10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 4 kế hoạch, 2 quyết định, HĐND tỉnh ban hành 15 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 26 quyết định, 6 kế hoạch; các địa phương ban hành hàng trăm nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản để cụ thể hóa nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo tại địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.
Kết quả nổi bật nhất, đó là chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện không ngừng. Giáo dục đại trà của Thanh Hóa đứng thứ 47 cả nước, nhưng đến thời điểm hiện tại, đã vươn lên vị trí thứ 21. Toàn bộ 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, quy mô trường lớp được mở rộng. Thanh Hóa là tỉnh thứ 15 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; là tỉnh thứ 12 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Giáo dục mũi nhọn giữ vững trong top đầu cả nước tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, đào tạo nghề được quan tâm phát triển; tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao. Giáo dục ngoài công lập và công tác xã hội hoá giáo dục phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Trong giai đoạn 2013-2022, nguồn ngân sách của tỉnh chi cho giáo dục và đào tạo đạt trên 85 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,5% tổng chi thường xuyên từ ngân sách của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể trong các nhà trường được quan tâm; thực hiện tốt phương châm “Nhà trường văn hoá; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”.
Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập, những điểm nghẽn, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo của các địa phương và toàn tỉnh. Trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học, bao gồm cả đức – trí – thể – mỹ. Làm tốt việc dạy chữ, dạy nghề, dạy người, không ngừng cải tiến cách dạy, cách học với phương châm lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực.
Với kết quả đáng ghi nhận sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh Thanh Hóa sẽ có cái nhìn tổng quát, đánh giá lại những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, quyết sách đúng đắn đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như sự nghiệp phát triển GD&ĐT nước nhà.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2023
(Phương Giang)
VHDN: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội […]