Sự kiện - chuyên đề:

Thanh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

VHDN: Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn.

 

Đối với huyện Vĩnh Lộc, việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) được huyện thực hiện thông qua các giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và người dân. Huyện đã rà soát nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tham gia với vai trò là cầu nối để doanh nghiệp và người dân thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa cũng như quyền lợi chính đáng giữa doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như: tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất, miễn thuế năm đầu tiên… Chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Đáng chú ý, để các chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX đã chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng TPAT.

Cơ sở sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng rau an toàn tại xã Vĩnh Tiến.

Theo số liệu từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.050 chuỗi TPAT, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Việc phát triển các chuỗi cung ứng TPAT bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm được giám sát chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Huyền Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết: xây dựng chuỗi cung ứng TPAT cần thiết lập được chuỗi các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn. Đây là việc thực hiện liên hoàn các mắt xích, trong đó mỗi mắt xích là một cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Tham gia vào chuỗi này, các cơ sở đều phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Các cơ quan chức năng sẽ tổ chức giám sát, lấy mẫu kiểm tra đảm bảo an toàn cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

 

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 4/2024

(Phương Giang)

15:58:18 09-04-2024

VHDN: Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn.   Đối với huyện Vĩnh Lộc, việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) được huyện thực hiện thông qua các giải pháp […]

Đối tác của chúng tôi