi trường “nhầm lẫn” giữa việc Sở cần tham khảo ý kiến các cơ quan này trước khi đi vào đối thoại thay vì mời họ như là một thành phần đối thoại với Công ty thay Sở là hoàn toàn sai với nội dung đối thoại? Thực tế, sau khi thấy rõ nội dung của cuộc họp, các thành phần trên đã tự ra về.

Đối thoại mang tính chiếu lệ?

Trong cải cách hành chính, đối thoại để giải quyết khiếu kiện hành chính rất quan trọng. Thông qua đối thoại để tìm ra hướng giải quyết sự việc một cách thấu lý, đạt tình, nhằm đưa ra bản án hoặc quyết định một cách đúng đắn “tâm phục, khẩu phục”. Cách tổ chức đối thoại giải quyết khiếu nại của Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình thể hiện rõ tính hình thức, chiếu lệ, không đáp ứng được mục đích của đối thoại như phân tích ở trên.

Sự việc diễn ra ở Công ty Cổ phần chế biến nông sản Thái Bình không có gì phức tạp, song thiệt hại lại vô cùng lớn. “Thật khéo” khi cơ quan chủ trì giải quyết chọn thời điểm vào ngày “ông Công, ông Táo” để đối thoại, khi mà hầu hết mọi người tham dự đều phân tán tư tưởng cho việc lo Tết. Thời gian vỏn vẹn chưa đủ 3 tiếng đồng hồ, không đủ cho các thành phần đối thoại phân tích ý kiến của mình. Quá trình đối thoại gần như “độc thoại”, bởi không có người “trọng tài” khách quan để yêu cầu đi đến tận gốc của từng vấn đề đặt ra. Chính bởi lý do ở đây người ra văn bản bị khiếu nại lại là người trực tiếp chủ trì đối thoại nên không thể khách quan đưa cuộc đối thoại tìm ra tiếng nói chung cho việc giải quyết.

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong giải quyết khiếu nại.

Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình giải quyết khiếu nại lần đầu đối với đơn khiếu nại của Công ty Cổ phần chế biến nông sản Thái Bình phải chăng có “nhầm lẫn” giữa người bị kiện và người giải quyết? Công ty Cổ phần chế biến nông sản Thái Bình khiếu nại Văn bản 112 ngày 17/01/2018 của ông Trần Duy Hùng, Phó Giám đốc sở ký. Nhưng giải quyết đơn lại là người ngang cấp với ông Hùng là ông Nguyễn Mạnh Lực – Phó Giám đốc sở, liệu có đúng thẩm quyền? Trớ trêu thay quyết định giải quyết đơn khiếu nại sau đó, (16/03/2018) lại do chính người bị khiếu nại là Phó giám đốc sở – Trần Duy Hùng ký với nội dung bác đơn khiếu nại, giữ nguyên văn bản bị khiếu. Rõ ràng làm như vậy khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!

Dư luận đặt ra câu hỏi, trong sự việc này có nhiều văn bản từ việc cho Công ty thuê đất đến tờ trình UBND tỉnh về việc thu hồi đất của Công ty đều thể hiện bút tích của Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Trần Ngọc Tuấn. Mà sao trong suốt quá trình giải quyết sự việc mấy năm qua không hề thấy bóng dáng của người đứng đầu Sở Tài nguyên & Môi trường xuất hiện???

Sự việc đã quá kéo dài, hậu quả để lại rất nặng nề. Thiết nghĩ UBND tỉnh Thái Bình nên khẩn trương vào cuộc, sớm xử lý để ổn định tình hình địa phương.

Kỳ sau: Ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả này?

Nguyên Bình

15:26:33 11-04-2018

VHDN: Vụ việc đã xảy ra quá lâu (năm 2010), lúc đầu chỉ là đối phó không chấp hành với những quyết định không đúng của Sở Tài nguyên & Môi trường. Và sự việc dẫn đến đỉnh điểm từ năm 2016. Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Thái Bình, […]

Đối tác của chúng tôi