Sự kiện - chuyên đề:

Thành Phố Hạ Long: Bị thu hồi đất, người dân vác đơn cầu cứu khắp nơi

Đất khai hoang, sinh sống, canh tác cả chục năm nay, đùng một cái chính quyền gọi dân lên tuyên bố thu hồi đất bổ sung để làm dự án chỉnh trang đô thị (làm cây xanh và bãi đỗ xe). Những hộ dân ở phường Bãi Cháy (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) ngơ ngác, vác đơn cầu cứu khắp nơi.

Người dân hoang mang khi bị thu hồi đất.

Dân không đồng thuận vì quá nhiều bất cập

Thực hiện chủ trương về chỉnh trang đô thị hai bên cầu Bãi Cháy, để đảm bảo tiến độ hoàn thiện của dự án, UBND thành phố Hạ Long đã giao cho UBND phường Bãi Cháy tiến hành công tác vận động nhân dân chấp nhận bồi thường và đồng ý bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên quá trình làm việc giữa lực lượng chức năng và các hộ dân còn nhiều khúc mắc chưa được tháo gỡ.

Các hộ dân trong địa bàn thuộc khu vực giải tỏa để xây dựng dự án đã đề nghị UBND phường Bãi Cháy và UBND thành phố Hạ Long kiểm tra thực địa để xác định diện tích đã thu hồi, kiểm đếm xác định rõ tài sản đất đai cho từng hộ dân một cách công khai, minh bạch. Tuy nhiên nội dung bản chứng nhận nguồn gốc đất ghi trong phương án bồi thường là đất nông nghiệp và lâm nghiệp được người dân sống trong khu vực giải phóng mặt bằng cho rằng không chính xác. Yêu cầu chính quyền xác định là đất ở vì diện thích đất đã được các hộ gia đình xây dựng nhà ở và các công trình dân sinh từ hàng chục năm nay. Đồng thời, làm rõ mục đích thu hồi đất có phù hợp không, khi thu hồi đất người dân đang ở và sinh sống chỉ nhằm mục đích làm khu cây xanh và bãi đỗ xe, trong khi không bố trí chỗ ở tái định cư. Người dân từ cảnh đang có nhà ở ổn định, trở thành “tay trắng”, không nhà cửa, chỗ ở.

Một mét vuông đất bằng giá một cân thịt

Những bất cập trong dự án: Cải tạo, chỉnh trang đường 18A đoạn từ nút giao đường Hoàng Quốc Việt với đường 18A đến cầu Bãi Cháy tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long khiến người dân bức xúc trong suốt thời gian dài. Nhất là sau khi công khai chi tiết kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã bị người dân kịch liệt phản đối vì giá đền bù quá thấp (76 nghìn/1m2). Với những dự án phục vụ lợi ích công cộng như đường giao thông thì người dân luôn chấp hành chủ trương của Nhà nước, nhưng giá đều bù chênh lệch quá lớn so với thị trường lại là “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng vì người dân không đồng thuận. Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng còn nhân lên nhiều lần đối với các dự án phát triển kinh tế – xã hội khi trình tự, thủ tục bồi thường còn bất cập, tình trạng thiếu công khai, minh bạch từ phía các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Dân kêu oan như cóc kiện trời

Một trong những hộ bị thu hồi đất là gia đình bà Nguyễn Thị Cúc trú tại tổ 4, khu 10, phường Bãi Cháy. Đến khai hoang từ những năm 90 theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, toàn bộ thửa đất này được bà Cúc sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp và không lấn chiếm của cá nhân, cơ quan, tổ chức nào, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo mục đích sử dụng đầy đủ, theo quy định của pháp luật, quá trình bắt đầu sử dụng đất cho đến nay không bị lập biên bản hay xử phạt gì về việc sử dụng đất. Tổng diện tích ban đầu sử dụng đất từ năm 1990 do bà Cúc không tiến hành đo vẽ nên không xác định được cụ thể bao nhiêu. Đến khi tiến hành đo địa chính năm 1998 thì bà Cúc đi làm, không có nhà, UBND phường Bãi Cháy tự tiến hành đo vẽ và không hỏi ý kiến bà Cúc. Sau gần 30 năm ổn định cuộc sống thì nay cuộc sống gia đình bà Nguyễn Thị Cúc trú tại tổ 4, khu 10, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long cũng như 05 hộ dân khác bỗng bị đảo lộn do chính quyền tiến hành thu hồi đất để thực hiện bổ sung dự án: Cải tạo, chỉnh trang đường 18A đoạn từ nút giao đường Hoàng Quốc Việt với đường 18A đến cầu Bãi Cháy tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.

Việc thu hồi đất đã vô tình đưa gia đình bà và các hộ dân khác rơi vào cảnh khốn cùng, phải đội đơn đi “cầu cứu” khắp các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Khu tạm cư thiếu thốn trăm bề

Theo quyết định phê duyệt dự toán kinh phí tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với 06 hộ gia đình, cá nhân tại khu 10, phường Bãi Cháy để GPMB thực hiện dự án: Cải tạo, chỉnh trang đường 18A đoạn từ nút giao đường Hoàng Quốc Việt với đường 18A đến cầu Bãi Cháy tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long số 5640/QĐ-UBND của UBND thành phố Hạ Long, 06 hộ dân đã di dời, nhường đất để làm dự án chỉnh trang đô thị. Thế nhưng, thay vì được bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống, 06 hộ dân này chỉ được cơ quan chức năng thuê nhà trọ là khu nhà tạm cư nhếch nhác, tạm bợ, thiếu thốn trăm bề. Người dân lâm vào cảnh khốn cùng “màn trời chiếu đất” do bị cưỡng chế thu hồi đất đai.

Đã ngoài 70 nhưng cụ ông Nguyễn Hồng Lan vẫn phải sống kiếp thuê trọ khi chính quyền thu hồi toàn bộ diện tích đất nhưng lại không cấp tái định cư sau khi bị dỡ nhà để lấy đất xây dự án trồng cây xanh và bãi đỗ xe. Nhà có 3 thế hệ, với 5 nhân khẩu cùng sinh sống, cả gia đình ông đều phải sinh hoạt chung trong không gian phòng trọ chưa tới 20m2, mọi điều kiện sinh hoạt đều rất bất tiện. Không gian chật chội, nóng bức. Nhất là nhà vệ sinh chỉ được quây tạm bằng những tấm pro xi măng. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, các gia đình đã sớm bàn giao đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, công tác tổ chức tái định cư chậm, mặt bằng chưa hoàn thiện, điều kiện sống không được đảm bảo. Người dân yêu cầu chính quyền sớm giải quyết và được cấp nhà ở tái định cư để ổn định cuộc sống.

Cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền

Với những sai phạm trên, người dân đã có đơn khiếu nại, ý kiến yêu cầu đối thoại, làm rõ các nội dung dân còn thắc mắc và giải quyết nhưng không được xem xét, giải quyết triệt để. Ngày 19/6/2020 đồng thời vận động nhân dân giao mặt bằng và ra Quyết định cưỡng chế, lực lượng chức năng đã không bố trí nơi ở cho dân trước khi cưỡng chế. Vào 24/6/2020 thì đưa lực lượng và tiến hành cưỡng chế. Một trong các điều kiện để tiến hành cưỡng chế là người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, kể từ thời điểm biết được việc UBND thành phố Hạ Long thu hồi đất, bà Dương Vân Anh hoàn toàn không được nhận bất cứ tài liệu, thông báo nào về việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất.

UBND phường Bãi Cháy đã không tiến hành giao Quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình cưỡng chế, người dân cho biết chính quyền tiến hành phá dỡ nhà ở khi mới chỉ thông báo cho người dân trước một ngày. Trong khoảng thời gian đó không đủ để người dân chuẩn bị đồ đạc cho công tác di dời. Bên cạnh đó, ban thực hiện cưỡng chế cũng không thực hiện việc bảo quản tài sản của người bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tài sản của người dân bị hư hỏng nặng do không được bảo quản mặc dù trong dự toán kinh phí tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có khoản chi 240 triệu đồng dành cho chi phí bảo quản tài sản, thuê kho bãi để chứa các tài sản bị cưỡng chế (tới thời điểm hiện tại, một số hộ dân cũng không được biết đồ đạc của gia đình sau khi bị di dời trong quá trình cưỡng chế hiện đang ở đâu?, cơ quan nào bảo quản?).

Người dân còn cho biết thêm, công tác giải phóng mặt bằng được tiến hành trong 1 buổi duy nhất chứ không phải trong 6 ngày như Ban Cưỡng chế công bố. Số tiền chi phí thuê các phương tiện hỗ trợ, như: rà phá bom mìn, xe chở lực lượng cưỡng chế, xe cứu hỏa, cứu thương, chi phí cho lực lượng cưỡng chế là hoàn toàn sai sự thật. Số tiền bỏ ra thực tế nhỏ hơn hàng chục lần so với chi phí công bố.

Dự án vẫn còn đó, các vướng mắc trong dự án vẫn chưa được giải quyết triệt để, khu tái định cư chưa có để dân ổn định cuộc sống thì dân vẫn còn vác đơn đi cầu cứu. Chỉ khi nào vấn đề được giải quyết, phải an cư thì người dân mới lạc nghiệp.

Nhóm PV

Chia sẻ
11:26:53 10-08-2020

Đất khai hoang, sinh sống, canh tác cả chục năm nay, đùng một cái chính quyền gọi dân lên tuyên bố thu hồi đất bổ sung để làm dự án chỉnh trang đô thị (làm cây xanh và bãi đỗ xe). Những hộ dân ở phường Bãi Cháy (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) ngơ ngác, […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi