Sự kiện - chuyên đề:

Thanh Hóa: Tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng,chống dịch Covid-19

VHDN: Ngày 31/1/2020, Ủy ban Khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổng giám đốc WHO đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra và sau đó WHO định danh bệnh là Covid-19. Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã ghi nhận những bệnh nhân mắc mắc Covid-19. Tại Thanh Hóa, sau gần 2 tháng điều trị thành công cho bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên, thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 3 trường hợp mắc mới Covid-19 tại Khu Cách ly Sư đoàn 390 đóng tại Bỉm Sơn và chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ điều trị. Để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid 19.

Tiếp nhận công dân từ các nước về để cách ly tập trung tại Sư đoàn 390 (Quân đoàn I).

Thanh Hóa là tỉnh có hàng trăm nghìn người đi học tập, làm ăn, sinh sống tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước. Số đối tượng trở về và đến Thanh Hóa sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, đây là nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid -19 rất cao, khó kiểm soát, giám sát cần được thực hiện cách ly, đảm bảo hạn chế dịch bệnh lan rộng. Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa, tính đến hết ngày 31/3/2020, hiện có 12 trường hợp nghi mắc hiện được điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi (đây là những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai về); lũy tích số mẫu được lấy sàng lọc là 526 người, trong đó đã có kết quả là 183 (trong đó 181 người âm tính với SARS-CoV-2, 02 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là 2 bệnh nhân số 134 và 179, 2 bệnh nhân này đang được điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương) còn lại 343 mẫu vẫn chờ kết quả; tại tuyến huyện cách ly tập trung là 409 người; tại Sư đoàn 390 Quân đoàn 1 đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn là 812 người (trong đó hết thời hạn cách ly là 409 người); lũy tích số người Việt Nam từ vùng dịch về Thanh Hóa được cách ly tại nhà, nơi cư trú là 5.887 người; số người nước ngoài đến Thanh Hóa được cách ly tại nhà, nơi cư trú là 1.065 người.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế Thanh Hóa xây dựng Phương án Bệnh viện COVID trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thành lập Bệnh viện COVID trong trường hợp dịch bùng phát lây lan trong cộng đồng. Trên cơ sở phương án này, ngày 1/4/2020 Chủ tịch UNBD tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã thống nhất phương án có từ 20 đến 1.000 bệnh nhân sẽ trưng dụng Bệnh viện Phổi và các khoa bệnh nhiệt đới tuyến tỉnh; phương án với 2.000 bệnh nhân sẽ thêm các Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn, Lang Chánh, Nông Cống, Hà Trung, khu vực Tĩnh Gia và các khoa truyền nhiễm bệnh viện tuyến huyện; phương án với 4.000 bệnh nhân sẽ thêm Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thuỷ, Yên Định, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá, các khoa truyền nhiễm bệnh viện tuyến huyện còn lại… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch lây lan bùng phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hệ thống bệnh viện tư nhân có đủ năng lực điều trị bệnh nhân chuyển từ các bệnh viện được trưng dụng điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong từng bệnh viện, phải xây dựng phương án chuyển dần trạng thái, khi có bệnh nhân COVID-19 thì sẽ không tiếp tục nhận bệnh nhân khác và chuyển số bệnh nhân hiện tại sang các cơ sở điều trị khác. Khi đến 70% phương án 1 phải kích hoạt ngay phương án 2, vận hành theo hướng chuyển dần bệnh nhân điều trị. Trước mắt, Bệnh viện Phổi phải vận hành ngay khu điều trị bệnh nhân COVID-19 riêng, đồng ý lắp đặt hệ thống siêu lọc máu, hệ thống ô xy, lắp hệ thống giặt, mua thêm ô tô cứu thương,.. kết nối tuyến Trung ương để hỗ trợ chuyên môn từ xa tại Bệnh viện Phổi. Về quản lý điều trị, thống nhất giao giám đốc bệnh viện toàn quyền chỉ huy, nghiên cứu điều động cán bộ, chuyên gia, phương tiện cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, nhà nước chi trả chi trả 100% chi phí điều trị thông qua bảo hiểm y tế và ngân sách… Tỉnh cũng phê duyệt nguồn kinh phí mua tiếp hệ thống máy thở cho các bệnh viện, máy xét nghiệm PCR-Real time để xét nghiệm chẩn đoán Sars CoV-2 tại Trung tâm Ki soát Bệnh tật và sẽ bổ sung mua sắm các trang thiết bị thiết yếu còn thiếu cho giai đoạn trước mắt nếu có tình huống xảy ra.

Dịch bệnh Covid-19 chắc chắn sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường trên Thế giới cũng như tại Việt Nam. Nhiều thách thức mới, cùng những quyết định táo bạo chưa có tiền lệ sẽ được đặt ra. Từ thực tiễn cách xử lý phòng chống dịch trên, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid 19 tỉnh đã nhấn mạnh phương châm giải quyết trong thời gian tới đó là “cần giảm thiểu tối đa lây lan thứ phát, sẵn sàng và chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân” với những định hướng cụ thể:

1. Nâng cấp đáp ứng PCD Covid-19 giai đoạn 3 tại địa phương nhằm nhanh chóng đáp ứng sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới tại Thanh Hóa.

2. Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam, đến Thanh Hóa theo dường hàng không, cửa khẩu đường bộ và cảng biển theo quy định. Quản lý thông tin khai báo chặt chẽ, hiệu quả và phát hiện sớm để thực hiện cách ly đối với những trường hợp đến từ hoặc đi qua vùng dịch; thành lập các Tổ giám sát hàng không, cửa khẩu, cảng Nghi sơn ở tất cả các tuyến tỉnh/huyện/xã/thôn/ bản.

3. Phối hợp Quân đội, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội…, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện việc cách ly, rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch cách ly trên diện rộng; có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú… làm nơi cách ly tập trung.

4. Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly xã hội từ 1/4 -15/4. Dừng tổ chức cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

5. Các Ban, ngành, địa phương, công ty nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1771/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 3 năm 2020.

6. Các Ban, ngành, địa phương cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch cần tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Chắc chắn cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 còn dài, đồng hành cùng Chính phủ và ngành y tế, mỗi người dân hãy tuân thủ nghiêm những chỉ thị, những khuyến cáo hiện nay. Từng ý thức nhỏ của mỗi người sẽ giúp xây dựng ý chí và sức mạnh to lớn để chiến đấu với dịch bệnh, mang lại thắng lợi to lớn trong trận chiến này.

Thầy thuốc Ưu tú, TS. LƯƠNG NGỌC TRƯƠNG (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thanh Hóa)

 

 

14:06:34 13-07-2020

VHDN: Ngày 31/1/2020, Ủy ban Khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổng giám đốc WHO đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra và sau đó WHO định danh bệnh là […]

Đối tác của chúng tôi