Sự kiện - chuyên đề:

Tháng 7 về Trường Sơn Đông

VHDN: Thế hệ chúng tôi, những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ai cũng thuộc không ít những bài ca về Trường Sơn. Những ca từ: Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây… Dừng lại lưng đèo mà nghe suối hát/ ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi… thật hào hùng và lãng mạn.

Một góc Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trường Sơn ngày ấy là điểm đến của tuổi trẻ Việt Nam, là thước đo giá trị phẩm chất của thanh niên, bởi “Trường Sơn đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó là chưa thấy mình”.

Còn giờ đây khi đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một cuộc sống mới đang hiện diện; dòng người từ khắp mọi miền đất nước vẫn tìm về một Trường Sơn chiến trường xưa, để lại được đi trên con đường huyền thoại mang tên Bác, và mỗi người dường như đều muốn được nói một điều gì thiêng liêng với những người lính đang nằm trong lòng đất Trường Sơn… Đó là cuộc trở về nguồn của cả một dân tộc để tìm thấy ở Trường Sơn những giá trị đạo đức, những chân lý ứng xử: Không ai được quên quá khứ hào hùng của cha anh; mỗi người hãy biết cống hiến, hy sinh, hãy sống biết vì mọi người…

Chuyến về đông Trường Sơn của Đoàn các thành viên Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ là sự nối tiếp các chuyến đi của những đoàn đại biểu các tổ chức, đoàn thể, các CCB từ quê hương đất Tổ Hùng Vương. Không đi đường mòn như hành quân ra trận năm xưa, giờ đường đến Trường Sơn có thêm nhiều ngả rộng dài. Từ Bắc vào Nam, ngoài Quốc lộ số 1 còn có được Hồ Chí Minh rộng mở thênh thang.

Tháng 7, đông Trường Sơn như là điểm hội tụ của đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn”. Xe Sơn La, xe Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên; xe biển số các tỉnh phía Nam…tập kết về Quảng Trị. Các khách sạn ở đây đều chật chỗ. Chúng tôi đã gặp cả những hội đồng ngũ, những đồng đội đã từng chiến đấu trên các cao điểm ở Trường Sơn đông, các hội đồng hương một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ở miền Trung… hành hương về thăm lại chiến trường xưa, đến viếng liệt sĩ ở các nghĩa trang, kết bè thả hương hoa xuống dòng sông Thạch Hãn vì những người thân yêu của mình. Các di tích, đặc biệt là khu thành cổ Quảng Trị, luôn có nhiều người đến thăm. Đâu đó, bài hát Cỏ non thành cổ cứ khắc khoải như một lời nhắn nhủ: Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình / với người hy sinh trên mảnh đất này. Tôi có cảm giác chưa ở đâu mình được nghe bài hát ấy hay đến thế, mang lại cảm giác lạ lùng đến thế. Một cán bộ của Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Trị chúng tôi gặp cho hay: Với vị trí giới tuyến quân sự, lại giáp chiến trường Lào, Quảng Trị là nơi trước đây diễn ra những trận chiến đấu cực kỳ ác liệt. Hiện giờ trên đất Quảng Trị có tới 12 nghĩa trang với 52.000 mộ liệt sĩ đã được quy tập; trong  đó số liệt sĩ của địa phương là 4000. Ai có thể đoán chắc trong lòng dải đất hai bên đông và tây Trường Sơn còn xương cốt của bao nhiêu chiến sĩ vô danh và hữu danh của chúng ta còn khuất lấp? Mới có gần hai chục ngàn phần mộ liệt sĩ được quy tập về hai nghĩa trang Quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường số 9, còn biết bao người con yêu của các gia đình Việt Nam hy sinh đến giờ vẫn chưa xác định được vị trí hài cốt, dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong việc quy tập mộ liệt sĩ, đã “xã hội hóa” phong trào “đi tìm đồng đội”? Vẫn còn không ít những ông bố, bà mẹ, người vợ, người em, người con chưa biết được thông tin phần mộ người thân của mình trên các chiến trường B, C, K?

Trong thành phần đoàn đại biểu các doanh nghiệp, doanh nhân, chúng tôi đến Nghĩa trang Trường Sơn cùng rất nhiều đoàn, nhiều tập thể và cá nhân. Lễ viếng các liệt sĩ do Ban quản lý nghĩa trang tổ chức tuy ngắn gọn nhưng rất trang nghiêm. Trong rì rào vòm lá bồ đề sau tượng đài liệt sĩ Trường Sơn, tôi nghe như có cả tiếng bước chân những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, giai điệu trầm hùng của khúc ca Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Chúng tôi đã gặp nhiều tướng lĩnh, sĩ quan đã về “bảo tàng” mộ liệt sĩ Trường Sơn trong những ngày tháng bảy. Dường như các thành viên trong đoàn chúng tôi ai cũng có thân nhân, người làng, người xã… đang nằm ở nghĩa trang này, trong khu mộ chí mà quê hương đã góp phần xây dựng. Cả 544 phần mộ liệt sĩ Phú Thọ và Vĩnh Phúc đều nghi ngút khói hương. Khói hương quyện cùng mây trắng Trường Sơn đang sà thấp xuống tán cây rừng. Một góc nghĩa trang Trường Sơn là một không gian tâm linh huyền ảo. Dù quỹ thời gian eo hẹp nhưng tôi vẫn cố ghi tên tuổi, ngày hy sinh của một số liệt sĩ Phú Thọ đang có bia mộ chí ở đây, hy vọng những dòng chữ ấy có thể làm ấm lòng những thân nhân ở quê nhà. Trung sĩ Nguyễn Văn Hoàn, quê Phúng Xá – Cẩm Khê, nhập ngũ tháng 8 – 1967, hy sinh ngày 15-6-1971. Binh nhất Nghiêm Thị Chội, quê xã Thượng Nông – Tam Nông, nhập ngũ tháng 3- 1973, hy sinh sau ngày toàn thắng gần 5 tháng – ngày 26- 10- 1975! Binh nhất Nguyễn Hồng Công, quê xã Vô Tranh – Hạ Hòa, nhập ngũ tháng 8 – 1967, hy sinh ngày 3-4-1969. Binh nhất Đinh Văn Lộc, quê xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, nhập ngũ tháng 5 – 1971, hy sinh ngày 17-2-1973. Trung sĩ Trần Quang Khải, quê xã Tu Vũ – Thanh Thủy, nhập ngũ 4 – 1963, hy sinh ngày 1 – 12 – 1969…

Ở nghĩa trang đường số 9 cũng có khu mộ các liệt sĩ Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Tôi ngạc nhiên khi biết các liệt sĩ quy tập về đây đều là chiến sĩ sư đoàn 308 anh hùng – đơn vị mà 58 năm trước tại Đền Hùng đã được Bác Hồ căn dặn: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước.” Các anh phần lớn hy sinh vào thời ký ác liệt nhất của cuộc chiến – những năm 1971, 1972. Các phần mộ đều được chăm sóc chu đáo, nhưng tôi vẫn băn khoăn có một sự nhầm lẫn nào chăng: Liệt sĩ Nguyễn Văn Nha, quê xã Tiền Phong, huyện Yên Lãng, Vĩnh Phúc có tới 3 phần mộ ở nghĩa trang đường số 9!

Quảng Trị vốn là mảnh đất “Gió Lào cát trắng”, giờ đây đã có một diện mạo mới, phố sá sầm uất, thành phố Đông Hà đã là đô thị loại 3. Đường ra cảng biển, đường tới huyện biên giới Việt Lào thênh thênh. Một miền rừng đông Trường Sơn xanh tươi, ngập tràn sức sống, đang lấp kín dần những hố bom thời trận mạc. Nhiều khu công nghiệp mới đang hình thành có sức thu hút đầu tư của các nhà doanh nghiệp nước ngoài. Đến đây, tôi bất ngờ trước sự lạc quan của người Quảng Trị. Có rất nhiều bài hát hay về Quảng Trị, về Trường Sơn; và người Quảng Trị bây giờ hay hát, lại hát hay. Dường như những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cũng có thể là hạt nhân của một đội văn nghệ; họ đều có thể hát rất hay, cả những bài truyền thống và những bài hát mới, lối lấy hơi nhả chữ cũng rất… chuyên nghiệp. Hay như, các chàng trai, cô gái ở nhà hàng Hữu Nghị bên đường số 9 vừa phục vụ ăn uống, vừa hát nhạc đỏ về Quảng Trị, Thừa Thiên, về đại ngàn Trường Sơn đầy ấn tượng…

Tháng bảy, trở về đông Trường Sơn – về đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, trong màu xanh cao nguyên, chúng tôi như thấy có làn gió chiến trường xưa tràn qua tim, để rồi lòng mình xốn xang về một vùng đất huyền thoại.

Nguyễn Sản

 

Chia sẻ
15:10:33 10-07-2022

VHDN: Thế hệ chúng tôi, những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ai cũng thuộc không ít những bài ca về Trường Sơn. Những ca từ: Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây… Dừng lại lưng đèo mà nghe suối hát/ ngắt một đóa hoa rừng cài lên […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi