Theo quy luật, thị trường hàng giả, hàng nhái bắt đầu nhộn nhịp từ dịp Tết Trung thu, nhất là bước vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Hiện nay, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị này, ngoài khó khăn về lực lượng, phương tiện, thiết bị thì công tác đấu tranh chống hàng giả còn gặp khó khăn do thiếu sự phối kết hợp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt, đối với hàng hóa thương hiệu nước ngoài, khi phát hiện hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, việc liên hệ, phối hợp để nhận định hành vi vi phạm còn khó khăn hơn do các nhãn hàng này chỉ có bộ phận đại diện ở Việt Nam.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, trong 7 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng trực thuộc Ban Chỉ đạo đã xử lý 66 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, trong đó chủ yếu là giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu lớn. Nhiều vụ việc điển hình nghiêm trọng, như ngày 27-4, Đội Quản lý thị trường số 10 cùng các cán bộ nghiệp vụ Đội Quản lý thị trường số 1, số 9, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Phòng Nghiệp vụ 1- Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường và Phòng PC03 Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh shop Ngọc Thảo cùng 4 kho chứa hàng tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ tang vật gồm gần 28.000 sản phẩm hàng hóa, bao gồm đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm, giày dép, đồ gia dụng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa và nhập lậu. Vụ việc nghiêm trọng trên hiện đang được Đội Quản lý thị trường số 10 xác minh làm rõ. Cũng trong những tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã ban hành nhiều quyết định xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Cùng với hoạt động vận chuyển, kinh doanh, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã xuất hiện các cơ sở chuyên sản xuất hàng giả, với nhiều thủ thuật tinh vi. Điển hình như ngày 15-3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hộ kinh doanh giấy vệ sinh Thiên Phúc, tại xã Tân Phúc (Nông Cống) với 2 hành vi sản xuất và đóng gói hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đơn vị này đã bị xử phạt hành chính số tiền 39,2 triệu đồng, đình chỉ sản xuất 2 tháng và buộc tiêu hủy hàng hóa với trị giá hơn 34 triệu đồng.
Trước diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi trong sản xuất và kinh doanh hàng giả, để công tác chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thực sự mang lại hiệu quả, ngoài việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, rất cần sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp. Trong đó, cùng với hoạt động quảng bá sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường việc truyền thông hướng dẫn, phân biệt hàng thật – giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa và phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác giám định hàng hóa bị xâm phạm nhãn hiệu.
Hoàng Dũng
Theo Tạp chí VHDNVN tháng 9/2022
VHDN: Sau thời gian dịch COVID-19, kinh tế đang dần phục hồi, theo đó nhu cầu tiêu thụ và sản xuất hàng hóa tiêu dùng cũng tăng cao. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh hàng giả trong thời gian qua cũng trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là với hình thức kinh doanh trực […]