Sự kiện - chuyên đề:

Thanh Hóa: Đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

VHDN: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định nhiệm kỳ 2020-2025 một trong 3 khâu đột phá là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải thiện chất lượng điều hành, cải cách hành chính.

Công ty giày Alena (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Trong năm đầu tiên tỉnh Thanh Hóa thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), huyện Thọ Xuân là đơn vị đứng đầu trong bảng xếp hạng khối UBND cấp huyện (năm 2021). Nhận thức được việc cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong 9 tháng đầu năm 2022 huyện Thọ Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều giải pháp cụ thể.

Trong đó, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính như tập trung cải thiện mạnh mẽ, nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp huyện; thực hiện nghiêm quy định “4 tăng, 2 giảm, 3 không”, gắn với đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và  trả hồ sơ. Thời gian qua, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân đã được rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định, qua đó đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết TTHC…

Bên cạnh đó, huyện quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại, gặp gỡ các doanh nghiệp, qua đó nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp; Chủ tịch UBND huyện tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ 02 ngày/ tháng vào ngày giữa tháng và ngày cuối tháng, nhiều khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp phản ánh đã được tháo gỡ, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền.

Doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng công nghệ cao được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trên địa bàn huyện Thọ Xuân.

Trên cơ sở phân công, các đồng chí Thường trực UBND huyện đã chủ động chỉ đạo, nắm bắt, tổ chức các hội nghị để hỗ trợ, giải quyết, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án của doanh nghiệp. Ngoài các cơ chế hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển trên địa bàn huyện theo Đề án phát triển công nghiệp-TTCN và các CCN trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025, Đề án phát triển du lịch huyện Thọ Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chú trọng các biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện so với quy định, giảm số lần đi lại; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng phương thức kinh doanh mới, thực hiện chuyển đổi số để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Chủ động, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa. Quan tâm việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư, v.v… huyện Thọ Xuân tỏ rõ quyết tâm giữ vững là đơn vị dẫn đầu trong bảng xếp hạng DDCI của tỉnh trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đơn vị xếp thứ hạng cao cũng còn những đơn vị cấp huyện thuộc nhóm điểm thấp như Quảng Xương đạt 48.37 xếp thứ 25/27 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh. Trước thực tế này, huyện đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp định kì hàng tháng để nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị mình. Từ đó, có những giải pháp thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, huyện quyết tâm tập trung các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần như tính minh bạch, tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai Đề án về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện và kế hoạch số hóa năm 2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Đẩy mạnh việc khai thác phần mềm liên thông các cấp trên địa bàn toàn huyện. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp ở “một cửa” cấp huyện đúng hạn đạt 98,08%, tăng 0,3% so với cùng kì; đã tiếp nhận 15 phản ánh, kiến nghị của người dân đến giải quyết TTHC các lĩnh vực y tế, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, các kiến nghị đã được xử lý, trả lời đúng hạn. Có 100% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng quy trình, đảm bảo đúng hạn, vượt kế hoạch chỉ tiêu tỉnh giao. Có 115 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 115% KH, tăng 53,3% so với cùng kì, thành lập mới 02 Hợp tác xã, đạt 100% kế hoạch; đã cấp mới, cấp đổi 1.096 giấy đăng ký cho hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.

Có thể nhận thấy Thanh Hóa đã có những chuyển biến rất mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh chứng là ngày càng có nhiều dự án lớn được đầu tư vào Thanh Hóa. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó tỉnh quyết tâm với mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính( SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh( PAPI).

Phương Giang

 

Chia sẻ
09:41:24 14-11-2022

VHDN: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định nhiệm kỳ 2020-2025 một trong 3 khâu đột phá là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi