Sự kiện - chuyên đề:

Thanh hóa: Thực hiện nhiều cơ chế, chính sách “gỡ khó” cùng doanh nghiệp

VHDN: Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng của doanh nghiệp (DN), doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022, tỉnh Thanh Hoá đã xếp thứ 2/63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ DN. Kết quả này khẳng định nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc quan tâm, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ phát triển DN. Một trong những chính sách hỗ trợ phát triển DN đang được tỉnh Thanh Hoá triển khai hiệu quả và được cộng đồng DN đánh giá cao là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự DN cho cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hơn 100 lớp đào tạo bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự DN cho hàng nghìn lượt học viên. Năm 2023, tỉnh tiếp tục dành kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng, tổ chức hơn 150 lớp đào tạo, giúp các DN bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức bổ ích, thiết thực về quản trị kinh doanh, phát triển DN.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng cúp “Doanh nhân xứ Thanh” năm 2023 cho doanh nhân tiêu biểu.

Đồng thời, Thanh Hoá đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó, mỗi năm tỉnh đều dành hàng chục tỷ đồng để triển khai các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển DN. Nổi bật như các chính sách hỗ trợ đào tạo cho DN; hỗ trợ chuyển đổi số và xây dựng DN công nghệ số; hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới… Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh, chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển DN trong năm 2023. Cụ thể, sẽ hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới; 10 doanh nghiệp được hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; khoảng 15 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh; có khoảng 25 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong DN và chuyển đổi mô hình kinh doanh; tổ chức 77 lớp bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp cho khoảng 3.850 lượt học viên; tổ chức 77 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị DN; in ấn và bàn giao cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký DN, quy trình thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử và một số chính sách hỗ trợ DN; hỗ trợ khoảng 2.900 DN sử dụng chữ ký số; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của DN trên nền tảng số của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thanh Hóa.

Với sự nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển DN, tình hình phát triển DN ở Thanh Hóa ổn định và luôn đứng trong top đầu của cả nước và khu vực. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 3.700 DN thành lập mới, gần 1.300 DN đăng ký quay trở lại hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm 2023, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với 2.200 doanh nghiệp được thành lập mới, đạt 70,3% kế hoạch, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội cũng luôn đạt được những con số ấn tượng, nộp ngân sách Nhà nước khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 51% tổng thu nội địa.

Cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng DN, UBND tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành những quyết sách phù hợp, gỡ khó cho DN trong thời điểm khó khăn. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là động lực để các DN tiếp tục phục hồi và phát triển, là điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập mới từ 15.000 DN trở lên trong giai đoạn 2020 – 2025.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 11/2023

(Phương Giang – Hoàng Dũng)

08:43:16 10-11-2023

VHDN: Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng của doanh nghiệp (DN), doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách […]

Đối tác của chúng tôi