Mảnh đất Thanh Chương trải qua bao thời kì lịch sử, từ khi danh xưng Thanh Chương được gọi tên cho đến hết thời kì phong kiến, chúng ta phải kể đến những tên tuổi hiền tài, đức độ đã góp phần làm nên bao trang sử vàng của quê hương: đó là tướng Phan Đà dũng mãnh, vô song; đó là Đỗ Bá Công Đạo học rộng, tài cao, là người có công vẽ nên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào TKXVII, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai vùng biển đảo này; đó là ba anh em họ Trần đánh Nam dẹp Bắc, khai cảng, khơi kênh; là Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo, là những tiến sĩ vinh quy bái tổ như Nguyễn Tiến Tài, Phạm Kinh Vỹ, Nguyễn Lâm Thái, họ là những người không những trí tuệ uyên bác mà còn có trái tim nhân hậu, yêu thương và chăm lo cho đời sống Nhân dân; đó là Trần Tấn từng là thủ lĩnh của phong trào chống Pháp thời Nguyễn; đó là ông Võ Thúc Đồng, người tham gia cách mạng từ sớm, giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; đó là thầy giáo Nguyễn Sĩ Lạng, đó là những nhà khoa bảng danh tiếng như Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, tấm gương liêm khiết Phan Sĩ Thục; đó là ông Võ Quý Huân – một tri thức, kỹ sư người Việt đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp ngành Đúc- Luyện kim… Dòng họ nào cũng có những bậc đại khoa, khanh tướng mà công lao, đức độ của họ không chỉ tạo nên công nghiệp một thời mà còn làm nên linh khí quốc gia.
Từ những năm 30 của thế kỉ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nhân dân Thanh Chương đã dấy lên phong trào đấu tranh Xô Viết với khí thế “triều dâng thác đổ” chống lại tư bản, đế quốc và địa chủ phong kiến. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, nhà nhà, người người đều tham gia chống giặc ngoại xâm, có biết bao anh hùng liệt sĩ vô danh, thầm lặng dâng hiến cuộc đời thanh xuân cho nền hoà bình quê hương; có biết bao bà mẹ Việt Nam can trường, hăng say việc nước, sinh ra và nuôi dưỡng biết bao hiền tài. Ở thời kì này, Thanh Chương còn có bao danh nhân làm rạng rỡ quê hương như Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Côn, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Đệ… Chính những con người Thanh Chương đó đã góp phần không nhỏ tạc nên hình sông, dáng núi với danh xưng kiêu hãnh “Thanh Chương 555 năm”.
Trải qua 555 với nhiều thăng trầm, Thanh Chương có những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn vẫy gọi du khách bốn phương như Đảo Chè, khu sinh thái HDT, di tích lịch sử Bạch Mã, có những thác những khe phong phú, đa dạng với vẻ đẹp tự nhiên, trong lành. Thanh Chương còn nổi tiếng với những đặc sản nức lòng như cá mát sông Giăng, khoai La Mạc, măng Chợ Chùa, nhút, trám, tro bùi ngọt, đậm đà như tấm lòng người dân Thanh Chương. Đặc biệt, Thanh Chương có dòng Lam xanh, uốn khúc quanh biền bãi, xóm làng trù phú, xanh tươi, nơi đây đã sinh ra những điệu hò ví dặm tha thiết ân tình…
Ông Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Ngày nay Thanh Chương phát triển với diện mạo và vóc dáng mới khoẻ khoắn, vững chãi, giàu đẹp xứng tầm với bề dày 555 danh xưng. Điều đó khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới, hội nhập và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với những đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo, của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Thanh Chương. Phát huy truyền thống và thành quả đã đạt được, Thanh Chương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra để tiếp nối 555 năm, tô thêm lịch sử vẻ vang vì sự phát triển của Thanh Chương, vì hạnh phúc của Nhân dân, đưa Thanh Chương lên một tầm cao mới.
Trần Lâm Oanh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2024)
VHDN: Thanh Chương vùng đất sơn thuỷ hữu tình, địa linh nhân kiệt; Thanh Chương giàu truyền thống cách mạng và tinh thần cần cù, khổ học – hiếu học; vùng đất sinh dưỡng bao nhân tài mà khi nhắc đến tên nơi nơi đều ngưỡng vọng… Tất cả đã làm nên bản sắc đất […]