Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục khởi sắc. Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 10,49%. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 252.672 tỷ đồng, gấp 1,34 lần năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 2.924 USD, gấp 1,32 lần năm 2020. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước và là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực…
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,7%; đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 349/465 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, đồng thời khởi công một số dự án giao thông quan trọng, như: đường Vạn Thiện – Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45… qua đó góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các ngành dịch vụ từng bước phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2022 đạt 7,95%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 172.209 tỷ đồng, gấp 1,42 lần năm 2020. Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân đạt 21,3%/năm, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 5.518 triệu USD, gấp 1,47 lần năm 2020; đã khai thác tốt lợi thế của tỉnh và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, toàn tỉnh hiện có 142 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 57 thị trường với 53 mặt hàng. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt, gấp 1,92 lần năm 2020.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đã có bước cải thiện rõ rệt; trong đó chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7.726 doanh nghiệp được thành lập mới, đứng thứ 6 cả nước; thu hút được 154 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 19 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.669 tỷ đồng và 193 triệu USD. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/ QĐ-TTg, ngày 27/02/2023. Đây là văn bản rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để Thanh Hóa phát triển.
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hoạt động văn hóa, thông tin được đẩy mạnh; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Từ năm 2021 đến nay, có thêm 05 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; có trên 135 nghìn lao động được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72%, tăng 2% so với năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 28,5%. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào sinh sống trên sông, đồng bào sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025) còn 4,99%, giảm 1,78% so với năm 2021.
Chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành bạn được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên…
Với lợi thế địa hình, dân cư, giao thông và vị trí địa lý thuận lợi, lại có Nghị quyết 58 của Bộ chính trị và định hướng của Chính phủ, có Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thanh Hóa chắc chắn sẽ trở thành tỉnh giàu có thịnh vượng và tỉnh gương mẫu như Bác Hồ hằng mong muốn.
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX ngày 30/6 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã đánh giá những mặt tích cực đã đạt được và những mặt còn phải cố gắng, đặc biệt là Thông báo số 29 của UBKT Trung ương về những sai phạm của Thường vụ Tỉnh ủy các khóa 2011-2015 và 2016 – 2020 đến mức phải đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật. Bí thư đã nhấn mạnh với những lời tâm huyết: “Phía trước chúng ta, đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và của Nhân dân vào tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các tổ chức đảng và mỗi đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý là rất lớn. Tôi mong rằng các đồng chí hãy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, luôn luôn chăm lo xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào đều phải thể hiện tính cách mạng, xung kích, kỷ luật, trung thực, chống tham nhũng, tiêu cực, chống bệnh thành tích, hình thức, càng trong khó khăn gian khổ thì càng phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2023
(Anh Minh)
VHDN: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo […]