Năm 1964 vợ qua đời, ông Đào Văn Mỵ, bố của 2 con là Đào Văn Nguyên và Đào Văn Liệu được một người bác họ ở Thái Nguyên cưu mang nên đã dẫn 2 con lên Thái Nguyên sinh sống tại xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Năm 1969 Hợp tác xã nông nghiệp lấy đất ông Mỵ đang ở làm trại chăn nuôi, nên đã cấp cho ông Mỵ sang chỗ ở mới diện tích hơn 4.000m2. Năm 1984 anh Đào Văn Liệu lấy vợ xin ra ở riêng. Ông Mỵ đã cắt một nửa diện tích đất cho Liệu làm nhà ở (khoảng hơn 2.000m2). Phần diện tích đất còn lại ông Mỵ cho anh Nguyên để khi anh Nguyên lấy vợ làm nhà ở. Năm 1988 anh Nguyên lấy vợ.
Chị Nguyễn Thị Nga, vợ anh Nguyên là xã viên Hợp tác xã nông nghiệp nên được chia gần 2.000m2 ruộng để canh tác. Năm 1993, thực hiện việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo Luật Đất đai, gia đình ông Mỵ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ mang tên hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nga, trong đó có thửa đất ở hơn 2.000m2 và 2 thửa đất ruộng trồng lúa. Từ năm 1997 toàn tỉnh Thái Nguyên đồng loạt cấp đổi lại giấy chứng nhận QSDĐ do trước đó cấp không đúng hạn mức đất ở theo qui định của Luật Đất đai. Giấy chứng nhận QSDĐ mang tên bà Nguyễn Thị Nga cấp đổi lại vào năm 1999 nên diện tích của thửa đất hơn 2.000m2 cấp năm 1993 toàn bộ là đất ở. Khi đổi lại được điều chỉnh xuống còn 400m2 đất ở và hơn 1.700m2 đất vườn.
Sau khi cụ Đào Văn Mỵ qua đời (cụ Mỵ qua đời năm 1997), lấy cớ giấy chứng nhận QSDĐ ghi cấp năm 1999 mang tên vợ ông Nguyên nên năm 2011 ông Liệu khởi kiện ông Nguyên đến chính quyền xã Cao Ngạn cho rằng thửa đất hơn 2.000m2 trong giấy chứng nhận QSDĐ là di sản thừa kế, ông Liệu có phần trong đó. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ mang tên bà Nga vợ ông Nguyên không có sự đồng ý của ông là trái pháp luật?
Đơn khởi kiện đã được UBND xã Cao Ngạn tổ chức hoà giải. Tại buổi hoà giải này ông Liệu đã thừa nhận năm 1984 đã được cụ Mỵ chia cho một nửa diện tích đất của ông Mỵ (hơn 2.000m2) đã làm nhà ở và sau đó nhờ bố bán đi để mua nhà bên thành phố Thái Nguyên. Phần đất còn lại là của ông Nguyên, không phải là di sản thừa kế?
Cứ theo như kết quả hoà giải UBND xã Cao Ngạn đã giải quyết thì những khúc mắc giữa ông Liệu và ông Nguyên coi như đã xong. Cụ Mỵ nơi suối vàng cũng phần nào an giấc.
Sự việc sau đó tưởng đã an bài, nhưng không, năm 2022 ông Liệu lại tiếp tục có đơn khởi kiện ông Đào Văn Nguyên ra Toà án. Cụ Mỵ lại một lần nữa được nhắc tên không phải vì tri ân công đức mà là sự oán thán vì còn “nợ” phần chia tài sản cho con trai Đoàn Văn Liệu.
Đơn khởi kiện của ông Liệu khẳng định thửa đất hơn 2.000m2 ông Nguyên đang sử dụng là di sản thừa kế cụ Mỵ để lại và ông Liệu chưa được chia phần. Diện tích hơn 2.000m2 đất năm 1984 cụ Mỵ chia cho ông Liệu để làm nhà ở sau đó ông Liệu nhờ cụ Mỵ bán đi để mua nhà bên thành phố Thái Nguyên, nhưng cụ Mỵ chưa đưa tiền bán nhà đất đó cho ông Liệu?
Bằng chứng ông Liệu xuất trình với Toà là biên bản cuộc họp hoà giải xã Cao Ngạn đã xác định rõ nội dung này. Và giấy chứng nhận QSDĐ cấp năm 1999 mang tên bà Nguyễn Thị Nga vợ ông Nguyên sau khi cụ Mỵ qua đời là cấp mới không phải cấp đổi không có ý kiến của ông là trái qui định pháp luật, yêu cầu phải huỷ bỏ?
Trong quá trình thụ lý đến khi xét xử vụ án ông Nguyên đều khẳng định thửa đất hơn 2.000m2 ông đang ở, cụ Mỵ đã chia cho ông cùng với thời điểm chia đất cho ông Liệu làm nhà năm 1984 không phải là di sản thừa kế. Bằng chứng là năm 1993 khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ lúc cụ Mỵ còn sống ở cùng vợ chồng ông, chính cụ Mỵ cùng với vợ ông (lúc đó ông Nguyên công tác xa nhà) kê khai thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ đợt đầu của xã Cao Ngạn, còn giấy chứng nhận ghi cấp năm 1999 chỉ là giấy cấp đổi lại theo qui định của tỉnh Thái Nguyên. Những người có trách nhiệm của xã trực tiếp thực hiện làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 1993 có mặt tại toà làm chứng. Nhưng Toà án không chấp nhận chứng cứ này. Công nhận chứng cứ của ông Liệu là giấy chứng nhận QSDĐ mang tên bà Nguyễn Thị Nga ghi năm 1999 là cấp mới sau khi cụ Mỵ chết?
Về bằng chứng ông Liệu xuất trình cho Toà biên bản hoà giải của xã Cao Ngạn năm 2011, theo ông Nguyên đây là biên bản giả mạo không đúng nội dung UBND xã Cao Ngạn đã giải quyết. Các thành viên trong buổi hoà giải năm đó từ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, các ban ngành đoàn thể của xã có mặt tại Toà làm chứng phản đối chứng cứ này. Ông Đào Văn Nguyên đề nghị Toà cho giám định biên bản cuộc hoà giải đó để làm rõ bản chất của vụ án, nhưng đã không được Toà chấp nhận?
Kết quả bản án sơ thẩm đã tuyên: Huỷ giấy chứng nhận QSDĐ cấp năm 1999 mang tên bà Nguyễn Thị Nga. Xác định thửa đất hơn 2.000m2 ông Nguyên đã làm nhà và sinh sống trên đó mấy chục năm qua là di sản thừa kế cụ Mỵ để lại, buộc ông Nguyên chia cho ông Liệu 1/2 diện tích thửa đất hơn 2.000m2…?
Không đồng ý với cách giải quyết của Toà sơ thẩm, ông Đào Văn Nguyên đã có đơn kháng án gửi đến Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Xót xa trước cảnh anh em đầu bạc, đã lên chức ông, chức cụ và không ai còn nghèo khó nữa mà vẫn phải kéo nhau ra Toà tranh giành đất đai để tình anh em ngày càng xa cách.
Dư luận mong muốn bản án phúc thẩm tới đây sẽ làm sáng tỏ mọi khúc mắc trong bản án này để tình anh em máu chảy ruột mềm sớm được hàn gắn và cụ Mỵ nơi suối vàng được an giấc ngàn thu.
Nhóm PV
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 4/2025)
VHDN: Ông Đào Văn Nguyên, ở xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên bị em trai là Đào Văn Liệu đang sống ở nơi khác về đòi chia di sản thừa kế. Năm 2011 xã Cao Ngạn tổ chức hoà giải, ông Liệu thừa nhận đã được bố chia đất làm nhà sau đó bán […]