Sự kiện - chuyên đề:

Tháng năm trên quê hương Bác

VHDN: Ai đã đi qua Xứ Nghệ, ghé thăm Làng Chùa, Làng Sen đều cảm nhận được nét bình yên, dung dị và gần gũi như chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Về Làng Sen cũng là tìm về cội nguồn ký ức, nơi ấy còn là quê chung của mỗi người con đất Việt, nơi đã sinh ra Bác Hồ – Vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Về quê Bác, thêm một lần để chúng con hiểu Bác hơn và thương nhớ bác hơn. Những ngày tháng năm lịch sử này, những người con đất Việt trên khắp mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế lại hội tụ nối tiếp về đây, về “Quê chung”, về Khu Di tích Kim Liên – Khu Di tích Quốc gia đặc biệt với làng Chùa quê mẹ, làng Sen quê Cha, về với đền Chung Sơn – ngôi đền thờ những người thân yêu trong gia đình Bác Hồ, tọa lạc ở lưng chừng núi Chung – mảnh đất địa linh nhân kiệt, niềm tự hào của vùng Kim Liên (Nam Đàn), nơi khơi gợi những năm tháng ấu thơ cội nguồn tâm hồn, trí tuệ Hồ Chí Minh,… để tưởng nhớ, tri ân, kính dâng lên Bác Hồ những tâm tư, tình cảm, sự tri ân về công lao trời biển của Người, được báo công với Bác, thắp nén hương tỏ lòng thành kính trước anh linh vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc.

Khai mạc lễ hội Làng Sen.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên trở thành một trong những địa chỉ đỏ, là nơi tiếp các đoàn khách trong nước và bạn bè quốc tế về tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng Giải phóng dân tộc Việt Nam – Nhà Văn hóa kiệt xuất. Du khách về Khu Di tích Kim Liên không chỉ tìm hiểu về quê hương, về cuộc đời Bác mà còn là địa chỉ tâm linh của mỗi người con đất Việt. Đi đâu, làm gì hay đơn thuần chỉ là tổ chức lễ xuất quân… đều hành hương về quê Bác làm lễ dâng hương, dâng hoa, báo công Bác… thể hiện nghi thức tôn vinh có sức lan tỏa lớn, để sau đó vững tâm hơn. Hàng năm, Khu di tích Kim Liên đón lượng du khách bình quân từ 1,6 đến 2 triệu lượt người/năm, nhất là vào mùa hè, dịp sinh nhật Bác 19/5. Hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du khách về Khu Di tích Kim Liên cũng khoảng 600 lượt người. Quan đó để nói lên sự ngưỡng mộ, tình cảm đặc biệt của mọi người giành cho Bác cũng như sự phục vụ chu đáo, công tác phòng chống dịch an toàn tại Khu Di tích Kim Liên. Sau khi mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch covid-19 trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Chỉ tính riêng trong 4 ngày lễ dịp 30/4 – 1/5 vừa qua, lượng khách đổ về Khu Di tích Kim Liên đông nghịt với 3.955 đoàn, 54.054 lượt người (đặc biệt có 2 đoàn khách Quốc tế 6 người đến từ Đức và Lào), làm lễ tưởng niệm cho hàng chục đoàn và chắc chắn sẽ đón một lượng khách rất đông nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác (19/5/1890 – 19/5/2022) với nhiều chuỗi các hoạt động đặc sắc.

Lễ hội Làng Sen 2022: Trước đó (tối 17/5), tại sân vận động làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022).

Lễ hội Làng Sen năm 2022 gồm có 5 hoạt động phần lễ và 6 hoạt động hội với chủ đề tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các giá trị văn hóa Làng Sen, quê hương Nam Đàn, ca ngợi quê hương Nghệ An đổi mới, hội nhập và phát triển, chuỗi các hoạt động Lễ hội Làng Sen được bắt đầu tổ chức từ ngày 14 – 28/5/2022. Trên 650 diễn viên của 19 đoàn nghệ thuật quần chúng của 19 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã và đang tích cực tham gia các hoạt động sôi động này. Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động này có nhiều hoạt động mới với nội dung đặc sắc. Một trong những hoạt động đó là Liên hoan Tuồng, Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức. Đây là cơ hội để nhân dân Nghệ An, du khách được thưởng thức các di sản nghệ thuật truyền thống đặc sắc của các vùng miền trên toàn quốc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long bày tỏ: “Đến với Lễ hội Làng Sen, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc lần này, ngoài việc thi tài, biểu diễn, chúng tôi mong muốn các quý vị sẽ được tham quan thêm những di tích, danh thắng, các điểm đến du lịch để cảm nhận được cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hiểu thêm về văn hóa và con người xứ Nghệ để yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây”.

Cắt băng khánh thành cổng Tam Quang tại Khu Di tích Kim Liên.

Từ năm 1981, phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng ra đời với tên gọi Liên hoan tiếng hát Làng Sen; đến năm 2022, Liên hoan được nâng lên thành Lễ hội Làng Sen với quy mô cấp tỉnh (tổ chức thường niên hàng năm) và toàn quốc (5 năm tổ chức một lần) vào dịp sinh nhật Bác. Đây là hoạt động chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn, thành kính của Nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng Giải phóng dân tộc Việt Nam – Nhà Văn hóa kiệt xuất; tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Làng Sen, quê hương Nghệ An tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Lễ hội Làng Sen năm 2022 đang hướng đến sự hoàn thiện để từng bước chuẩn bị nâng tầm thành lễ hội quốc gia. “Một trong những đổi mới năm nay là Lễ rước ảnh Bác sẽ chủ động về quy mô số lượng người tham gia đông hơn, đồng thời, phát huy về hiệu ứng của ánh sáng”. Riêng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hướng dẫn, phối hợp với các phòng ban chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết từ sân khấu đến các công trình phụ trợ khác phục vụ cho chuỗi các sự kiện Lễ hội Làng Sen năm 2022 diễn ra trực tiếp tại đây như: Hội thi tiếng hát Làng Sen; Thi người đẹp Làng Sen và sắc Sen Xứ Nghệ; tổ chức rước ảnh Bác Hồ qua các thời kỳ gồm 2 mũi chủ đạo từ Quảng trường Hồ Chí Minh lên, từ Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn xuống cùng hội tụ tại Khu Di tích Kim Liên. Đồng thời, là các hoạt động diễn ra tại nhà trình diễn dân ca ví dặm, tại nhà tưởng niệm Bác Hồ, trưng bày các bộ triển lãm chuyên đề ảnh “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” gắn với khánh thành Cổng Tam Quan… Qua hoạt động của lễ hội là dịp để chúng ta hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhận thức cụ thể hơn trách nhiệm của mình trong việc phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Lâm Oanh

11:17:23 19-05-2022

VHDN: Ai đã đi qua Xứ Nghệ, ghé thăm Làng Chùa, Làng Sen đều cảm nhận được nét bình yên, dung dị và gần gũi như chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Về Làng Sen cũng là tìm về cội nguồn ký ức, nơi ấy còn là quê chung của mỗi người con […]

Đối tác của chúng tôi