Sự kiện - chuyên đề:

Thanh Hóa: Công nhận chế tác đá mỹ nghệ làng Nhồi là nghề truyền thống

VHDN: Tháng 7/2024 là dấu mốc quan trọng đối với nghề chế tác đá mĩ nghệ làng Nhồi (phố Tây Sơn) khi vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là nghề truyền thống. Đây là cơ sở vững chắc để nghề truyền thống này được gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cũng như đem lại thu nhập cho người dân địa phương.

 

Người dân làng Nhồi xưa (nay là phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa) luôn tự hào với bề dày lịch sử hình thành và phát triển của nghề chế tác đá mĩ nghệ. Được biết, nghề chạm khắc đá ở Nhồi có từ thời nhà Lý. Nơi đây, quần thể núi Nhồi có chất đá quý hiếm, lại nằm ở vị trí đắc địa, cộng với sự khéo léo, tài hoa của người thợ đã khiến nghề chế tác đá mỹ nghệ làng Nhồi trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Sản phẩm của nơi đây không chỉ lưu dấu ấn ở các công trình văn hóa, lịch sử trong tỉnh như: chùa Báo Ân, Khu Di tích Lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, mà còn có mặt ở Kinh thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám… Bên cạnh đó còn có những sản phẩm đơn giản để phục vụ đời sống hằng ngày, như: Cối giã, cối xay, con lăn trục lúa… Nhiều sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao, như: Nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ (tượng đá, phù điêu tranh tượng đá, tranh đá, tượng phật, trụ cột của đình, chùa…) và nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh (lăng tẩm, bia mộ…).

Các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ đầu tư máy móc hiện đại – Ảnh minh họa.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều cơ sở làm nghề đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc hiện đại phục vụ cho việc cưa xẻ, tạo hình phôi đá. Theo đó, sản phẩm làm ra tinh xảo, giá trị cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước. Để gìn giữ và phát triển nghề chế tác đá, những nghệ nhân ở địa phương còn thành lập Hiệp hội liên kết chế tác đá mỹ nghệ, mục đích để hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm…

Tuy nhiên, nhiều cơ sở chế tác đá mỹ nghệ đang gặp khó khăn về vốn trong việc đầu tư mua máy móc, xây dựng công trình xử lý chất thải…, trong khi đó lợi nhuận thấp nên một số cơ sở đã ngừng hoạt động”. Bên cạnh đó, trên thị trường tràn ngập sản phẩm chế tác đá từ Trung Quốc, Đài Loan… Các cơ sở ở địa phương lại ít thay đổi mẫu mã, chưa đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Ngoài ra, do hầu hết các cơ sở làm nghề nằm phân tán trong khu dân cư, gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi và nước thải chưa được xử lý triệt để đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực. Mặt khác, do không tập trung thành một khu nên không gian sản xuất, nguồn cung nguyên liệu, quảng bá, giao thương của các cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn.

Hy vọng, với tâm huyết của lãnh đạo UBND phường cùng các nghệ nhân làng nghề, với việc công nhận nghề truyền thống này, phường An Hưng sẽ sớm có 1 cụm làng nghề để các hộ chế tác đá mỹ nghệ có thể đầu tư bài bản giúp ổn định sản xuất, gia tăng thu nhập, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường.

 

Phương Giang

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2024)

10:02:02 19-08-2024

VHDN: Tháng 7/2024 là dấu mốc quan trọng đối với nghề chế tác đá mĩ nghệ làng Nhồi (phố Tây Sơn) khi vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là nghề truyền thống. Đây là cơ sở vững chắc để nghề truyền thống này được gìn giữ và phát huy những giá trị văn […]

Đối tác của chúng tôi