Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.295 HTX, gồm 812 HTX nông nghiệp, 174 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 122 HTX thương mại – dịch vụ, 20 HTX xây dựng, 27 HTX giao thông vận tải, 67 quỹ tín dụng Nhân dân, 31 HTX môi trường và 42 HTX khác. Hiện nay, số HTX của Thanh Hóa xếp thứ 2 toàn quốc, lợi nhuận trung bình mỗi HTX đạt 262 triệu đồng/năm. Hoạt động của các HTX ngày càng mở rộng theo hướng đa ngành, đa nghề, đa khâu dịch vụ.
Để có sự phát triển nhanh và vượt bậc như vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX. Ngoài ra, tỉnh còn dành nhiều nguồn kinh phí từ các chương trình để tập huấn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, xúc tiến thương mại cho khu vực KTTT, HTX. Đồng thời, chỉ đạo thành lập và thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo phát triển KTTT từ tỉnh đến cơ sở nhằm phát huy vai trò, vị trí của KTTT, HTX trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Một số HTX tiêu biểu đạt kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng 1.500m2 nhà thủy canh. Doanh thu hằng năm của HTX đạt trên 25 tỷ đồng. HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng phát triển 9 khâu dịch vụ, phát triển vùng rau an toàn VietGAP, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho Nhân dân. Đồng thời, HTX đã phát triển được 2 sản phẩm OCOP… Hiện nay, doanh thu của HTX đạt 18 tỷ đồng/năm. HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường (Nga Sơn) mỗi năm bao tiêu hơn 180 tấn sản phẩm cây hàng hóa cho thành viên và người dân. HTX tiểu thủ công nghiệp Đồng Thắng (Triệu Sơn) doanh thu đạt 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm; HTX thủ công nghiệp Tân Thọ (Nông Cống) doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng/ năm, đã có 2 sản phẩm OCOP…
Vai trò của KTTT và các HTX trên địa bàn tỉnh còn thể hiện rõ trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong đó, các HTX đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng sản phẩm OCOP và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài đóng góp về kinh phí, ngày công lao động thì khối KTTT và HTX còn phát triển được 107 sản phẩm OCOP hạng 3 – 4 sao, gồm 98 sản phẩm của 76 HTX và 9 sản phẩm của 9 tổ hợp tác.
Để tiếp tục phát triển KTTT và HTX ngày càng lớn mạnh, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Đồng thời phối hợp triển khai xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong đó ưu tiên các mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thiệu Khánh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)
VHDN: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thanh Hóa, các hợp tác xã (HTX) và Kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Tính đến […]